Tháo gỡ khó khăn cho nghề nuôi tôm thương phẩm

Hoạt động nuôi tôm thương phẩm trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung tại khu vực đầm Nại (Ninh Hải), xã An Hải (Ninh Phước) và xã Phước Dinh (Thuận Nam), đối tượng nuôi chủ lực là tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung quản lý quy hoạch vùng nuôi, chỉ đạo sản xuất, triển khai kế hoạch mùa vụ, quan trắc và cảnh báo môi trường, tập huấn kỹ thuật, nhân rộng các mô hình nuôi thành công ứng phó biến đổi khí hậu.

Hiện nay, có một số hộ nuôi tôm thương phẩm đi đầu trong áp dụng các quy trình công nghệ mới: CPF-Turbo, Semi-Biofloc kết hợp nhà ương bước đầu đạt kết quả khả quan, năng suất trung bình khoảng 10-14 tấn/ha/vụ, cá biệt có hộ đạt 20-30 tấn/ha. Đơn cử, anh Nguyễn Văn Vinh, ở xã Phước Dinh thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể xi măng tròn có mái che, thu lợi nhuận cao, hạn chế dịch bệnh. Nỗ lực của ngành chức năng, các địa phương trong hỗ trợ nông dân khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển sản xuất là đáng ghi nhận, tuy nhiên, nuôi tôm thương phẩm trong các năm gần đây liên tục gặp khó khăn, tình trạng tôm nuôi chậm lớn diễn ra phổ biến, tình hình bệnh tôm không có dấu hiệu chấm dứt, giá tôm thấp, chi phí sản xuất cao, nên tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, bị thương lái ép giá.

Anh Nguyễn Văn Vinh, ở xã Phước Dinh (Thuận Nam) thực hiện mô hình Nuôi tôm
thẻ chân trắng trong bể xi măng đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: A.T

Khu vực Đầm Nại là vùng nuôi tôm sú trọng điểm gần đây phát sinh những khó khăn chưa khắc phục được. Hoạt động nuôi thủy sản tại đây phát triển nhanh, trong khi hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống xử lý nước thải không đáp ứng được nhu cầu sản xuất, quá trình nuôi tôm các hộ bơm hút bùn thải, lấn chiếm bờ kênh làm cho lòng kênh và bờ kênh bị thu hẹp, khẩu độ của miệng cống nhỏ làm giảm tác dụng cấp thoát nước, bị ngập úng cục bộ khi mưa lớn xảy ra, bệnh tôm diễn ra liên tục, gây thiệt hại nặng nề cho người dân. Hiện nay, hầu hết hộ nuôi tại khu vực Đầm Nại gặp khó khăn về vốn nên giảm diện tích, hạn chế đầu tư, chuyển đổi hình thức và đối tượng nuôi, từ nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh sang quảng canh cải tiến; từ nuôi tôm thương phẩm sang nuôi các đối tượng hải sản khác như cá, cua. Tình trạng sang nhượng hoặc bỏ trống ao, đìa diễn ra khá phổ biến.

Nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát tập trung ở xã An Hải (Ninh Phước) và xã Phước Dinh (Thuận Nam) sau một thời “hoàng kim”, nay đang có dấu hiệu chững lại. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, không có kênh cấp, thoát nước riêng biệt, môi trường ô nhiễm, dịch bệnh xảy ra liên tục. Toàn bộ các hạng mục công trình Khu nuôi trồng thủy sản An Hải đã hoàn thành từ năm 2006 bao gồm hệ thống kênh tiêu thoát, đường giao thông và hệ thống điện đã đưa vào sử dụng, cơ bản đáp ứng được mục tiêu của dự án.

Người dân xã An Hải (Ninh Phước) nuôi tôm thẻ chân trắng đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Văn Nỷ

Tuy nhiên, công trình chưa thật sự hoàn chỉnh, nhất là hệ thống cấp nước mặn, nước ngọt và hệ thống thoát nước còn bộc lộ bất cập, làm giảm hiệu quả của dự án. Trạm bơm số 1 lấy nước từ sông Cụt giáp với cửa ra biển của sông Dinh, khi triều lên đảm bảo được các chỉ tiêu lý - hóa, nhưng khi triều xuống thì bị ô nhiễm do lượng nước thải của Khu nuôi tôm Phú Thọ thải ra. Trạm bơm bổ sung nước mặn TBM1 và TBM2 lấy nước trực tiếp từ biển bơm lên kênh N1 hoạt động không đồng đều vì một số người dân bơm xả nước thải trong ao nuôi lên kênh, không đảm bảo vệ sinh. Hiện tại do đặc thù của ngành nuôi tôm còn mang tính tự phát, nhiều người dân có đất trong vùng dự án không có điều kiện đầu tư sản xuất, bỏ hoang ao, đìa, do đó rất khó để cấp nước tập trung vào cùng thời điểm cho toàn vùng dự án. Dự án đã đầu tư 4 hệ thống tiêu nước chính và ao xử lý nước thải, tuy nhiên do chưa có hệ thống tiêu nhánh nên người dân đã tự thải ra hệ thống đối với các diện tích gần tuyến đường ống; đối với vùng xa đường ống tiêu chính, hộ nuôi tự thải ra khu vực xung quanh gây ô nhiễm môi trường và nhiễm mặn khu vực lân cận.

Quyết định số 1412/QĐ-UBND ngày 27-8-2018 của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh xác định phát triển nuôi thủy sản thương phẩm theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với quy hoạch phát triển du lịch vùng ven biển; nhanh chóng tiếp cận và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại, để bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sản phẩm. Để thực hiện đạt mục tiêu theo nội dung của Quyết định 1412, theo đồng chí Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hoạt động nuôi tôm cần có sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương trong việc đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng cho các vùng nuôi thương phẩm, nhất là hệ thống thu gom và xử lý chất thải. Giới thiệu, chuyển giao và nhân rộng các mô hình nuôi thành công, hiệu quả kinh tế cao. Tập trung phát triển các đối tượng chủ lực có tiềm năng và lợi thế, hình thành các vùng nuôi tập trung, áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường. Có chính sách hỗ trợ tạo điều kiện người nuôi tiếp cận các nguồn vốn vay để áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, nhất là triển khai mô hình ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.