Mở hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ở lĩnh nông nghiệp diễn ra sâu rộng như hiện nay, việc phát triển nền nông nghiệp hữu cơ (NNHC) là xu hướng tất yếu, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng các sản phẩm sạch ngày càng cao của người tiêu dùng. Những năm qua, thực hiện chủ trương phát triển sản xuất NNHC, trên địa bàn tỉnh hình thành một số mô hình mới, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao.

Ninh Phước là huyện đi đầu thực hiện Chương trình trồng rau an toàn (RAT), được triển khai vào vụ đông xuân 2009-2010 ở xã An Hải với vài chục ha ban đầu, đến nay quy mô lên tới hàng trăm ha. Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, ưu thế của trồng RAT là năng suất và chất lượng cao. Tuy nhiên, khi diện tích được mở rộng, sản lượng ngày càng tăng, nông dân lại gặp khó về đầu ra sản phẩm. Xác định nguyên nhân của hạn chế là do khâu tổ chức sản xuất thiếu chặt chẽ, nên huyện đã đưa ra giải pháp tăng cường hoạt động liên kết, coi doanh nghiệp là mắt xích quan trọng trong xây dựng các chuỗi giá trị. Nhờ linh động trong chỉ đạo điều hành, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nên trên địa bàn hình thành một số mô hình trồng trọt có hiệu quả, nâng tầm từ sản xuất an toàn sang sản xuất hữu cơ không sử dụng phân hóa học bón cho cây trồng. Tiêu biểu như HTX Dịch vụ Tổng hợp Tuấn Tú, Trang trại Nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến trồng măng tây xanh hữu cơ đầu tiên tại Việt Nam, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, được thị trường trong và ngoài nước chấp thuận.

 Sản xuất măng tây xanh hữu cơ ở Trang trại Nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến, xã An Hải (Ninh Phước). Ảnh: A.T

Sản xuất NNHC đã khẳng định được ưu thế vượt trội, tuy nhiên theo đồng chí Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, thực tế sản xuất hữu cơ chi phí cao hơn so với phương pháp thông thường, nên tự thân nông dân khó thực hiện được. Nhìn nhận đúng vấn đề này, tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương triển khai có hiệu quả các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, tranh thủ hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước để triển khai những chương trình, dự án về nông nghiệp. Thông qua hỗ trợ của Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc, vụ hè - thu 2017 xã Lương Sơn (Ninh Sơn) triển khai thí điểm cánh đồng lúa hữu cơ ở thôn Tân Lập 2. Mô hình tạo được sự đồng thuận cao của nông dân nhờ năng suất cao (đạt 7 tấn/ha), sản phẩm lúa sạch được thương lái ở tỉnh Lâm Đồng mua với giá cao hơn 20% so với lúa sản xuất theo phương thức truyền thống. Với một xã có thế mạnh về trồng lúa nhờ điều kiện đất đai rộng, thủy lợi thông suốt như Lương Sơn, nhưng trước đây do sản xuất nhỏ lẻ, nông dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật khiến cho giá trị hạt gạo thấp. Chỉ đến khi có sự giúp đỡ của Đoàn tình nguyện viên Saemaul, phong trào sản xuất lúa hữu cơ mới được khởi động, tạo đột phá trong cơ cấu lại nội ngành sản xuất lúa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.

Việc tỉnh chú trọng chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương triển khai Chương trình NNHC với các loại cây trồng lợi thế để nâng cao sức cạnh tranh mặt hàng nông sản trên thị trường đã khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nông dân đầu tư sản xuất các sản phẩm đặc thù quy mô tập trung. Theo kết quả khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại thời điểm hiện nay, HTX Điều hữu cơ Truecoop tổ chức sản xuất điều hữu cơ có quy mô lớn nhất so với các đơn vị khác, diện tích lên tới hơn 1.155 ha. Hằng năm, HTX tiến hành khảo sát, mở lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Hiện nay, sản phẩm điều của HTX được cấp Giấy chứng nhận về sản phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn EU và USDA do tổ chức Control Union Việt Nam chứng nhận và thu mua toàn bộ sản phẩm, với giá 42.000 đồng/kg, cao hơn ngoài thị trường tại thời điểm 1.000 - 2.000 đồng/kg. Bên cạnh chú trọng mở rộng diện tích canh tác, còn có một số doanh nghiệp chú trọng áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất NNHC để giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đơn cử, Dự án nghiên cứu triển khai và đầu tư áp dụng công nghệ xanh phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch ít phát khí thải nhà kính tại xã Phước Tiến (Bác Ái), Dự án sản xuất NNHC của Công ty TNHH Nắng và Gió tại xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển lên tầm cao mới.

Có thể nói, việc chuyển hướng từ nền nông nghiệp sử dụng quá nhiều thuốc hóa học sang NNHC là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Để hướng tới đạt mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, ngành Nông nghiệp đã tham mưu tỉnh hoàn thiện cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất liên quan đến NNHC, giúp người tiêu dùng an tâm khi sử dụng các sản phẩm nông nghiệp đã được chứng nhận, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.