Bánh ít lá gai - món ngon dân dã quê nhà

Ngày nay, với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, có khá nhiều loại bánh nước ngoài du nhập vào nước ta, vừa tiện lợi, vừa ngon. Vì vậy, không nhiều người còn giữ thói quen làm bánh ít lá gai và phạm vi của bánh cũng bị thu hẹp vào các ngày giỗ chạp hoặc ngày lễ lớn mà thôi. Tuy nhiên, món bánh đượm đầy nét dân dã đó vẫn còn có sức quyến rũ khá nhiều người, nhất là người già và trẻ em.

Để làm được món bánh cần phải hội đủ 5 thứ: lá gai, nếp, đường, đậu xanh hoặc dừa và lá chuối. Đầu tiên lá gai rửa sạch, luộc chín, để ráo nước. Nếp phải là loại nếp thơm, dẻo thì bánh mới ngon. Nếp ngâm cho mềm, vo thật sạch, xay nguyễn cùng với lá gai cùng với một ít muối. Sau khi xay xong cho vào túi vải đem đăng cho ráo nước. Khi bột vừa đủ ráo, lấy ra, ngào bột nhiều lần cho thật dẻo rồi chia thành từ khóm nhỏ vừa đủ làm một cái bánh. Nhân bánh tùy theo sở thích của từng người mà làm các loại nhân khác nhau như nhân dừa, nhân đậu phộng, nhân đậu xanh, nhân đậu đen… Các loại đậu này hong kỹ sau đó quyết nhuyễn và nấu chín với đường, có thể cho thêm một ít gừng băm nhỏ, sên cho đến khi nào nhân khô là được. Lá chuối tốt nhất là chuối hột (vì lá chuối hột khi hấp xong nó có màu xanh khá hấp dẫn) hơ sơ qua lửa cho mềm đồng thời cắt thành khoanh tròn.

Sau khi chuẩn bị nhân xong, tiến hành nắn bột thật mỏng, cho nhân vào bên trong bóp chặt và vo tròn, thoa đều trên lá bằng dầu (ngon nhất là dầu đậu phộng hoặc nước cốt dừa) sau đó gói bánh lại. Tùy người mà bánh có thể gói theo kiểu bẻ gấp 1 đầu hoặc hình tháp vuông, rồi đem bánh hấp cách thủy. Sau khi bánh chín vớt ra để nguội từng cái và để thật ráo.

Bánh ít lá gai tuy dẻo nhưng khi thưởng thức không dính răng. Ta cảm nhận được hương vị của bánh, vị ngọt của đường, vị dẻo thơm của nếp, vị béo của dầu, vị bùi của đậu, hương cay nồng của gừng… tạo nên một cảm giác thân quen và rất riêng biệt.

Thùy Trang (Nguồn Ẩm thực Việt Nam)