25 năm đường dây 500KV Bắc - Nam: Bản anh hùng ca thời kỳ đổi mới

Cách đây 25 năm, ngày 27-5-1994, đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 được đưa vào vận hành, đánh một dấu mốc quan trọng đối với ngành Điện Việt Nam. 25 năm qua, đường dây 500 kV Bắc- Nam mạch 1 đã và đang phát huy vai trò to lớn trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, xứng đáng là bản anh hùng ca thời kỳ đổi mới.

Trở về với lịch sử

Vào thời kỳ đầu những năm 90 của thế kỷ XX, khu vực miền Nam là một khu vực kinh tế năng động, nhu cầu sử dụng điện là rất lớn, luôn đối mặt với tình trạng thiếu điện. Trong khi khu vực miền Bắc lại thừa điện, các nhà máy không phát huy được tối đa công suất. Trước tình hình đó, ngày 25-2-1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã có Quyết định số 61/CP, phê duyệt Luận chứng kinh tế- kỹ thuật, xây dựng đường dây 500kV Bắc - Nam, với quyết tâm sẽ hoàn thành công trình trong vòng 2 năm.

Ngày 5-4-1992, công trình xây dựng đường dây siêu cao áp 500KV Bắc - Nam đầu tiên của Việt Nam đã chính thức được khởi công xây dựng. Theo thiết kế, tuyến đường dây dài 1.487km, gồm 3.437 vị trí cột đi qua 14 tỉnh, thành, địa hình địa chất phức tạp, trong đó có nhiều đoạn rừng già chưa có dấu chân người, vực sâu, núi cao hiểm trở như Đèo Phước, Hải Vân, Lò Xo, Đắk Lây, Đắk Nông, Krônggô…Nhiều nơi môi trường thiên nhiên khắc nghiệt, nắng lửa, mưa rừng, nhất là bom mìn còn sót lại thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tuy nhiên, không ai nản lòng, công trình đã được tiến hành với nhịp độ chưa từng có ở mọi địa điểm, mọi công đoạn, từ những công việc sử dụng nhiều lao động cơ bắp đến những công việc kỹ thuật phức tạp và tỉ mỉ.

Sau gần 800 ngày đêm lao động vất cả, cần cù, sáng tạo của công nhân Việt Nam trên 100 công trường độc lập, 19 giờ 6 phút ngày 27-5-1994, tại Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra lệnh hòa hệ thống điện miền Nam với 4 tổ máy của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình tại trạm Đà Nẵng qua đường dây 500kV, chính thức đưa hệ thống 500kV vào vận hành.

Bản anh hùng thời kỳ đổi mới

Ngay sau khi đưa vào vận hàng đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1, điện thương phẩm của toàn quốc đã có bước tăng trưởng đột biến từ 5-6% giai đoạn 1990 - 1992 lên 18,2% giai đoạn 1993 - 1997, đỉnh điểm là 21% năm 1995. Đó là những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của đất nước, với tốc độ tăng trưởng GDP từ 5,1% vào năm 1990 lên 9,5% vào năm 1995. Đặc biệt, từ năm 1994, đường dây 500kV đã truyền tải công suất theo cả hai chiều và đã mang lại những lợi ích kinh tế lớn như: giúp điều hòa sản lượng thủy điện trong năm, giảm lượng nước xả thừa, tăng sản lượng điện của các nhà máy thủy điện

Đường dây 500kV kéo dài từ Bắc vào Nam cũng chính là “sợi dây vô hình”, nhưng cũng hết sức “bền chặt” nối liền hai miền Nam - Bắc. Là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng miền núi, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng đồng bằng và miền núi trên cả nước.

Hiệu quả to lớn của mạch 500 kV đầu tiên đã chứng minh sự sáng suốt, táo bạo và tầm nhìn xa trông rộng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội. Việc xây dựng thành công đường dây 500kV cũng khẳng định ý chí, quyết tâm và nghị lực phi thường của cán bộ, nhân viên ngành điện lực.

Sau hơn 10 năm vận hành đường dây 500kV Bắc- Nam mạch 1, ngày 23-10-2005, ngành Điện Việt Nam lại đánh dấu một kỳ tích, hoàn thành đóng điện đưa vào vận hành đường dây 500kV Bắc- Nam mạch 2. Công trình có tổng chiều dài gần 1600 km, đi qua 21 tỉnh, thành phố, từ TP. Hồ Chí Minh đến Hà Tây (nay là Hà Nội). Đây là công trình do cán bộ, công nhân viên Việt Nam đảm nhận toàn bộ từ khâu thiết kế, thi công, chế tạo cột thép và giám sát, nghiệm thu.

Trên cơ sở những thành công đã đạt được và nhu cầu thực tế, ngày 5-5-2014, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia đã đóng điện thành công và đưa vào vận hành đường dây 500kV mạch 3 Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông.

Cho đến nay, hệ thống tải điện 500kV Bắc- Nam ba mạch có tổng chiều dài hơn 7.400 km, đi qua 42 tỉnh thành phố, mỗi năm truyền tải hàng chục tỷ kWh điện, đảm bảo an toàn hệ thống điện và an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp to lớn vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Có thể nói, nếu như tuyến đường dây mạch 1 được xây dựng bằng tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đường dây 500kV mạch 2 phát huy nội lực và chứng minh khả năng tự cường dân tộc, thì đường dây 500kV mạch 3 được xây dựng bằng sức trẻ, lòng nhiệt thành và bản lĩnh của người thợ điện Việt Nam. Với những kỳ tích ấy, cho đến nay, hệ thống tải điện 500kV Bắc- Nam ba mạch xứng đáng là bản anh hùng ca về tinh thần lao động sáng tạo, dám nghĩ dám làm trong thời kỳ đổi mới, hội nhập của đất nước ta.

Theo TTXVN