Bên lề Quốc hội: Ưu tiên dự án đem hiệu quả cao cho sự phát triển vùng đồng bào thiểu số

Ưu tiên lựa chọn nguồn vốn đầu tư cho các dự án, công trình đem lại hiệu quả cao nhất cho sự phát triển của vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đó là ý kiến của một số đại biểu Quốc hội bên hành lang Quốc hội sáng 15/11 khi đề cập đến việc sắp tới Quốc hội biểu quyết Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau), Đề án rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn. Hầu hết các bộ, ngành, địa phương và đồng bào các dân tộc thiểu số đồng tình, ủng hộ bởi thực hiện Đề án sẽ tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, giảm nghèo nhanh, bền vững và giải quyết căn cơ một số yêu cầu bức thiết về đời sống của đồng bào các dân tộc.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau Lê Thanh Vân phát biểu. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Hơn nữa, Đề án góp phần tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Đề án khi triển khai cũng sẽ góp phần thu hẹp dần khoảng cách với vùng phát triển và xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nhấn mạnh tính cần thiết của Đề án, đại biểu Lê Thanh Vân lưu ý, có một số vấn đề cần phải tính đến trong triển khai Nghị quyết phê duyệt Đề án. Theo phân tích của đại biểu Đoàn Cà Mau, bên cạnh việc xác định nguồn vốn đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo cân đối ngân sách thì điều rất quan trọng là cần phải xác định thứ tự ưu tiên lựa chọn các dự án, công trình "để mỗi đồng vốn Nhà nước bỏ ra phải đem lại hiệu quả cao nhất".

"Việc lựa chọn thứ tự dự án, công trình cần ưu tiên đối với những công trình, dự án có thể kích hoạt, lan tỏa nhanh chóng nhằm làm nền tảng cho các hoạt động kinh tế - xã hội khác phát triển, cạnh tranh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số", đại biểu nêu ý kiến.

Cũng theo đại biểu Lê Thanh Vân, bên cạnh những yếu tố trên, Đề án cần phải thu hút được nguồn vốn đầu tư từ xã hội vì đây là Đề án Chính phủ, có nguồn vốn rất lớn. "Nguồn vốn không nên chỉ từ ngân sách nhà nước mà còn phải từ xã hội, đặc biệt là từ vai trò của doanh nghiệp. Điều đó khiến chúng ta phải suy nghĩ về các giải pháp thích hợp. Chính phủ phải trên cơ sở đánh giá được thực trạng năng lực tài chính của Nhà nước, ưu đãi của nhà đầu tư mới có thể đưa ra các giải pháp phù hợp để đáp ứng được mục tiêu", đại biểu nhấn mạnh.

Đánh giá cao Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết: Các đại biểu Quốc hội sẽ hết mình ủng hộ vì sự phát triển của đồng bào dân tộc, miền núi.

Thời gian tới cần tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa, tạo mọi nguồn lực từ ngân sách, huy động từ các tổ chức trong và ngoài nước để phát triển vùng đồng bào các dân tộc thiểu số "để đời sống đồng bào ngày càng được nâng cao, ngang bằng với một số vùng đồng bằng".

Trước phản ánh về việc thời gian qua, nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số thiếu tập trung, chia lẻ và "đôi khi không đến với đồng bào", đại biểu Phạm Đình Cúc cho biết, rất "kỳ vọng" vào Đề án lần này. "Bởi trong Đề án đã quy định rất nhiều và cụ thể đầu tư như thế nào cho hiệu quả và đầu tư trực tiếp cho đồng bào dân tộc, không qua trung gian và làm sao để nguồn lực của Chính phủ, nguồn lực của các tổ chức và nguồn lực của xã hội phát huy hiệu quả cao nhất", đại biểu Phạm Đình Cúc nêu ý kiến.

Theo TTXVN/Báo Tin tức