Tuần lễ năng lượng tái tạo Việt Nam 2019: Thúc đẩy chuyển dịch năng lượng hiệu quả và bền vững

Trong bối cảnh các nguồn năng lượng hóa thạch dần cạn kiệt, biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đến toàn thế giới, thì vấn đề an ninh năng lượng của mỗi quốc gia được đặt lên hàng đầu, Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Trong các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo được coi là nguồn năng lượng của tương lai gần, có thể dần thay thế các nguồn điện truyền thống.

Nguồn năng lượng của tương lai

Cũng như phần lớn các quốc gia trên thế giới, tại Việt Nam, nguồn năng lượng cung cấp cho phát triển công nghiệp nói riêng hay nền kinh tế nói chung vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Sản xuất nhiệt điện than đang chiếm khoảng 48% sản lượng điện cả nước. Mặc dù hiệu suất cao, giá cả phải chăng, nhưng các mỏ năng lượng này đang ngày càng cạn kiệt, đồng thời là nguồn phát thải CO2 lớn, gây ô nhiễm môi trường. Cùng với biến đổi khí hậu, những tác động tiêu cực của các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, bão lũ… ngày càng ảnh hưởng đến khai thác điện năng truyền thống. Không chỉ thế, xu hướng nhiệt độ tăng, mưa giảm trong những năm qua còn khiến nhiều hồ thủy điện tại miền Trung-Tây Nguyên đang gần mực nước chết, gây áp lực lớn cho đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Trong bối cảnh đó, việc tìm nguồn nguyên liệu mới thay thế là bắt buộc, và năng lượng tái tạo chính là nguồn năng lượng của tương lai gần, được lựa chọn để dần thay thế các nguồn điện truyền thống.

Năng lượng mặt trời được đầu tư tại xã Phước Dinh (Thuận Nam). Ảnh: Văn Nỷ

Là quốc gia có tiềm năng năng lượng tái tạo đa dạng và dồi dào, Việt Nam sẽ có nhiều lợi ích khi chuyển dịch sớm sang phát triển năng lượng sạch. Việc ưu tiên sử dụng năng lượng hiệu quả và đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo sẽ giúp đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, giảm ô nhiễm, bảo vệ khí hậu, sức khỏe cộng đồng, tăng cường tiếp cận năng lượng cho người nghèo, tạo cơ hội thu hút đầu tư và tạo việc làm cho các địa phương phát triển kinh tế, thúc đẩy sự tham gia và sáng tạo của người dân, doanh nghiệp tư nhân vào thị trường năng lượng sạch.

Từ năm 2017, Chính phủ Việt Nam đã ban hành hàng loạt chính sách ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo để thúc đẩy sản xuất, thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước. Chỉ trong vòng 2 năm, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện quốc gia tăng nhanh. Theo quy hoạch phát triển điện quốc gia giai đoạn 2011-2020, Việt Nam đặt mục tiêu tổng nguồn điện quốc gia được cung cấp từ năng lượng tái tạo năm 2020 đạt 7%, sau đó tăng lên 10% năm 2030. Tuy nhiên tới tháng 7/2019, điện mặt trời đạt công suất 4.543 MW và điện gió 626,8 MW, đã chiếm 9% tổng nguồn điện và vượt hơn 2% so với kế hoạch. Với kỷ lục về công suất điện mặt trời mới đưa vào vận hành, Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường năng lượng tái tạo sôi động và hấp dẫn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Đây là những thay đổi tích cực, thể hiện sự nỗ lực trong mục tiêu giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng truyền thống nhằm bảo vệ môi trường, vì sự phát triển bền vững của Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình phát triển “thần tốc” này cũng đang đặt ra những thách thức mới về sự phát triển đồng bộ của hệ thống lưới điện, sử dụng đất, cơ chế giá điện, nguồn nhân lực/việc làm và nguồn tài chính… cần đến sự chung tay, ủng hộ và nỗ lực hành động nhiều cấp, ngành.

Hoàn thiện quá trình chuyển dịch bền vững, hiệu quả

Theo báo cáo mới đây của International Finance Corporation (IFC), Việt Nam đang phải đối mặt với nhu cầu năng lượng tăng cao, 13% mỗi năm kể từ năm 2000 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 8% từ nay đến năm 2030.

Trong khi khả năng khai thác các nguồn năng lượng truyền thống ngày càng hạn chế, năng lượng tái tạo đang nổi lên như một trong những lĩnh vực được ưu tiên nhất cho đầu tư ở Việt Nam. Năm 2019, lĩnh vực này vươn lên đứng vị trí thứ ba chỉ sau công nghệ tài chính và giáo dục, dẫn trước chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử và hậu cần. Trong khi năm trước đó, nó chỉ đứng vị trí thứ 10 trong xếp hạng các lĩnh vực đầu tư hấp dẫn nhất cả nước. Việt Nam cũng giảm thuế cho các dự án năng lượng xanh và công bố kế hoạch phát triển năng lượng quốc gia, nhằm tạo ra các dịch vụ năng lượng hiện đại, bền vững vào năm 2030. Bộ Công Thương cũng tập trung hỗ trợ các công ty đã được chứng minh công nghệ thủy điện, năng lượng gió, mặt trời, sinh khối và khí sinh học, nhằm tăng tỷ lệ giá trị thiết bị sản xuất trong nước trong lĩnh vực năng lượng tái tạo lên 30% vào năm 2020 và 60% vào năm 2030, và có thể xuất khẩu vào năm 2050. Để thu hút đầu tư, Quỹ Xúc tiến năng lượng bền vững, hoạt động nhờ ngân sách nhà nước cũng chuẩn bị được thành lập, song song với việc huy động vốn bên ngoài để tài trợ cho nguồn cung trong tương lai.

Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo bền vững, hiệu quả, vẫn còn rất nhiều khó khăn không dễ giải quyết, như phải tính toán, xác định giới hạn công suất truyền tải trên đường dây 500kV Bắc Nam; bổ sung thêm các hệ thống bảo vệ đặc biệt, nghiên cứu khả năng ứng dụng thiết bị tích trữ năng lượng… Tuần lễ năng lượng tái tạo 2019 là cơ hội để mang tiếng nói của các bên liên quan, đóng góp vào quá trình thúc đẩy chuyển dịch năng lượng hiệu quả tại Việt Nam. Vấn đề quan trọng của Việt Nam hiện nay là từng bước hoàn thiện quá trình chuyển dịch bền vững, hợp lý từ nguồn nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo, nhằm đưa nguồn năng lượng tái tạo - không chỉ đóng góp trực tiếp cho sự vận hành, phát triển của ngành điện, mà còn mang lại những ảnh hưởng tích cực đến đời sống xã hội và sự phát triển chung của toàn nền kinh tế.