Chế độ ăn trong rối loạn mỡ máu

Rối loạn mỡ máu, hay rối loạn chuyển hóa lipid máu là hiện tượng nồng độ chất béo trong cơ thể quá cao hay quá thấp so với bình thường. Rối loạn mỡ máu nếu không được điều trị kịp thời, mỡ máu đọng lại thành động mạch gây xơ vữa động mạch, thậm chí mắc các bệnh lý về tim mạch như suy tim, đột quỵ…

Vì vậy, bên cạnh việc sử dụng thuốc nhằm cân bằng lượng mỡ máu trong cơ thể, người bệnh cần chú ý xây dựng chế độ ăn uống, dinh dưỡng hợp lý.

Duy trì cân nặng lý tưởng, cần giảm cân nếu béo phì. Ví dụ 1 người có chiều cao 160cm thì cân nặng nên có tối đa là 60kg, còn nặng hơn là thừa cân (cân nặng = chiều cao (cm) – 100cm).

Đảm bảo thành phần dinh dưỡng hợp lý: Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng quốc gia thì bữa ăn đủ dinh dưỡng hợp lý là khẩu phần năng lượng từ chất bột (đường) chiếm 50-60%; chất đạm (protid) chiếm 10-20%; chất béo (lipid) đạt từ 20% tổng số năng lượng khẩu phần.

Hạn chế thực phẩm có chứa nhiều cholesterol như phủ tạng động vật, lòng đỏ trứng gà (tuy nhiên lòng trắng trứng gà chứa lecithin có tác dụng điều hòa chuyển hóa cholesterol, vì vậy, người có cholesterol máu cao vẫn có thể dùng trứng nhưng nên hạn chế và cần ăn cả lòng trắng), giảm bia, rượu. Nên ăn nhiều rau quả tươi, chất xơ và tăng cường hoạt động thể lực.

Nếu tăng cholesterol toàn phần và tăng LDL-C (cholesterol "xấu"): giảm ăn acid béo bão hòa. Thay thế một phần axit béo bão hòa bằng acid béo không bão hòa ở mức phù hợp với năng lượng cơ thể. Khuyến khích dùng thực phẩm có nhiều chất xơ hòa tan như hoa quả, rau, yến mạch. Hạn chế thực phẩm có nhiều cholesterol.

Nếu tăng triglycerid (cholesterol bình thường): nếu béo phì cần ưu tiên giảm cân nặng cơ thể, tăng hoạt động thể lực. Thay thế các loại tinh bột (carbonhydrat) tinh luyện bằng carbonhydat phức tạp; khuyến khích ăn dầu cá; giảm hoặc tránh đồ uống có cồn.