Ngân hàng Chính sách xã hội tăng cường quản lý nguồn vốn tín dụng

Nhờ thực hiện linh hoạt trong giải quyết các thủ tục, hồ sơ cho vay, đến cuối tháng 2-2019, tổng nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đạt 2.026 tỷ đồng, tăng 10,224 tỷ đồng so với đầu năm.

Trong đó, nguồn vốn huy động đạt trên 177,1 tỷ đồng, tăng 5,156 tỷ đồng so với đầu năm. Cụ thể, tiền gửi từ các tổ chức, cá nhân 98,149 tỷ đồng, tăng 5,517 tỷ đồng; tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn 78,962 tỷ đồng. Riêng trong tháng 2, có 5/7 đơn vị huyện, thành phố có số dư tiền gửi tăng so với tháng trước, đặc biệt huyện Thuận Bắc tăng 6,246 tỷ đồng, huyện Thuận Nam tăng 1,608 tỷ đồng. Đối với nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương, đến cuối tháng 2 đạt 42,538 tỷ đồng, tăng 3,9 tỷ đồng so với tháng trước, nâng tổng số vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương từ đầu năm đến nay tăng 4,450 tỷ đồng; trong đó, vốn từ ngân sách UBND tỉnh chuyển sang 3 tỷ đồng và có 5/7 đơn vị huyện, thành phố thực hiện chuyển vốn theo chỉ tiêu kế hoạch được giao, bao gồm: Thuận Bắc 250 triệu đồng; Thuận Nam 300 triệu đồng; Ninh Phước 300 triệu đồng; Ninh Hải 300 triệu đồng và Tp.Phan Rang – Tháp Chàm 300 triệu đồng.

Cán bộ NHCSXH tỉnh giải quyết kịp thời các thủ tục, hồ sơ tín dụng cho người dân. Ảnh: Văn Nỷ

Từ các nguồn vốn trên, trong tháng 2 NHCSXH tỉnh đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn với tổng số tiền 40,736 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 37,060 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ của 15 chương trình đến cuối tháng 2 đạt trên 2.016 tỷ đồng, tăng 3,706 tỷ đồng so với tháng trước và tăng 3,933 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tổng dư nợ cho vay 3 chương trình: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên 1.218,8tỷ đồng, tăng 403 triệu đồng so với đầu năm, chiếm tỷ trọng 60,4% trên tổng dư nợ. Cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn dư nợ đạt 245,789 tỷ đồng, tăng 1,333 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm tỷ trọng 12,2% trên tổng dư nợ. Cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường dư nợ đạt 110,934 tỷ đồng, tăng 89 triệu đồng so với tháng trước, chiếm tỷ trọng 5,5% trên tổng dư nợ; cho vay học sinh-sinh viên dư nợ đạt 227,835 tỷ đồng, tăng 5,854 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm tỷ trọng 11,3% trên tổng dư nợ. Riêng cho vay theo chương trình giải quyết việc làm tổng dư nợ 73,816 tỷ đồng, giảm 1,058 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm tỷ trọng 3,7% trên tổng dư nợ (chỉ tiêu còn tồn chưa cho vay là 1,588 tỷ đồng).

Theo đánh giá của NHCSXH tỉnh, mặc dù việc giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho các đối tượng chính sách từ đầu năm đến nay đạt kết quả khá tốt, giúp cho hàng chục ngàn lượt hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, vươn lên ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là hiện tỷ lệ nợ quá hạn vẫn còn khá cao. Tính đến thời điểm ngày 25-2, tổng nợ quá hạn 8,121 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,40%/tổng dư nợ, tăng 564 triệu đồng so với đầu năm. Riêng trong tháng 2 có thêm 4 đơn vị phát sinh tăng nợ quá hạn bao gồm: Ninh Phước tăng 158 triệu đồng; Hội sở tỉnh tăng 80 triệu đồng; Thuận Nam tăng 40 triệu đồng;Ninh Hải tăng 17 triệu đồng. Trong tổng số nợ quá hạn kể trên, số hộ vay đi làm ăn xa chưa thể xử lý được nợ (do kinh tế khó khăn nên một số hộ vay đi làm ăn nơi khác, thỉnh thoảng mới trở về địa phương, nên khó gặp để xử lý nợ) là 1,456 tỷ đồng/148 hộ; hộ vay bỏ đi khỏi nơi cư trú nhưng không đủ điều xử lý rủi ro (còn tài sản, đi khỏi nơi cư trú chưa đủ 2 năm) là 1,901 tỷ đồng/159 hộ; số hộ vay đang thực hiện trả dần 1,081 tỷ đồng/177 hộ; hộ vay có điều kiện nhưng chây ỳ không trả nợ1,583 tỷ đồng/128 hộ và các nguyên nhân khác257 triệu đồng/33 hộ.

Chị Ngư Thị Quá ở thôn Thành Ý, xã Thành Hải (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm),
nhờ chịu khó làm ăn từ trồng trọt và chăn nuôi bò, hàng năm gia đình chị có thu nhập
đạt trên 80 triệu đồng, đảm bảo ổn định đời sống. Ảnh: V.Thanh

Để kịp thời khắc phục tình trạng nợ quá hạn, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng, hiện NHCSXH tỉnh đã lập hồ sơ trình xử lý rủi ro đợt 1-2019 theo Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28-7-2010 của Thủ tướng Chính phủ là 1,843 tỷ đồng/165 hộ. Tiếp tục chỉ đạo phòng giao dịch các huyện phối hợp Ban đại diện - Hội đồng quản trị các cấp và các hội, đoàn thể nhận ủy thác phát huy vai trò tham mưu, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nợ rủi ro theo quy định. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Trước mắt, phối hợp với Sở Tài chính nhận vốn ủy thác từ ngân sách tỉnh 2 tỷ đồng để cho vay người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đôn đốc các phòng giao dịch: Ninh Sơn, Bác Ái tiếp tục báo cáo, tham mưu UBND huyện, đồng thời phối hợp với Phòng Tài chính để nhận vốn ủy thác từ ngân sách huyện theo kế hoạch được giao năm. Trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch bứt phá về nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn; chấn chỉnh, nâng cao hoạt động giao dịch xã. Theo dõi, đôn đốc các đơn vị tổ chức sơ kết thực hiện phương án để rút kinh nghiệm, bổ sung giải pháp phù hợp, hiệu quả. Thường xuyên trao đổi thông tin hai chiều; cung cấp các số liệu, tình hình hoạt động của hội đoàn thể nhận ủy thác các cấp nhằm phối hợp, chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động nhận ủy thác. Phối hợp với các cơ quan truyền thông thực hiện tốt công tác tuyên truyền để các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, nhận thức rõ trách nhiệm trả nợ, trả lãi đúng kỳ hạn quy định.