Công Hải thực hiện hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Những năm qua, xã Công Hải (Thuận Bắc) là một trong những xã thực hiện tốt việc chuyển đổi sang trồng các loại cây chịu hạn như: bưởi da xanh, bắp, đậu xanh, xoài, dừa… mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân có thu thập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Riêng trong vụ đông - xuân 2018-2019, toàn xã gieo trồng 774 ha, trong đó lúa 625ha, còn lại là đậu xanh, bắp và cây hoa màu khác. Xã đã thực hiện chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa với diện tích 10 ha, tập trung chuyển đổi các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương như: bắp, đậu xanh…

Nông dân Thuận Bắc chuyển đổi trồng cây cạn để tiết kiệm nước. Ảnh: P.Bình

Theo chủ trương của huyện, khi thực hiện chuyển đổi, nông dân sẽ được hỗ trợ giống, tập huấn về kỹ thuật chăm sóc các loại cây này. Khu vực chuyển đổi tập trung ở 4 thôn: Hiệp Kiết, Giác Lan, Kà Rôm và Suối Giếng, là những vùng chủ động nước từ hồ Sông Trâu. Những loại cây trồng này có thị trường khá phong phú, giá cả ổn định nên nông dân khá yên tâm. Bên cạnh đó, sau khi thu hoạch, những phụ phẩm từ bắp, đậu xanh có thể dự trữ để làm thức ăn cho gia súc trong mùa nắng hạn.

Đến vùng quy hoạch trồng cây bưởi da xanh ở thôn Hiệp Kiết với diện tích 2ha, chúng tôi thấy những cây bưởi đang phát triển tốt. Nhằm “lấy ngắn nuôi dài”, hầu hết các hộ trong vùng quy hoạch đã trồng xen canh với các loại cây ngắn ngày như bí, cà, bắp… Ông Phạm Văn Cường, ở thôn Hiệp Kiết chia sẻ: Cuối năm 2017, được huyện hỗ trợ giống cây, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật, tôi chuyển diện tích 3,3 sào đất trồng hoa màu sang trồng bưởi da xanh, song song đó trồng xen canh với ớt, bắp, bí. Đến nay, các loại cây trồng ngắn ngày đã thu hoạch và mang lại thu nhập, có điều kiện đầu tư cho cây bưởi. Hiện nay, diện tích trồng bưởi đang phát triển khá tốt, vì là loại cây có giá trị kinh tế cao nên hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.

Ông Phạm Văn Cường thôn Hiệp Kiết đang chăm sóc cây bưởi. Ảnh: M.Khai

Theo kế hoạch, trong năm 2019, xã tiếp tục chuyển đổi 34 ha, trong đó cây lâu năm có 6 ha gồm các loại cây bưởi da xanh, dừa, xoài ở khu vực các thôn Hiệp Kiết 2 ha, Giác Lan 1 ha, Kà Rôm 1 ha, Suối Vang 2 ha; diện tích cây ngắn ngày 28 ha gồm các loại bắp, đậu xanh, cỏ chăn nuôi, các loại rau củ tại các thôn Xóm Đèn, Suối Giếng, Giác lan 3 ha, Hiệp Kiết 7 ha, Ba Hồ 8 ha, Suối Vang 6 ha… Để thực hiện tốt kế hoạch đề ra, xã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi cây trồng; tổ chức tuyên truyền, vận động, tổ chức họp các hộ dân có đất trong vùng sản xuất cây trồng cạn đã được khoanh vùng để thống nhất sản xuất; thành lập các tổ, nhóm sản xuất để thuận tiện trong việc xuống giống, cung cấp nước; tại mỗi vùng sản xuất các thôn thành lập Tổ thủy nông nội đồng.

Ông Hồ Hoàn Kiếm, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những giải pháp quan trọng để có một vụ sản xuất an toàn, hiệu quả. Nhờ địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nên bà con đã hưởng ứng tích cực. Những cây trồng như bưởi da xanh, mãng cầu, xoài… đều có giá trị kinh tế cao nên tăng thu nhập, giúp người dân ổn định cuộc sống.