Nâng cao công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng

Trong thời gian qua, tỉnh ta đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chương trình của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh… về phòng, chống tệ nạn ma túy (MT). Công tác cai nghiện, quản lý sau cai trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình tội phạm, tệ nạn MT vẫn còn diễn biến phức tạp. Toàn tỉnh hiện có 911 đối tượng liên quan đến MT ở 48/65 xã, phường, thị trấn, tăng 141 đối tượng so với cùng kỳ năm 2018. Tệ nạn MT đã và đang là một vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, phá hoại sự phát triển bền vững, làm phát sinh tội phạm, làm xói mòn các giá trị văn hoá, đạo đức, làm tan vỡ gia đình và đẩy lùi sự phát triển của xã hội. MT là mối đe doạ hết sức to lớn đối với các thanh, thiếu niên; là con đường trực tiếp lây truyền nhanh nhất căn bệnh thế kỷ AIDS.

Tại hội nghị chuyên đề “Công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng” do UBND tỉnh tổ chức vừa qua, nhiều tham luận đã chỉ ra nhiều khó khăn, tồn tại trong công tác phòng, chống tệ nạn MT. Đó là, sự phối hợp của các ngành, địa phương trong công tác quản lý, giáo dục đối tượng còn buông lỏng, chưa tích cực vận động các gia đình có con em nghiện MT tự nguyện đưa đi cai nghiện, điều đáng chú ý là gia đình có con em nghiện MT chưa nhận thức đúng về công tác cai nghiện tập trung cũng như ở cộng đồng, còn tư tưởng tự ti, mặc cảm với cộng đồng, với người thân… nên chưa hợp tác với cơ quan chức năng và động viên con em đi cai nghiện tự nguyện. Các xã, phường, thị trấn chưa thành lập tổ công tác cai nghiện tại gia đình theo Nghị định 94/NĐ-CP. Cấp ủy, chính quyền địa phương ở một số nơi chưa thật sự coi trọng trong công tác cai nghiện MT, chưa đề ra những biện pháp cụ thể. Công tác quản lý, giám sát các đối tượng còn lỏng lẻo, chưa chú trọng giúp đỡ, giáo dục người nghiện MT tái hòa nhập cộng đồng, tình trạng kỳ thị vẫn còn trong cộng đồng, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tái phạm. Các chương trình an sinh xã hội: xóa đói giảm nghèo, học nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vốn… cho các đối tượng này còn hạn chế. Lực lượng nòng cốt làm công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện MT tại các xã, phường, thị trấn còn thiếu... nên hiệu quả công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng chưa cao.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tệ nạn MT, góp phần làm chuyển biến tích cực, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, tệ nạn MT tại các địa bàn góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bên cạnh kiến nghị tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh có hiệu quả các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong các chỉ thị; nghị quyết;… các đại biểu dự hội nghị cho rằng qua thực tiễn thực hiện công tác cai nghiện MT cho thấy, các địa phương phải thường xuyên chú ý làm trong sạch địa bàn, xây dựng xã, phường không có MT. Đặc biệt phát huy khơi dậy truyền thống xây dựng nếp sống văn hóa, giữ vững thuần phong mỹ tục ở từng địa phương, ở từng thôn, khu phố, dòng họ, gia đình. Đây là vấn đề rất cơ bản không để tệ nạn MT thâm nhập, phát triển.

Lực lượng Công an phải làm tốt công tác nắm tình hình; các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản, chủ động, kịp thời phát hiện tụ điểm, điểm; phân loại đánh giá tụ điểm, các điểm phức tạp. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch, phương án điều tra triệt xóa, không để hình thành tụ điểm, điểm phức tạp. Thường xuyên rà soát, phân loại, nắm chắc các đối tượng mua bán, tổ chức sử dụng, đối tượng nghiện tại địa bàn. Tổ chức lực lượng, tiến hành đồng bộ các biện pháp điều tra trinh sát, nhanh chóng thu thập tài liệu chứng cứ để bắt giữ các đối tượng mua bán, tổ chức sử dụng, đồng thời với đó là việc phân loại, củng cố tài liệu, chứng cứ, làm sạch địa bàn bằng các biện pháp hành chính, hình sự như: gọi hỏi, răn đe, giáo dục tại phường xã, đưa đi cai nghiện bắt buộc…

Việc cai nghiện và quản lý đối tượng MT phải đặt dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng; quản lý, điều hành chỉ đạo trực tiếp của chính quyền; sự phối hợp của các lực lượng, các ngành, các tổ chức xã hội và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân. Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao dân trí, xây dựng ý thức chủ động phát hiện và phòng ngừa tội phạm và tệ nạn MT, tệ nạn xã hội khác trong nhân dân. Phát huy vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền và nhân điển hình tốt về gia đình văn hóa, xã, phường trong sạch, lành mạnh không có tệ nạn MT.

Tiếp tục làm tốt và nhân rộng mô hình cai nghiện hiệu quả, đặc biệt là phương pháp cai nghiện thuốc phiện, heroin bằng thuốc Methadone. Xây dựng đề án thành lập nhóm đồng đẳng tham gia vận động người nghiện dạng thuốc phiện Opiats đến điều trị Methadone tại các cơ sở y tế sau khi có chủ trương của UBND tỉnh nhằm vận động người nghiện tích cực tham gia điều trị nghiện có hiệu quả.

Đầu tư xây dựng, sửa chữa, cơ sở cai nghiện đủ đáp ứng yêu cầu tự nguyện và bắt buộc cai nghiện; làm tốt công tác nắm tình hình, quản lý chặt chẽ tại cơ sở cai nghiện. Quan tâm đến công tác quản lý sau cai nghiện và phục hồi chức năng kết hợp với thực tế lao động ở xã, phường, thị trấn. Tổ chức ưu tiên dạy nghề, tạo việc làm ngay tại địa bàn là loại hình phù hợp và hiệu quả thông qua các cơ sở xã hội, trung tâm dịch vụ việc làm, các cơ sở sản xuất, tạo nguồn kinh phí sinh hoạt để hỗ trợ vốn sản xuất cho người nghiện sau khi cai nghiện trở về cộng đồng. Thực hiện tốt công tác tư vấn cho đối tượng nghiện MT để giúp đối tượng hiểu biết, phòng ngừa và tự điều chỉnh hành vi.

* Từ đầu năm đến nay, Công an Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đã kiểm tra 408 lượt các cơ sở kinh doanh ngành, nghề mà đối tượng thường lợi dụng hoạt động phạm tội như: Karaoke, club, dịch vụ cầm đồ, cơ sở lưu trú…Qua đó phát hiện 51 cơ sở vi phạm, xử phạt 43 cơ sở với số tiền trên 71 triệu đồng; phát hiện xử lý 114 đối tượng sử dụng trái phép chất MT; 4 lượt/12 đối tượng đánh bạc…

* Sở Lao động - Thương binh và Xã hội vừa phối hợp với Công an tỉnh tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực cho 7 Đội công tác xã hội, với trên 70 tình nguyện viên. Tại lớp tập huấn, các học viên được trang bị các kiến thức mới như thực trạng, tình hình tệ nạn xã hội và kết quả công tác phòng chống tệ nạn xã hội trên địa bàn. Qua lớp tập huấn, các học viên làm công tác xã hội tình nguyện được nâng cao kiến thức phòng, chống tệ nạn xã hội tại địa phương, góp phần giảm thiểu các loại tệ nạn xã hội trên địa bàn.