Vai trò của hợp tác xã nông nghiệp trong xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị

Thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua một số hợp tác xã nông nghiệp (HTX) trên địa bàn tỉnh đảm nhiệm tốt các khâu dịch vụ phục vụ sản xuất, chủ động tìm đối tác ký kết hợp đồng bao tiêu hàng nông sản cho nông dân. Vai trò của HTX trong xây dựng các mối liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ngày càng được khẳng định.

Nổi bật là các HTX: Như Bình, Phước Hậu, Trường Thọ, Phú Quý, Vạn Phước (Ninh Phước), An Xuân (Ninh Hải), Phước Nam (Thuận Nam) đã ký kết hợp đồng trực tiếp liên kết với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Đông Nam và Công ty TNHH MTV Nông Hưng Phát thực hiện 16 liên kết trồng lúa theo chuỗi giá trị. Với ưu điểm sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật như sử dụng giống cấp xác nhận và nguyên chủng, quy trình “1 phải, 5 giảm” đã tiết kiệm được nhiều chi phí, mang lại lợi nhuận cao gấp 1,5 lần so với sản xuất nhỏ lẻ theo phương thức truyền thống trước đây.

HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước) liên kết với doanh nghiệp sản xuất măng tây xanh theo chuỗi giá trị.

Nhìn nhận vai trò quan trọng của HTX trong thực hiện các mô hình liên kết sản xuất, tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh công tác hỗ trợ HTX, tập trung những vấn đề về thể chế, chính sách, đất đai, tài chính tín dụng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Những khó khăn, vướng mắc kìm hãm sự phát triển của HTX kéo dài cơ bản đã được tháo gỡ, giúp các HTX tổ chức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, đứng vững trong nền kinh tế thị trường có sự cạnh tranh gay gắt. Một số HTX đã mạnh dạn liên kết với doanh nghiệp sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi đặc thù, tạo đột phá trong nâng cao giá trị đơn vị diện tích, thu nhập cho nông dân. Đơn cử, HTX An Xuân chủ trì ký kết với Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận thực hiện 3 liên kết sản xuất măng tây xanh quy mô 1,7 ha/105 hộ theo mô hình cánh đồng lớn, được ứng trước giống, chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Đây là mối liên kết đã giúp các thành viên HTX có thu nhập cao, yên tâm tiếp tục đầu tư sản xuất ổn định, lâu dài.

Có thể nói, HTX đã góp phần quan trọng trong thực hiện thành công chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu của tỉnh. Cũng từ chỗ HTX làm tốt vai trò “cầu nối” giữa nông dân và doanh nghiệp, một số sản phẩm đặc thù sản xuất theo quy trình sạch có năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm cao. Năm 2018, HTX Điều hữu cơ Truecoop đã tham gia liên kết trồng điều hữu cơ với diện tích hơn 1.150 ha, tập trung ở huyện Thuận Bắc và Bác Ái. Cụ thể, tại Vườn Quốc gia Núi Chúa (khu vực thuộc địa bàn xã Công Hải) diện tích hơn 551 ha và xã Phước Bình diện tích hơn 604 ha. Từ làm tốt công tác chăm sóc đúng theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, sản phẩm hạt điều của các thành viên HTX được cấp Giấy Chứng nhận về sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn EU và USDA, giá bán bình quân 41.000- 42.000 đồng/kg, cao hơn ngoài thị trường tại thời điểm 1.000-2.000 đồng/kg. Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đang ngày được nhân rộng từ một vài HTX thực hiện ban đầu, đến nay tăng lên hàng chục HTX, không những trồng trọt mà còn mở rộng ra ở lĩnh vực chăn nuôi. Ngoài mô hình liên kết chuỗi chăn nuôi dê, cừu đang duy trì hoạt động có hiệu quả, thì điều đáng mừng là gần đây HTX Suối Đá, xã Lợi Hải (Thuận Bắc) liên kết với 27 hộ đồng bào Raglai xây dựng chuỗi giá trị heo đen với sản lượng khoảng 600 con/năm, tạo “cú hích” trong khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển các sản phẩm đặc thù, giúp bà con vùng cao thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh hầu hết các HTX thực hiện mô hình liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Mối liên kết này được xem là mô hình ưu việt, tận dụng có hiệu quả tiềm năng, lợi thế địa phương, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Thực tế tại một số mô hình liên kết sản xuất mang lại hiệu quả cao, giúp hình thành những cánh đồng lớn, tăng tỷ lệ cơ giới hóa, tăng năng suất lao động, ổn định đầu ra sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch. Mô hình liên kết tạo được sức lan tỏa, đa số nông dân đều hưởng ứng chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho các hộ. Tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình liên kết, thời gian tới ngành chức năng, các địa phương tiếp tục thực hiện tốt chính sách khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện để phát triển nhanh, hiệu quả và vững chắc kinh tế HTX.