Cơ hội và thách thức cho hàng nông sản Ninh Thuận khi Việt Nam gia nhập Hiệp định CPTPP

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực (ngày 14-1-2019) sẽ tạo cơ hội cho tỉnh Ninh Thuận mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản như nho, táo, măng tây xanh, hạt điều… nhờ ưu đãi về thuế quan.

Tuy nhiên, kèm theo đó là những thách thức về chất lượng sản phẩm đang là rào cản trong việc ổn định và mở rộng thị trường xuất khẩu. Đó là nhận định của TS. Phạm Văn Chắt, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế tại Việt Nam (VIAC) tại lớp tập huấn Phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế do Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại (Sở Công Thương) tổ chức vào cuối tháng 7 vừa qua.

Nhận diện tiềm năng, lợi thế

Tỉnh ta có lợi thế phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc thù nhờ vào điều điện khí hậu nắng nóng đặc trương của vùng cực Nam Trung Bộ. Để khai thác tiềm năng vốn có, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương tập trung huy động các nguồn lực đẩy mạnh phát triển các sản phẩm đặc thù của tỉnh, nâng tầm thương hiệu, tạo ra giá trị gia tăng, cạnh tranh trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Trong số danh mục 12 sản phẩm đặc thù (nho, táo, măng tây xanh, tỏi, nha đam, rong sụn, tôm giống, cừu, dê, nước mắm Cà Ná, thổ cẩm Mỹ Nghiệp, gốm Bàu Trúc), nho được xếp ở “ngôi vị” hàng đầu, giá trị kinh tế chiếm khoảng 13,6% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Hiện tại, diện tích cây nho trên toàn tỉnh khoảng 1.300 ha, sản lượng ước đạt 30.000 tấn/vụ. Để phát triển sản xuất nho theo hướng hàng hóa, tỉnh đã quy hoạch vùng chuyên canh trồng nho tập trung, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020 diện tích nho đạt 2.000 ha, sản lượng đạt khoảng 50.000 tấn/vụ. Nghề trồng nho đang phát triển lên tầm cao mới, theo chuỗi giá trị gắn với hoạt động chế biến. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 2 công ty lớn và hàng trăm cơ sở, hộ gia đình tham gia chế biến các sản phẩm từ nho. Khi Việt Nam tham gia vào Hiệp định CPTPP, sản phẩm rượu nho Ninh Thuận với chất lượng vượt trội có nhiều cơ hội xâm nhập vào các thị trường tiềm năng như Austrlia, Canada, Nhật Bản…

Nông dân thôn Thái An, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) sản xuất giống nho mới NH01 - 152 mang lại thu nhập cao. Ảnh: V.M

Cùng với nho, măng tây xanh cũng được đánh giá có ưu thế vượt trội nhờ vào năng suất và chất lượng cao. Tuy mới được nông dân đưa vào trồng năm 2009, nhưng cây măng tây xanh phát triển nhanh chóng, quy mô ngày càng được mở rộng. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích măng tây xanh trên toàn tỉnh là 150 ha, tổng sản lượng đạt hơn 2.000 tấn/năm. Sản phẩm măng tây xanh chủ yếu được xuất khẩu qua Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc, một phần tiêu thụ ở các thành phố lớn trong nước thông qua hệ thống siêu thị bán lẻ. Theo Đề án Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, định hướng quy hoạch sản xuất măng tây xanh đến năm 2020 khoảng 500 ha; trong đó, Ninh Phước 200 ha, Ninh Hải 100 ha, Ninh Sơn 50 ha, Thuận Bắc 50 ha, Thuận Nam 50 ha, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm 50 ha. Ngoài ra, các mặt hàng nông sản như hạt điều, táo, thịt cừu… cũng có nhiều cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ.

Thách thức về rào cản chất lượng

Theo TS. Phạm Văn Chắt, việc các nước, trong đó có các thị trường lớn như Canađa, Austrlia, Nhật Bản giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng nông sản sẽ có tác động tích cực trong việc thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng đặc thù của cả nước nói chung, tỉnh Ninh Thuận nói riêng. Doanh nghiệp khi xuất khẩu nông sản sang thị trường các nước thành viên CPTPP sẽ được hưởng cam kết cắt giảm thuế quan, tăng cường tiếp cận các thị trường lớn nhất thế giới với ưu thế đáng kể. Tuy vậy, các nước thành viên CPTPP là những thị trường khó tính, hàng nông sản xuất khẩu sẽ bị kiểm tra nghiêm ngặt về chất lượng, an toàn thực phẩm, đang là thách thức lớn cho các doanh nghiệp.

Nhìn nhận được những khó khăn trên, ngày 15-8-2017, UBND tỉnh đã ra Quyết định ban hành Đề án chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2017-2020; trong đó, chú trọng hỗ trợ triển khai các mô hình sản xuất theo quy trình sạch, bước đầu đạt được kết quả khả quan. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, ngành chức năng, các địa phương đã hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp triển khai 8 mô hình trồng trọt và chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Đón đầu cơ hội, các doanh nghiệp cũng đã liên kết với nông dân đẩy mạnh áp dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng được các tiêu chí khắt khe về an toàn thực phẩm của thị trường trong khối CPTPP. Đơn cử, Công TNHH Linh Đan Ninh Thuận đã liên kết với nông dân trồng 10 ha măng tây xanh áp dụng quy trình VietGAP, sản phẩm đảm bảo chất lượng, được thị trường Nhật Bản, Đài Loan chấp thuận.

Sản phẩm măng tây xanh của Trang trại Nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến, xã An Hải (Ninh Phước)
đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Tuy nhiên, hạn chế từ sản xuất manh múm, nhỏ lẻ của một bộ phận nông dân hiện nay dẫn tới chưa tạo ra khối lượng hàng hóa dồi dào, chất lượng một số mặt hàng thấp đang là nỗi lo của các doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản. Để vượt qua thách thức này, phải có sự vào cuộc đồng bộ của “4 nhà”. Tỉnh ta, đã ban hành các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp với các công nghệ tiên tiến, phương thức quản lý hiện đại để tạo ra sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao. Vấn đề còn lại là, doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy kinh doanh, coi sức ép về cạnh tranh là động lực để xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, nhằm tạo ra “dòng chảy” hàng hóa vào thị trường đối tác tiềm năng. Đối với nông dân, phải từ bỏ những lợi ích nhỏ trước mắt, tham gia vào các hợp tác xã, cam kết thực hiện quy trình sản xuất sạch theo yêu cầu của các cơ sở, doanh nghiệp thu mua hàng nông sản.