Để công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi thực sự mang lại hiệu quả

Mặc dù trên địa bàn tỉnh ta chưa xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), nhưng qua công tác kiểm tra của cơ quan chức năng việc phòng ngừa nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh vẫn còn nhiều vấn đề cần chấn chỉnh để hạn chế triệt để nguy cơ bệnh dịch có thể xảy ra tại địa bàn tỉnh ta.

Nỗ lực từ các địa phương

Qua kiểm tra công tác phòng chống DTLCP của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tiến hành tại 7 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh cho thấy các địa phương đã kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên; xây dựng các kế hoạch phát động, phương án ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp với khả năng DTLCP xâm nhiễm vào địa phương. Tổ chức tiêu độc khử trùng môi trường, tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm đợt I-năm 2019. Các địa phương đã sử dụng 6.163 lít hóa chất benkocid và 7.432 kg vôi bột để tiêu độc khử trùng, phun xịt các khu vực chăn nuôi hộ gia đình, chợ buôn bán lợn, nơi công cộng và cấp cho 4.143 hộ chăn nuôi khử trùng môi trường chăn nuôi. Các địa phương cũng đã chủ động tổ chức giám sát đàn lợn nuôi đến tận chuồng nuôi; thường xuyên tuyên truyền các hộ chăn nuôi thực hiện biện pháp phòng, chống dịch; chủ động bố trí 46 địa điểm xử lý, tiêu hủy khi có dịch bệnh xảy ra tại 32/65 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Kiểm soát tốt dịch bệnh và chăn nuôi an toàn sinh học, sản phẩm thịt lợn sạch vẫn được người dân tin dùng.

Tại các cơ sở chăn nuôi tập trung, hầu hết các trang trại đều thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học; định kỳ thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào trại, chủ động bố trí hố tiêu hủy gia súc tại cơ sở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Bên cạnh việc nâng cao ý thức phòng bệnh, chủ động khai báo số vật nuôi, các hộ dân cũng đã nhận hóa chất hỗ trợ về để tiêu độc sát trùng vệ sinh chuồng nuôi. Các cơ sở giết mổ tập trung bố trí đầy đủ cán bộ thú y, kiểm soát chặt chẽ hoạt động giết mổ từ lúc nhập gia súc đến khi xuất sản phẩm ra thị trường tiêu thụ, vệ sinh tiêu độc khử trùng sau mỗi ca giết mổ.

Cần quyết liệt trong phòng, chống dịch

Tuy nhiên khó khăn nhất hiện nay là trên địa bàn các xã, phường, thị trấn không có chức danh thú y xã, mà phần lớn là cán bộ kiêm nhiệm không có chuyên môn về chăn nuôi, thú y nên công tác kiểm tra, giám sát phòng ngừa dịch bệnh chưa được thường xuyên và gặp không ít khó khăn. Có địa phương chưa chủ động xác định vị trí để xử lý tiêu hủy gia súc khi có dịch bệnh xảy ra; việc kiểm tra chỉ đạo, đôn đốc công tác phòng bệnh thuộc địa bàn quản lý ở một số nơi chưa thường xuyên. Ông Trương Khắc Trí, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Chỉ thị 08/CT-UBND ngày 18-4, sau khi kết thúc thực hiện tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường theo kế hoạch của tỉnh, các huyện, thành phố phải tiếp tục chỉ đạo tổ chức tiêu độc khử trùng định kỳ trên địa bàn 1 lần/tuần. Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa duy trì thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo. Việc kiểm soát phương tiện vận chuyển lợn tại Trạm Kiểm dịch đầu mối giao thông Thuận Bắc và 2 chốt kiểm dịch tạm thời ở huyện Ninh Sơn và huyện Thuận Nam đã được triển khai trên cơ sở tăng cường thêm lực lượng Cảnh sát giao thông để cùng với lực lượng thú y duy trì hoạt động 24/24 giờ, nhưng trên tuyến Quốc lộ 27B đi qua địa phận huyện Bác Ái, do khó khăn về nhân lực và kinh phí nên chưa thành lập chốt để kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn hướng từ Cam Ranh (Khánh Hòa) đi qua địa bàn.

Việc quan tâm chủ động phòng chống dịch tả lợn Châu Phi là rất quan trọng do đó Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống DTLCP, UBND tỉnh và ngành liên quan đã liên tục chỉ đạo, đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt theo phương châm “chống dịch như chống giặc”; đồng thời chủ động xây dựng kịch bản theo phương án khi phát hiện ổ DTLCP tại tại địa phương. Trong đó, chủ động về nguồn nhân lực tham gia chống dịch, chuẩn bị sẵn sàng các địa điểm xử lý, tiêu hủy gia súc, phương tiện vận chuyển, trang thiết bị vật tư và kế hoạch dự toán nguồn kinh phí chống dịch, bao gồm cả kinh phí hỗ trợ thiệt hại theo quy định. Mặt khác, tăng cường công tác giám sát dịch bệnh đến tận chuồng nuôi, phát hiện và xử lý kịp thời không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng… Chính vì vậy, để công tác phòng chống DTLCP thực sự mang lại hiệu quả, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi, các địa phương cần quyết liệt và phát huy trách nhiệm hơn nữa trong kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, nhắc nhở các bộ phận liên quan thực hiện nghiêm công tác phòng chống DTLCP. Đẩy mạnh tuyên truyền người dân tham gia tích cực công tác phòng chống dịch, khai báo kịp thời ổ dịch, không được giết mổ, chế biến thực phẩm động vật bị bệnh chết; tiêu độc sát trùng môi trường chăn nuôi. Riêng UBND huyện Bác Ái cần khẩn trương thành lập chốt kiểm dịch động vật tạm thời tuyến Quốc lộ 27B thuộc địa bàn xã Phước Thành để kiểm soát các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.