Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội

Nhằm phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH), ngày 22-11-2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (Chỉ thị 40) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”.

Tại tỉnh ta, ngay sau khi có Chỉ thị 40, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 67-CT/TU; tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2360/KH-UBND chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố, Mặt trận Tổ quốc, các hội, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tổ chức phổ biến, quán triệt sâu kỹ nội dung của Chỉ thị 40 đến toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giải ngân cho người dân tại
điểm giao dịch phường Mỹ Đông (Tp.Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: V.M

Ông Hoàng Liên Sơn, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: Kể từ khi Chỉ thị 40 được ban hành, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tham gia vào cuộc khá tích cực; các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan TDCSXH được lãnh đạo địa phương nắm bắt và triển khai kịp thời. Đặc biệt, các đồng chí Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn không chỉ là người đứng đầu chỉ đạo công tác giảm nghèo của chính địa phương mình, mà còn được bổ sung vào Ban đại diện Hội đồng quản trị (BĐD-HĐQT) huyện, thành phố. Từ đó, nắm bắt kịp thời các chủ trương, chính sách về TDCSXH để triển khai đến cơ sở. Với vai trò là Chủ tịch, Phó Bí thư Đảng ủy tại cơ sở, không chỉ trực tiếp chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện, nâng cao hiệu quả trong quản lý, mà còn nắm bắt rất rõ tâm tư, nguyện vọng của dân, từ đó điều hành, chỉ đạo giải quyết kịp thời, chặt chẽ, nhất là trong việc rà soát, bình xét cho vay và giải ngân nguồn vốn ưu đãi tại địa phương.

Tính đến ngày 30-6-2019, tổng số thành viên BĐD-HĐQT các cấp của tỉnh có 149 người; trong đó, BĐD-HĐQT cấp tỉnh có 13 thành viên, BĐD-HĐQT các huyện, thành phố 136 thành viên. Thông qua việc chỉ đạo, điều hành của BĐD-HĐQT các cấp, đến nay các xã, phường, thị trấn, thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH các cấp triển khai nhiều giải pháp để củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV); thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả. Không những vậy, cấp ủy, chính quyền các địa phương còn nêu cao tinh thần trách nhiệm, quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc, nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH. Tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho các chương trình TDCSXH gắn với chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế, giáo dục đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

Nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội nhiều hội viên phụ nữ
trên địa bàn huyện Ninh Phước có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.

Hiện nay, chi nhánh NHCSXH tỉnh đã xây dựng được mạng lưới hoạt động gồm: Hội sở tỉnh và 6 phòng giao dịch NHCSXH tại các huyện, thành phố; 65 điểm giao dịch theo lịch cố định hàng tháng đặt tại trụ sở UBND 65 xã, phường, thị trấn. Nhờ thực hiện hiệu quả các giải pháp, đến 30-6-2019, tổng nguồn vốn tín dụng NHCSXH tỉnh huy động đạt 2.131 tỷ đồng, tăng 897 tỷ đồng so với năm 2014, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14,5%/năm. Riêng từ khi thực hiện Chỉ thị 40 đến nay, nguồn vốn địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tăng 25 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương đến 30-6-2019 đạt 45 tỷ đồng, chiếm 2,1%/tổng nguồn vốn. Từ các nguồn vốn kể trên đã tạo thêm nguồn lực để NHCSXH tỉnh giúp cho các hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Trong đó, thông qua phương thức cho vay ủy thác một số nội dung công việc qua các tổ chức chính trị-xã hội, đến nay đã có 265 tổ chức chính trị-xã hội cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã nhận ủy thác cho vay từ NHCSXH với 1.616 Tổ TK&VV được thành lập tại tất cả các thôn, khu phố, cụm dân cư trên địa bàn tỉnh, thu hút hơn 76 nghìn hộ vay tham gia sinh hoạt và vay vốn.

Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40 đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCS. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã nhận rõ vai trò, vị trí của TDCSXH là công cụ hữu hiệu để thực hiện các chương trình mục tiêu về giảm nghèo, tạo việc làm, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới, từ đó đã coi công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động TDCS là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên. Nhờ đó, số lượng hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn các xã, phường, thị trấn được vay vốn ưu đãi không ngừng tăng. Đến 30-6-2019, tổng dư nợ 15 chương trình tín dụng mà NHCSXH đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh đạt 2.125 tỷ đồng, tăng 894 tỷ đồng (tỷ lệ tăng 72,6%) so với năm 2014; tốc độ tăng trưởng bình quân 14,5%/năm, qua đó đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm bình quân từ 1,5% - 2%/năm. Qua triển khai thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư với sự tham gia tích cực của các ngành, các cấp, mặt trận, đoàn thể cũng đã giúp tạo sự chuyển biến lớn về nhận thức của người nghèo và các đối tượng chính sách khác tích cực vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tự giác vươn lên thoát nghèo và thoát nghèo bền vững.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 67-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, thời gian tới NHCSXH tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và các sở, ban, ngành, cơ quan liên quan coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng năm để quan tâm triển khai thực hiện. Tăng cường phối hợp các hội đoàn thể nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện các nội dung đã nhận ủy thác. Cùng với đó, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động TDCS trên địa bàn, nhất là công tác kiểm tra của BĐD-HĐQT NHCSXH các cấp, của Chủ tịch UBND cấp xã, của các tổ chức chính trị - xã hội…, nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện cũng như nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị từ cơ sở và người dân, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả vốn TDCS. Phối hợp các cơ quanthông tin truyền thông, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi với nhiều hình thức đa dạng, phong phú để thông tin đến được với mọi tầng lớp nhân dân, giúp người dân hiểu và dễ dàng, thuận lợi tiếp cận với nguồn vốn TDCS. Quan tâm công tác củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động nhận ủy thác, chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV, góp phần chuyển tải kịp thời, có chất lượng vốn TDCS đến các đối tượng thụ hưởng, đảm bảo an toàn và hiệu quả.