Hội nghị trực tuyến toàn quốc về hội nhập quốc tế

(NTO) Ngày 23-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế với chủ đề “Tăng cường hội nhập quốc tế, chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì phát triển nhanh và bền vững”. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Tại hội nghị, các đại biểu đã báo cáo tham luận, đánh giá việc triển khai các nghị quyết của Đảng về hội nhập quốc tế trong 5 năm qua. Phân tích, dự báo tình hình quốc tế, trong nước, nhất là cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức trong thời gian tới. Đồng thời, xác định rõ tầm nhìn, mục tiêu, định hướng chiến lược đối với công tác hội nhập. Từ đó đề xuất các kiến nghị, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch, chương trình hành động đối với từng lĩnh vực. Hội nghị cũng kiểm điểm hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia, các ban chỉ đạo liên ngành, nêu rõ những hạn chế, tồn tại, cách tổ chức thực hiện để tập trung khắc phục, kiện toàn cơ cấu của Ban Chỉ đạo.

Các đồng chí: Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh;
Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự Hội nghị trực tuyến.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hội nhập quốc tế là chủ trương lớn, nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng vào thành tựu đổi mới và ngày càng mở rộng trên nhiều lĩnh vực của đất nước, từ kinh tế đến văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại do đó cần “tăng cường hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì phát triển nhanh và bền vững”. Thủ tướng đề nghị, trong hội nhập quốc tế cần thực hiện 3 phương châm: “nâng tầm”, “hội nhập toàn diện và sâu rộng”, “đổi mới và hiệu quả”. Trên tinh thần đó, cần tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, gắn kết chặt chẽ với các hoạt động đối ngoại nhằm tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước; phát huy tinh thần “chủ động, tích cực” trong hội nhập quốc tế trên cơ sở phù hợp thực tiễn và hài hòa với lợi ích của đất nước, sẵn sàng đón nhận và tận dụng thời cơ. Về hội nhập kinh tế, cần tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát huy nội lực, đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Về hội nhập về chính trị, an ninh, quốc phòng cần tiếp tục chủ động, làm sâu sắc hơn các mối quan hệ và phát huy mạnh mẽ vai trò của đối ngoại đa phương, nhằm tăng cường lòng tin và đan xen lợi ích. Về hội nhập văn hóa, xã hội, giáo dục-đào tạo và khoa học công nghệ, cần nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, đặc biệt là giáo dục đại học và dạy nghề ngang tầm chất lượng và phù hợp với các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.  Phát huy hơn nữa vai trò của địa phương, doanh nghiệp trong công tác hội nhập quốc tế.