Đẩy mạnh công tác phòng ngừa ma túy xâm nhập học đường

Trong những năm qua, công tác phòng ngừa ma túy (MT) trong trường học trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực, đảm bảo kiềm chế sự xâm nhập của tệ nạn MT vào môi trường giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại các nhà trường.

Tính đến đầu năm học 2018-2019, toàn tỉnh có 328 cơ sở giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), trong đó có 24 cơ sở ngoài công lập, với hơn 140.391 học sinh, sinh viên (HSSV), học viên GDTX và 10.664 cán bộ, viên chức, người lao động. Qua báo cáo của Sở GD&ĐT đến đầu năm 2019, toàn ngành không có trường hợp HSSV liên quan đến tệ nạn MT. Đây thật sự là một kết quả đáng mừng đối với ngành GD&ĐT tỉnh nhà, bởi HSSV luôn là đối tượng bị các phần tử xấu dụ dỗ, lôi kéo sử dụng MT. Đồng chí Nguyễn Anh Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Để phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn này, ngành đã chủ động phối hợp các cấp, các ngành tập trung thực hiện nhiều giải pháp, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tệ nạn MT triển khai đồng bộ ở các cấp học, trình độ đào tạo, đa dạng về hình thức thông tin, tuyên truyền và trở thành phong trào thường xuyên, liên tục ở các đơn vị trường học, góp phần đem lại hiệu quả tích cực.

Cụ thể, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của ngành, của địa phương về công tác phòng ngừa MT xâm nhập học đường, ngành GD&ĐT đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục phòng chống MT trong chương trình chính khóa, ngoại khóa và tổ chức, triển khai thực hiện. Đưa giáo dục về phòng chống MT vào chương trình chính khóa, các nhà trường đã chỉ đạo tổ, nhóm bộ môn thực hiện tích hợp lồng ghép các kiến thức về MT vào chương trình các môn học có liên quan đến tất cả các bậc học, cấp học và đã có 100% các trường học đưa nội dung giáo dục phòng, chống MT vào chương trình giảng dạy các môn học liên quan. Đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa, tuyên truyền thông qua băng rôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích. Tuyên truyền trên hệ thống phát thanh học đường; tuyên truyền thông qua hoạt động ngoại khoá có lồng ghép nội dung phòng, chống MT do Đoàn, Đội tổ chức theo kế hoạch năm học. Phối hợp với địa phương tổ chức các chương trình truyền thông nhân Tháng cao điểm phòng, chống MT. Tổ chức “Tuần sinh hoạt công dân HSSV” đầu năm học trong đó có nội dung giáo dục pháp luật, giáo dục phòng chống MT, phòng chống tội phạm… Phối hợp với địa phương để nắm bắt tình hình HSSV vi phạm. Phối hợp tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về công tác phòng, chống MT do ngành và địa phương tổ chức. Định kỳ, các trường và các trung tâm đều phải báo cáo về Sở GD&ĐT các trường hợp vi phạm trật tự an ninh trường học và tình hình liên quan đến MT. Bổ sung sách và tài liệu mới có nội dung phòng, chống MT vào thư viện, tủ sách pháp luật của đơn vị. Ngoài ra, các trường còn thành lập hòm thư góp ý, phát hiện những học sinh có biểu hiện liên quan đến tội phạm về MT, vi phạm pháp luật, vi phạm an toàn giao thông để từ đó có những biện pháp xử lý. Các đơn vị trường học tổ chức cho học sinh ký cam kết không vi phạm nội quy nhà trường, vi phạm trật tự an toàn giao thông, không sử dụng và mua bán trái phép chất MT, không tham gia gây rối, đánh nhau làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự trường học để làm cơ sở xét kỷ luật học sinh khi có vi phạm.

Tuy nhiên, tình hình tệ nạn MT vẫn đang diễn biến phức tạp, luôn có xu hướng tăng về mức độ và số lượng vụ vi phạm. HSSV trên địa bàn tỉnh nhìn chung có hiểu biết cơ bản về MT nhưng chưa thực tế nhìn thấy các chất MT, dụng cụ sử dụng các chất MT, nhiều em lầm tưởng MT chỉ là heroin... từ đó nảy sinh thái độ thiếu cảnh giác, thiếu đề phòng với những loại MT như cần sa, cỏ Mỹ, MT đá. Các em cũng không có nhiều những kỹ năng để phòng chống MT hay xử lý với những tình huống có nguy cơ dẫn đến hành vi sử dụng MT. Mặc dù các trường đã tổ chức các hoạt động truyền thông phòng chống MT, nhưng do tác động của nhiều yếu tố, tần suất thực hiện còn thưa thớt, thiếu tính liên tục. Nội dung của các hoạt động ở nhiều đơn vị còn chậm được đổi mới, chưa tính đến đặc điểm tâm sinh lý của từng lứa tuổi, các đối tượng khác nhau mà vẫn rập khuôn, cứng nhắc như nhau cho mọi đối tượng. Hơn nữa, hình thức tổ chức các hoạt động này chưa gây được hứng thú cho các em tham gia. Bên cạnh đó, sự tham gia của các em vào những hoạt động này nhiều khi vẫn còn mang tính chất ép buộc, thiếu sự tự nguyện và tinh thần tích cực chủ động.

Đồng chí Nguyễn Anh Linh, cho biết thêm: Từ thực tế trên, phát huy các kết quả đạt được, thời gian đến ngành GD&ĐT tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống MT trong trường học. Tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống MT cho thành viên trong trường học trên website trường, phát thanh học đường và các hình thức khác như tổ chức tọa đàm, giao lưu, nói chuyện chuyên đề, thi sáng tác các tác phẩm tuyên truyền về phòng, chống MT. Xây dựng, phát triển và hỗ trợ hoạt động hiệu quả của Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng, chống ma tuý”. Lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục phòng, chống MT trong chương trình và hoạt động giáo dục của các cấp học, trình độ đào tạo. Phối hợp, tham gia tập huấn về phòng, chống MT và cách thức tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho cán bộ, giáo viên phụ trách công tác phòng, chống MT, cán bộ Đoàn, Hội, Đội trong trường học. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá thực trạng tệ nạn MT và công tác phòng, chống MT tại các trường học. Các trường học phối hợp với gia đình và địa phương tổ chức cai nghiện đối với các trường hợp thành viên trong trường học nghiện MT. Tổ chức kiểm tra sức khoẻ người học theo định kỳ và kiểm tra đột xuất nhằm phát hiện sớm thành viên trong trường học liên quan đến tệ nạn MT và tư vấn, giúp đỡ kịp thời. Bên cạnh đó, ngành tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức để công tác giáo dục, tuyên truyền đạt hiệu quả cao nhất; đẩy mạnh việc phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong công tác giáo dục, quản lý HSSV, phòng, chống tệ nạn MT.

Văn phòng UBND tỉnh vừa có Văn bản số 1807/VPUB-VXNV gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) về truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các sở ngành có liên quan tổ chức rà soát hoạt động khám chữa bệnh tại các cơ sở cai nghiện MT theo đề nghị của Bộ LĐ-TB&XH. Được biết, trước đó Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản số 1560/LĐTBXH-PCTNXH gửi UBND tỉnh đề nghị chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Sở Y tế rà soát hoạt động khám chữa bệnh tại các cơ sở cai nghiện MT, yêu cầu hoàn thiện các điều kiện về nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và cấp phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quy định pháp luật.