Thuận Bắc: Đa dạng hóa cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu

Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu (BĐKH) được huyện Thuận Bắc xác định là một trong 4 nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng, địa phương, công tác chuyển đổi cây trồng đã đạt được một số kết quả nhất định.

Tác động từ các mô hình chuyển đổi trên địa bàn huyện Thuận Bắc trong những năm gần đây có những tín hiệu tích cực; giá trị sản xuất của ngành Nông nghiệp tăng đều mỗi năm. Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2019, giá trị sản xuất nông nghiệp địa phương ước đạt 799 tỷ đồng, đạt 62,4% kế hoạch, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện nhìn nhận: Kết quả trên ngoài thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đề án Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, gắn với BĐKH, địa phương còn chủ động ban hành các nghị quyết, chỉ thị, xây dựng phương án đồng bộ quyết liệt trong chuyển đổi cây trồng tiết kiệm nước theo hướng phát triển ổn định, bền vững.

Chuyển đổi cây trồng giúp nông dân xã Lợi Hải (Thuận Bắc) có thu nhập ổn định. Ảnh: H.Lâm

Từ chủ trương hợp lý cùng cách làm hiệu quả, công tác chuyển đổi, đa dạng hóa cây trồng được đẩy mạnh, nhiều vùng đất hoang hóa, cằn cỗi trở nên trù phú, tạo nên những cánh đồng sản xuất ổn định. Từ đầu năm đến nay, nhiều giống cây trồng chịu hạn đưa vào trồng thay thế cho diện tích lúa thiếu nước gần 163 ha, nâng tổng diện tích chuyển đổi cây trồng các loại hiện đạt trên 352 ha. Theo đánh giá của địa phương, một số mô hình chuyển đổi cho hiệu quả kinh tế rõ rệt, thu nhập từ cây bắp tăng 1,3 lần, cây đậu phộng, cây dưa tăng từ 2-2,5 lần so với trồng lúa... Đáng chú ý hơn, ngoài duy trì các loại cây trồng ngắn ngày truyền thống, địa phương cũng hình thành vùng chuyển đổi cây ăn quả tập trung như: Bưởi da xanh, mãng cầu, cây mít tại các vùng miền núi Phước Kháng, Phước Chiến; đặc biệt, gần đây còn xuất hiện cây măng tây xanh (MTX), ở xã Lợi Hải, Bắc Phong và Bắc Sơn với khoảng 20 ha, bước đầu đem lại thu nhập cao cho hộ trồng, đây được xem là mô hình có nhiều triển vọng được người dân hưởng ứng tích cực. Hộ anh Mang Trưởng, ở thôn Xóm Bằng (xã Bắc Sơn) đã mạnh dạn chuyển hơn 1 sào đất trồng lúa sang trồng MTX, sau gần 6 tháng trồng, nhờ tuân thủ quy trình canh tác, MTX phát triển tốt, mỗi ngày cho thu hoạch từ 5-6 kg, với giá thu mua 50 ngàn đồng/kg, gia đình anh thu lãi trên 250 ngàn đồng/ngày. Ông Sầm Văn Tim, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn, cho biết: Tình hình nắng hạn làm lượng nước tích trữ tại các hồ thủy lợi không đảm bảo cho sản xuất, vì thế ngay từ đầu vụ, xã chủ động rà soát diện tích trồng lúa không chủ động nước, từ đó lên phương án chống hạn bằng việc vận động nông dân chuyển đổi cây trồng. Đến nay, toàn xã có hơn 34 ha diện tích lúa được chuyển sang cây trồng cạn. Vụ mùa năm nay, địa phương tiếp tục chuyển đổi 9 ha tại khu vực Trạm bơm Xóm Bằng với 2 ha MTX, 2 ha cây ăn quả và 5 ha cỏ chăn nuôi.

Song song đó, huyện còn chú trọng tới vai trò liên kết với doanh nghiệp trong đầu tư sản xuất, bao tiêu sản phẩm tại những khu vực chuyển đổi. Điển hình như Công ty TNHH MTX Linh Đan Ninh Thuận liên kết với các hộ trồng MTX ở xã Lợi Hải, Bắc Phong, Bắc Sơn sản xuất theo chuỗi giá trị, bao tiêu toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch; Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa-Phan Rang cho ứng trước vật tư, phân bón và thu mua mía của nông dân xã Phước Chiến... Đáng chú ý hơn, năm nay từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, huyện còn nâng cấp, sửa chữa kênh mương nội đồng; đầu tư xây mới 2 công trình thủy lợi U Gớ và Suối Câu, chủ động phục vụ nước tưới 2 vụ/năm cho sản xuất nông nghiệp và khu vực chuyển đổi cây trồng ở xã Phước Chiến trên diện tích 101 ha.

Từ linh hoạt trong chuyển đổi cây trồng, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp trên địa bàn có những chuyển biến rõ nét; ý thức lựa chọn cây trồng thích nghi với nắng hạn của người dân ngày càng nâng cao, không chỉ giảm đáng kể lượng nước tưới mà còn dự trữ cho các vụ sản xuất tiếp theo. Phát huy kết quả trên, ngành Nông nghiệp huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện rà soát, thống kê các diện tích đất canh tác kém hiệu quả chuyển sang trồng các loại cây trồng phù hợp. Trước mắt tập trung chuyển đổi hoàn thành 30 ha cây MTX, cây ăn quả và cỏ chăn nuôi trong vụ mùa năm nay. Đồng thời, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận các phương thức sản xuất mới, giảm chi phí đầu tư, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích.