Kết quả bước đầu trong thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp ở Ninh Sơn

Qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy về “Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, cùng sự nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn của nông dân nên sản xuất nông nghiệp của huyện Ninh Sơn từng bước vươn lên, đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Cơ cấu ngành Nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; giá trị sản xuất hằng năm đều tăng trưởng; xây dựng nông thôn mới bước đầu đạt kết quả tích cực…, đã tạo động lực cho Ninh Sơn ngày càng phát triển, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện rõ rệt.

Từ kết quả trong lãnh đạo, chỉ đạo

Ngay sau khi có Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Ninh Sơn đã xây dựng kế hoạch triển khai, quán triệt đến cán bộ chủ chốt huyện và chỉ đạo các cấp ủy đảng căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch và triển khai, quán triệt các nội dung Nghị quyết 09-NQ/TU đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Huyện ủy cũng ban hành Nghị quyết số 06-NQ/HU, về việc tổ chức lại sản xuất ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020; UBND huyện xây dựng Đề án tổ chức lại sản xuất ngành Nông nghiệp đến năm 2020 phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương; xây dựng các chỉ tiêu chủ yếu và đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm và 4 khâu đột phá nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra. Vai trò của Mặt trận, đoàn thể trong công tác tổ chức sản xuất lại nông nghiệp được phát huy hiệu quả, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân triển khai, thực hiện nghị quyết và các chủ trương liên quan đến cơ cấu lại ngành Nông nghiệp. Qua đó, đã nâng cao nhận thức, ý nghĩa và đồng thuận của nhân dân trong việc triển khai, thực hiện nghị quyết của tỉnh, huyện một cách có hiệu quả trong phát triển sản xuất nông nghiệp.

Đến những kết quả trong phát triển sản xuất

Theo báo cáo của Huyện ủy Ninh Sơn, sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy, bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Sản xuất nông nghiệp có bước tăng trưởng khá ổn định: Tỷ trọng ngành Nông nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế (năm 2018) chiếm 42%, so với năm 2016 giảm 11%; giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp (năm 2018) đạt 1.230 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2018 đạt 6,2%/năm; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 73,5 triệu đồng (tăng 6 triệu đồng so với năm 2016). Thu nhập bình quân đầu người/năm khu vực nông thôn (năm 2018), đạt 27,2 triệu đồng (tăng 10,5 triệu đồng so với năm 2016).

Nông dân thôn Tầm Ngân, xã Lâm Sơn (Ninh Sơn) thu hoạch ớt Hàn Quốc đạt năng suất cao. Ảnh: N.Sơn

Trên lĩnh vực trồng trọt, tiếp tục duy trì phát triển các cây trồng chủ lực, có lợi thế của từng địa phương; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng có lợi thế, chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn. Sau 3 năm triển khai, tổng diện tích chuyển đổi đến nay được 809,31ha. Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo giá trị lợi nhuận cao, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành, địa phương hình thành vùng sản xuất thâm canh tập trung, đẩy mạnh nhân rộng mô hình “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”; mô hình sản xuất lúa VietGAP; đã triển khai mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa 100ha tại xã Lương Sơn, có 50 hộ tham gia, đạt năng suất bình quân 67 tạ/ha. Về chăn nuôi, tổng đàn gia súc hiện có 214.960 con; sản lượng thịt xuất chuồng của các loại gia súc, gia cầm tăng từ 15-18%/năm. Các hình thức chăn nuôi từng bước chuyển đổi mạnh từ phương thức chăn nuôi nông hộ sang phương thức chăn nuôi tập trung, quy mô lớn theo hướng trang trại. Các hình thức liên kết sản xuất gắn với thiêu thụ sản phẩm tiếp tục được duy trì và mở rộng; công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh, được các các ngành, địa phương quan tâm. Đến nay, trên địa bàn huyện có 45 trang trại, 13 hộ chăn nuôi vừa và nhỏ được cấp giấy chứng nhận trang trại.

Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, toàn huyện đã huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân. Xây dựng đường giao thông nông thôn được đẩy mạnh, đến nay 100% số xã có đường nhựa hoặc bê tông đến trung tâm xã, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa. Cơ sở hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp. Đời sống của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đến năm 2018 còn 14,32% (giảm 15,4% so với năm 2016). Đến nay có 2/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 28%. Bình quân số tiêu chí năm 2018 đạt 13,7 tiêu chí/xã, tăng bình quân 2 tiêu chí/xã so với năm 2016. Đặc biệt trong đầu tư phát triển, ngoài nguồn vốn do Trung ương hỗ trợ, huyện đã lồng ghép, huy động các nguồn lực khác ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trong lĩnh vực nông nghiệp; đồng thời, thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào sản xuất, kinh doanh nông nghiêp. Từ năm 2016 đến nay, tổng nguồn vốn ngân sách huyện đầu tư cho nông nghiệp là 22, 5 tỷ đồng; trong đó, vốn Chương trình 135 trên 3,3 tỷ đồng; Chương trình xây dựng nông thôn mới gần 19,2 tỷ đồng.

Để phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Huyện ủy Ninh Sơn tiếp tục lãnh đạo thực hiện có kết quả Nghị quyết 09-NQ/TU của Tỉnh ủy; tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, trước hết là triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp; tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sản xuất nông nghiệp cho phù hợp. Trong đó, chú trọng đến việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất cũng như chế biến, bảo quản sản phẩm để làm cơ sở nhân rộng ra sản xuất đại trà. Tăng cường vận động, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp; tổ chức tốt hệ thống tiêu thụ nông sản theo mô hình liên kết chuỗi giá trị sản phẩm… Phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất toàn ngành đạt 1,4 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 6-7%; giá trị sản xuất bình quân đạt trên 80 triệu đồng/ha đất canh tác; chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả đạt từ 400ha trở lên; giảm tỷ lệ hộ nghèo 2 %/năm..góp phần hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyệt Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.