Hoàn thiện hồ sơ tranh dân gian Đông Hồ đệ trình UNESCO

Hồ sơ về nghề tranh dân gian Đông Hồ do Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thực hiện đang được hoàn thiện để đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Dự kiến vào tháng 12/2019, hồ sơ về nghề tranh dân gian Đông Hồ sẽ được Hội đồng Di sản quốc gia thẩm định, sau đó tiếp tục hoàn thiện và trình lên Thủ tướng.

Hiện Việt Nam đang có các hồ sơ di sản gửi lên UNESCO xem xét gồm: Hồ sơ Then Tày, Nùng, Thái; Nghệ thuật Xòe Thái; Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm.

Tranh dân gian Đông Hồ hiện đã được xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo hồ sơ di sản của Cục Di sản (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Tranh dân gian Đông Hồ là nghề làm tranh khắc gỗ dân gian, thuộc lĩnh vực nghề thủ công truyền thống, được cộng đồng người dân làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh sáng tạo và phát triển, có giá trị về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật đặc sắc.

Hồ sơ về tranh dân gian Đông Hồ đang được hoàn thiện để trình lên UNESCO. Ảnh: Báo ảnh Việt Nam

Đây là dòng tranh gắn bó và thể hiện sinh động xã hội nông nghiệp Việt cổ truyền, cuộc sống lao động cũng như phong tục, tập quán, sinh hoạt của người dân Việt Nam. Để thể hiện một bức tranh, ngoài bản nét đen chủ đạo, tranh mẫu có bao nhiêu màu thì cần bấy nhiêu bản gỗ khắc in màu tương ứng.

Đặc biệt, giấy in là loại giấy dó truyền thống, có quét điệp và màu sử dụng in tranh được chế từ nguồn gốc tự nhiên. Có thể chia tranh Đông Hồ thành 7 loại chính, gồm tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh lịch sử, tranh truyện, tranh phương ngôn, tranh cảnh vật và tranh phản ánh sinh hoạt.

Quá trình sản xuất tranh gồm khâu sáng tác mẫu, khắc ván và khâu in, vẽ tranh. Sáng tác mẫu tranh và khắc ván là khâu lao động sáng tạo quan trọng, quyết định sự sinh tồn của một làng tranh, đòi hỏi năng khiếu bẩm sinh và kỹ năng lao động cao ở các nghệ nhân.

Việc sáng tác mẫu tranh không chỉ của riêng các nghệ nhân mà thường là kết quả chung của một làng tranh, nhiều thế hệ. Do đó, trong tranh Đông Hồ có trường hợp một mẫu nhưng nhiều dị bản, hoặc một mẫu tranh cũng có đến hai, ba cách phân bố màu khác nhau

Trước kia, nghệ nhân làng Hồ sáng tác mẫu mới vẽ tranh bằng tay. Các công đoạn khác trong sản xuất tranh dân gian Đông Hồ đều dùng ván in. Ngày nay, người ta còn vẽ tranh theo cách thức khác (ngoài in), đó là tô màu, vờn màu trên tranh đã được in ván nét trước (theo lối vẽ tranh Hàng Trống), vẽ tranh trên giấy trắng hoặc giấy màu bồi.

Khi vẽ tranh trên giấy đã in ván nét, người nghệ nhân phân bố màu sắc sao cho hài hoà, hợp lý, thể hiện rõ nội dung của bức tranh, mà vẫn biểu đạt được giá trị thẩm mỹ…

Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 1), loại hình nghề thủ công truyền thống tháng 12/2012.

Hiện nay, tranh dân gian Đông Hồ đang đứng trước nguy cơ mai một do tác động của nền kinh tế thị trường, nhu cầu thẩm mỹ của người dân thay đổi, "đầu ra" cho tranh gặp nhiều khó khăn nên chỉ còn một vài gia đình duy trì nghề cũ.

Theo thống kê, số lượng nghệ nhân hiện chỉ còn 3 người, có khoảng 20 người thực hành làm tranh, số nghệ nhân hiện còn khả năng truyền dạy chỉ có 2 người nhưng đều đã cao tuổi…

Theo TTXVN/Báo Tin tức