Phát triển điện mặt trời áp mái cần sớm có biểu giá mới

Đến hết tháng 10-2019, trên địa bàn tỉnh có 542 khách hàng (KH) sử dụng công nghệ điện mặt trời áp mái (ĐMTAM). Lượng điện KH bán ra từ hệ thống ĐMTAM trong tháng 10 là 5.536.092 kWh, tương đương với số tiền gần 8,5 tỷ đồng. Lũy kế đến 10 tháng KH bán ra đạt 17.082.222 kWh, tương đương gần 30 tỷ đồng.

Trong số 542 KH lắp đặt sử dụng ĐMTAM, có 469 KH là cá nhân, hộ gia đình sinh hoạt, 73 KH là đơn vị, doanh nghiệp. Tp. Phan Rang - Tháp Chàm là địa phương có số KH lắp đặt ĐMTAM nhiều nhất với 330 KH, Ninh Phước có 72 KH, Ninh Hải có 42 KH, Ninh Sơn có 55 KH, Bác Ái có 5 KH, Thuận Bắc có 6 KH và Thuận Nam có 32 KH. Quy mô lắp đặt dao động ở mức 1,07 đến 999 kWp.

Ông Hồ Thái Yên Kha, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Ninh Thuận cho biết: Phát triển hệ thống ĐMTAM giúp ngành điện giảm công suất đỉnh của hệ thống điện vào giờ cao điểm, giảm tối đa nguồn vốn ngân sách đầu tư vào các công trình nguồn phát và lưới truyền tải, giảm áp lực trong quá trình cung cấp điện, đầu tư nâng cấp lưới điện và tổn thất điện năng đối với lưới điện phân phối; cải thiện điện lưới cuối nguồn phụ tải, cung cấp nguồn năng lượng sạch, giảm phát thải khí hiệu ứng nhà kính.

Phát triển điện mặt trời áp mái góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Ảnh: N.Diệp

Đối với khách hàng, việc tận dụng, kết hợp sử dụng mái của các kết cấu nhà ở, nhà xưởng, công trình công cộng có sẵn (bệnh viện, trường học, chợ, cơ quan…) để lắp đặt ĐMTAM không chỉ tiết kiệm chi phí đầu tư, tăng tính mỹ quan của tòa nhà, làm giảm nhiệt độ cho hệ thống công trình dưới mái, giúp KH giảm chi phí tiền điện mua từ lưới điện hàng tháng mà còn có thêm nguồn thu nhập nhờ bán sản lượng điện dư cho ngành điện.

Nhờ cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg (Quyết định 11) của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, công nghệ điện năng lượng mặt trời nói chung và ĐMTAM nói riêng trên địa bàn tỉnh ta có những bước tiến mạnh mẽ, vượt bậc. Chỉ trong thời gian ngắn, khắp các huyện, thành phố lượng KH lắp đặt ĐMTAM tăng lên khá nhanh. Tuy nhiên, từ ngày 31-6 vừa qua, Quyết định 11 hết hiệu lực, khung giá mới cho ĐMTAM vẫn chưa được ban hành. Điều này, ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch đầu tư ĐMTAM của nhiều KH, nhất là với những KH có mong muốn lắp đặt ĐMTAM quy mô lớn tại các công trình nhà xưởng, trang trại… Theo số liệu trong 3 tháng qua, trên địa bàn tỉnh có 222 KH mới lắp đặt ĐMTAM nhưng phần lớn quy mô lắp đặt chỉ dừng ở mức 3 đến 5 kWp. Có một số KH mạnh dạn đầu tư quy mô lớn song đang rất phân vân. Anh Lê Tuấn, ở phường Thanh Sơn (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) cho biết: Tháng 7 vừa qua, anh bỏ ra 240 triệu đồng lắp đặt hệ thống ĐMTAM với hiệu suất 13kWp. Do chưa có khung giá mới nên hiện nay anh chỉ được ngành điện ghi nhận sản lượng điện dư phát lên lưới chứ chưa được thanh toán hoàn tiền. Thiếu biểu giá anh Tuấn không thể đưa ra kết quả tính toán chính xác nên vẫn đang rất lưỡng lự trong vấn đề có nên tiếp tục đầu tư thêm hay không. Anh rất mong Chính phủ sớm ban hành khung giá mới. Đó cũng là nguyện vọng của Công ty TNHH Thuận Thảo khi đang đầu tư hơn 10 tỷ đồng lắp đặt hệ thống ĐMTAM quy mô lớn lên đến 600.000 kWp tại khu văn hóa ẩm thực Thuận Thảo trên đường Nguyễn Tri Phương, phường Mỹ Bình (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm).

Ngày 22-11 vừa qua, Văn phòng Chính phủ ra Thông báo số 402/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ về dự thảo cơ chế phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, áp dụng từ ngày 1-7-2019, tiếp theo Quyết định 11. Thông báo nêu rõ: Thống nhất việc ban hành biểu giá khuyến khích cố định (biểu giá FIT) áp dụng cho ĐMTAM trong phạm vi cả nước và trong khoảng thời gian nhất định; xem xét ban hành biểu giá FIT áp dụng đối với các dự án đã ký hợp đồng mua bán điện và đang triển khai thi công, xây dựng đưa vào vận hành trong năm 2020. Đối với các dự án còn lại và các dự án mới sẽ không tiếp tục áp dụng biểu giá FIT mà chuyển hẳn sang thực hiện theo hình thức đấu thầu công khai, minh bạch, cạnh tranh để giảm giá mua điện từ các dự án điện mặt trời. Giá điện mặt trời áp dụng đối với các dự án trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận thực hiện theo đúng quyết nghị của Chính phủ tại Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31-8-2018 về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023; áp dụng cho đến khi Ninh Thuận đạt đủ quy mô công suất 2.000 MW hoặc đến hết năm 2020 tùy theo tiêu chí nào đến trước. Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương thực hiện rà soát, thống nhất về biểu giá FIT áp dụng đối với điện mặt trời trên mái nhà bảo đảm phù hợp, tránh bị lợi dụng chính sách để trục lợi… và báo cáo Thủ tướng trước ngày 15-12-2019.

Với phương án và lộ trình đưa ra, đây sẽ là cơ sở giúp KH đầu tư ĐMTAM có hướng đi rõ ràng, cụ thể hơn đưa ĐMTAM trên địa bàn tỉnh ta tiếp tục phát triển hơn nữa trong thời gian tới.