Việt Nam tăng cường kiểm soát rác thải nhựa

Cùng chung nỗ lực với các nước để giải quyết vấn đề rác thải nhựa, Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến và tham gia các cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực. Đặc biệt, Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền các địa phương, doanh nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp để từng bước kiểm soát ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, túi nilon gây ra.

Tăng cường kiểm soát rác thải nhựa

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam hiện vẫn ở mức rất cao, chiếm khoảng 12% lượng chất thải rắn phát sinh. Nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn, lượng chất thải nhựa và túi nilon thải ở nước ta sẽ xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Hiện Việt Nam xếp thứ 4 trên thế giới về xả rác thải nhựa ra biển với mỗi năm không dưới 700.000 tấn.

Thời gian qua Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện chính sách, chiến lược để kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa trong sinh hoạt, quản lý chất thải rắn; thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, trong đó chú trọng giảm thiểu, tăng cường tái chế, tái sử dụng, tận dụng tối đa giá trị của rác thải nhựa cho các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội. Cùng chung tay với cộng đồng quốc tế ngăn chặn hiểm họa của ô nhiễm rác thải nhựa, tại Hội nghị cấp cao G7 mở rộng (năm 2018), Kỳ họp lần thứ 6 Ðại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (năm 2018) và Hội nghị WEF Davos (năm 2019), Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến, kêu gọi cộng đồng quốc tế cần có hành động hiệu quả, quyết liệt giải quyết vấn đề rác thải nhựa...

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” và đã nhận được sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị.

- Từ năm 2009, thành phố Hội An và người dân trên đảo Cù lao Chàm đã thực hiện chương trình “Nói không với túi nilon”. Mỗi hộ dân được phát 2 giỏ nhựa và hướng đến thói quen sử dụng “túi sinh thái”. Các chương trình truyền thông cũng được tổ chức với những câu slogan độc đáo như: “Xách giỏ đi chợ, phong cách của người nội trợ”; “Không túi nilon, bảo vệ môi trường” được treo trên đường làng, ở cầu cảng đón khách du lịch.

Người dân Tp. Phan Rang-Tháp Chàm xách giỏ nhựa đi chợ, không sử dụng túi nilon góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: Văn Nỷ

- Đà Nẵng cũng đã tiên phong không dùng chai nhựa tại các cuộc họp, hội nghị. UBND thành phố Đà Nẵng đã có công văn yêu cầu các các tổ chức, doanh nghiệp, Hội doanh nhân trẻ, Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, hệ thống siêu thị, nhà hàng ăn uống, dịch vụ trên địa bàn... hưởng ứng, triển khai các hoạt động cụ thể, nhằm giảm thiểu dùng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần, túi nilon khó phân hủy.

- UBND TP Hồ Chí Minh cũng vừa ban hành Kế hoạch hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2019-2021. Theo đó, từ ngày 1-8-2019, cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn Thành phố phải có kế hoạch cắt giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong cuộc họp, hội nghị, hội thảo và hoạt động khác của cơ quan, đơn vị.

Thành phố đặt mục tiêu đến hết ngày 31-12-2020, có 100% hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, nhà sách... sử dụng bao bì thân thiện môi trường thay thế túi nilon khó phân hủy; Tiểu thương tại các chợ dân sinh giảm 50% sử dụng túi nilonkhó phân hủy trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho khách hàng…

- Tại Hà Nội, chính quyền đã tập trung tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm thay thế nhựa và túi nilon; xây dựng cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường. Triển khai Chương trình thí điểm phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa giấy thành các sản phẩm tái sinh an toàn tại các trường tiểu học và mầm non; thí điểm mô hình “Không gian xanh - cácbon thấp” tại một số quận, huyện, trong đó hỗ trợ xây dựng sân chơi cho trẻ với các thiết bị và nguyên liệu tái chế từ chai nhựa, túi nilon, lốp xe; vận động các tòa nhà, khu dân cư, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ ký cam kết hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy…

- Tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị toàn tỉnh không sử dụng nước uống đóng chai tại công sở. Theo đó, sẽ sử dụng các bình nước thể tích lớn, hoặc tự đun nấu, sử dụng các vật dụng chứa đựng sử dụng nhiều lần, vật liệu dễ phân hủy trong các cuộc họp cũng như hội nghị.

Để đạt được mục tiêu đề ra, trước mắt, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế yêu cầu Sở Tài chính không thanh toán các khoản chi trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp đối với việc sử dụng các sản phẩm nhựa, nilon sử dụng một lần, khó phân hủy như nước uống đóng chai, khăn lau sử dụng một lần...

- Thông tấn xã Việt Nam cũng đã ban hành Kế hoạch về “Hạn chế và tiến tới loại bỏ rác thải nhựa của Thông tấn xã Việt Nam”. Theo đó, đến hết quý III-2019, Thông tấn xã Việt Nam loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong các hoạt động thường xuyên, các cuộc họp, hội nghị… của Ngành.

- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng vừa ban hành Công văn số 1857/BVHTTDL-TCDL về việc bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi nilon, ống hút nhựa, cốc nhựa dùng một lần.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã triển khai chương trình hành động “Du lịch chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa” (trong ba ngày 14 đến 17-7) với sự tham gia của các hiệp hội và gần 100 doanh nghiệp lữ hành trong nước.

Các Sở Du lịch Hà Nội, Ninh Bình, Thừa Thiên-Huế, Ninh Thuận… đã ban hành công văn yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trên địa bàn nghiêm túc triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường.

Nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng tìm cách cải thiện tình trạng ô nhiễm rác nhựa, phù hợp với loại hình kinh doanh. Thay vì phát chai nhựa cho khách, một số đơn vị chuyển dần sang chuẩn bị các bình nước lớn và yêu cầu khách lấy nước từ bình, tái sử dụng chai đựng nước, dần từ bỏ ống hút nhựa và thay thế bằng các sản phẩm từ inox, gạo, tre, giấy...

- Các siêu thị, trung tâm thương mại cam cũng kết cắt giảm sử dụng các sản phẩm nhựa, túi nilon. Các doanh nghiệp, như: Co.op mart Việt Nam; Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op); siêu thị Big C Ðà Nẵng, siêu thị Big C Hà Nội đã gói hàng hóa, sản phẩm bằng lá chuối thay túi nilon…

Thực hiện song hành nhiều giải pháp cụ thể

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, hiện nay, lĩnh vực tái chế nhựa của Việt Nam vẫn chưa phát triển, công nghệ tái chế nhựa đã lỗi thời, hiệu quả thấp, chi phí cao, thường gây ô nhiễm môi trường. Thói quen của người dân dùng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần chưa giảm, người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác sinh hoạt hằng ngày… Ðiều này khiến cho việc xử lý rác thải nhựa, túi nilon ở nước ta càng thêm khó khăn.

GS.TS Đặng Kim Chi đề xuất, cần có những biện pháp quản lý tổng hợp, thực hiện song hành nhiều giải pháp cụ thể, từ hướng dẫn và khuyến khích thay thế, giảm thiểu và sử dụng hợp lý vật liệu nhựa (đặc biệt là các loại túi nilon) đến áp dụng các biện pháp công nghệ cao, kỹ thuật đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng sản phẩm nhựa. Đồng thời, ban hành chính sách giáo dục tuyên truyền tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường, áp dụng các chính sách kinh tế, tăng thuế, không khuyến khích sản suất các sản phẩm nhựa, đặc biệt đối với các bao bì nhựa. Từng bước hạn chế hay cấm sử dựng bao bì nhựa, thay thế bằng các loại bao bì thân thiện môi trường, có thể phân hủy nhanh trong điều kiện tự nhiên như vật liệu gỗ, mây, tre…

Theo bà Trần Thị Phương Nhung, Phó Trưởng phòng Chính sách thuế tài sản, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường (Bộ Tài chính), mức thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon của Việt Nam là thấp (mức thuế hiện hành đối với túi nilon là 40.000 đồng/kg) nên chưa tác động nhiều tới hạn chế việc sản xuất, sử dụng túi nilon nên cần tăng thuế đối với sản phẩm này. Nhiều nơi trên thế giới đang áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường cao hoặc cấm sản xuất, bán, sử dụng túi nilon, ví dụ, ở  Anh mức thuế là 15 cent/túi, tương đương 4.500 đồng/túi; Ireland là 15 cent/túi, tương đương 4.500 đồng/túi; Hong Kong: 0,05 USD/túi, tương đương 1.050 đồng/túi… Với mức thuế như vậy, cũng hạn chế việc sử dụng túi nilon là sản phẩm từ nhựa.

Khẳng định cần có cuộc cách mạng về công nghệ, chính sách để loại bỏ chất thải nhựa, ông Nguyễn Thành Yên, Vụ phó Quản lý chất thải (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, ở nước ta chưa đặt vấn đề quản lý riêng chất thải nhựa, vẫn đặt trong chính sách chung về quản lý chất thải nên chưa có được các giải pháp thực sự hiệu quả…