Nỗ lực triển khai thanh toán học phí không dùng tiền mặt

Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 đặt ra yêu cầu trước tháng 12-2019, 100% trường học trên địa bàn đô thị phối hợp với các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thu học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, qua thiết bị chấp nhận thẻ (POS).

Tại tỉnh ta, ngoài một số trường dân lập, trường cao đẳng, đại học, đến thời điểm này chưa có cơ sở giáo dục công lập nào triển khai thu học phí bằng phương thức không dùng tiền mặt. Việc hoàn thành mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra là không thể thực hiện đúng tiến độ. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, ngành Giáo dục và Đào tạo đang nỗ lực triển khai hoạt động này trong những năm tới. Cụ thể hóa mục tiêu đó, vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đưa ra dự thảo Đề án “Thanh toán học phí không dùng tiền mặt tại các cơ sở giáo dục công lập của tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2020- 2025” (Đề án).

Theo đó, dự thảo Đề án đặt ra mục tiêu từ năm 2020 đến năm 2025 tất cả các cơ sở giáo dục công lập trên phạm vi toàn tỉnh sẽ áp dụng phương thức thanh toán học phí không dùng tiền mặt. Trước mắt, trong năm học 2020- 2021 sẽ triển khai thí điểm tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và Trường THPT Nguyễn Trãi. Từ năm 2022 đến 2023 triển khai đồng bộ tại các cơ sở giáo dục từ cấp mầm non đến THPT đóng trên địa bàn Tp.Phan Rang- Tháp Chàm và từ năm 2024 đến năm 2025 sẽ triển khai rộng rãi trên địa bàn toàn tỉnh.

Ngành Ngân hàng phát triển hạ tầng thanh toán điện tử để đáp ứng thanh toán học phí không dùng tiền mặt.

Với phương châm đa dạng các giải pháp thanh toán học phí từ đơn giản đến phức tạp, dự thảo Đề án đưa ra 3 nhóm giải pháp bao gồm: Các trường sẽ mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng và tiến hành theo cách thức chuyển tiền thông thường, lắp đặt POS, thu hộ mà không cần kết nối hệ thống; kết nối hệ thống với ngân hàng để thanh toán trực tuyến trên website, app trường học, POS tích hợp phần mềm trường học hoặc kết nối hệ thống với ngân hàng ở mức độ phức tạp hơn, quét mã QR Code trên thiết bị di động, thanh toán hóa đơn học phí 24/7. Trong quá trình triển khai, các trường căn cứ vào điều kiện thực tiễn hạ tầng công nghệ thông tin của đơn vị để lựa chọn giải pháp phù hợp nhất.

Trong khi thói quen dùng tiền mặt vẫn còn phổ biến và phần lớn phụ huynh, học sinh trên địa bàn tỉnh sinh sống tại vùng nông thôn, miền núi thì việc thực hiện phương thức thanh toán học phí không dùng tiền mặt bước đầu chắc chắn sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, dự thảo Đề án đã đưa ra một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Theo đó, ngành Giáo dục sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn và bảo vệ người đóng học phí khi thực hiện theo phương thức thanh toán không dùng tiền mặt mà cụ thể là qua ngân hàng. Đồng thời, làm việc với các ngân hàng, đơn vị trung gian tập trung phát triển hạ tầng thanh toán điện tử. Trong đó, ưu tiên mở rộng mạng lưới máy giao dịch tự động (ATM) đến khu vực nông thôn, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ ATM, tăng cường các biện pháp nhằm đảm bảo tính bảo mật trong giao dịch ATM và tăng lượng POS trong các trường học; hoàn thiện và tăng cường kết nối giữa hạ tầng thanh toán điện tử của hệ thống ngân hàng với hạ tầng thanh toán của các cơ sở giáo dục để đáp ứng tốt hơn yêu cầu thanh toán điện tử trong thương mại điện tử. Đẩy mạnh phát triển ứng dụng các phương tiện và mô hình thanh toán hiện đại, dễ sử dụng như thanh toán qua điện thoại di động, thiết bị kỹ thuật số và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương nhằm thúc đẩy dịch vụ thanh toán qua ngân hàng…