DẤU ẤN THU HÚT ĐẦU TƯ VÀO NINH THUẬN

Bài 1: Chủ động đổi mới công tác thu hút đầu tư

Sau nhiều nỗ lực, đến nay công tác thu hút đầu tư của tỉnh ta đã tạo nên luồng sinh khí mới, làn sóng đầu tư mới. Nhờ đó, đã thu hút được các tập đoàn, tổng công ty lớn có thương hiệu, có năng lực, uy tín trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực đột phá, trụ cột góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đạng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra.

Xác định vai trò đóng góp của cộng đồng các doanh nghiệp và nhà đầu tư có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng đối với nền kinh tế; trong những năm gần đây, tỉnh ta đã chủ động đổi mới công tác xúc tiến, mời gọi đầu tư theo hướng có tính chiều sâu để chọn lựa những nhà đầu tư có quyết tâm và năng lực tốt nhất.

Đồng chí Phạm Đồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Điểm mới trong thu hút đầu tư là tỉnh ta đã xây dựng các tiêu chí lựa chọn để chủ động tiếp cận và kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực. Bên cạnh đó, tỉnh còn chủ động rà soát các quy hoạch, xây dựng quy hoạch về năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời cũng như điều chỉnh các quy hoạch liên quan như quy hoạch sử dụng đất để công khai thu hút đầu tư. Nhờ đó, thời gian cấp quyết định chủ trương đầu tư, triển khai dự án được rút ngắn, nhất là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Thi công Dự án Nhà máy điện mặt trời Bim 2, xã Phước Minh (Thuận Nam). Ảnh: V.M

Với phương châm “không ngồi chờ doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm đến”, những năm gần đây, ngoài việc tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tại tỉnh, UBND tỉnh còn phối hợp tổ chức nhiều Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, qua đó các doanh nghiệp, nhà đầu tư đều đánh giá tiềm năng của Ninh Thuận như một “kho vàng trên cát” mà ở đó càng khai thác càng tạo ra giá trị lớn và không có giới hạn. Đặc biệt, thông qua con đường ngoại giao giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh đã chủ động gặp gỡ, giới thiệu, mời gọi các nhà đầu tư của nhiều nước trên thế giới tham gia tìm hiểu, đầu tư vào những ngành, lĩnh vực có thế mạnh của Ninh Thuận. Cụ thể, vào đầu năm 2018, tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã trao chứng nhận đầu tư dự án điện gió có công suất 100 MW cho Tập đoàn Adani, Jayan Parimal của Ấn Độ.

Dấu ấn quan trọng thể hiện rõ việc đổi mới và khát vọng trong thu hút đầu tư của Ninh Thuận đó là giữa năm 2018 vừa qua, tỉnh đã mở rộng Hội nghị xúc tiến đầu tư sang Hàn Quốc. Tại hội nghị này, đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành đã gặp gỡ, trao đổi với nhiều Tập đoàn kinh tế lớn ở Thủ đô Seuol và 3 thành phố ở các tỉnh phía Nam của Hàn Quốc là BuAn, Gunsan và Naju để cung cấp những thông tin đầy đủ nhất về tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư và thảo luận sâu nhiều nội dung mong muốn hợp tác trên các lĩnh vực Ninh Thuận có thế mạnh như: Phát triển dịch vụ nghề cá; năng lượng tái tạo, điện khí; du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe; ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo; phát triển các trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, mô hình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại chỗ để phục vụ nhu cầu phát triển trong tương lai cho cả Việt Nam và khu vực. Qua đó đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc.

Dự án Điện gió Đầm Nại giai đoạn 1 đã hòa điện lưới quốc gia. Ảnh: Anh Tuấn

Ông Roh Soon Chang, Giám đốc Công ty TNHH Roh Moto – Hàn Quốc cho biết: Công ty chúng tôi đang có kế hoạch muốn xây dựng Nhà máy sản xuất mô-tơ cảm biến và mô-tơ sử dụng nam châm vĩnh cửu tại tỉnh Ninh Thuận. Vì ở đây có môi trường đầu tư tốt, lãnh đạo tỉnh rất thân thiện, cởi mở và nhiệt tình, chúng tôi muốn mang công nghệ mô-tơ cảm biến của Hàn Quốc tới Ninh Thuận để sản xuất và xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Còn ông Jay Seung Min, Im - Giám đốc Công ty TNHH sản xuất Kim Chi - International – Hàn Quốc chia sẻ: Chúng tôi đang đến tỉnh Ninh Thuận để chuẩn bị cho việc thành lập Nhà máy sản xuất Kim Chi tại đây, vì chất lượng ớt trồng ở Ninh Thuận tạo ra sản phẩm Kim Chi có chất lượng tương đồng với sản phẩm Kim Chi được sản xuất tại Hàn Quốc. Sau khi nhà máy hoàn thành đi vào hoạt động, chúng tôi không chỉ khai thác thị trường nông sản của tỉnh và các khu vực lân cận như: Bình Thuận, Đà Lạt để tạo ra sản phẩm Kim Chi cung cấp cho thị trường Việt Nam mà còn xuất khẩu trở lại Hàn Quốc.

Nhìn lại kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm qua cho thấy, trong bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế, công tác thu hút đầu tư nổi lên như một gam màu tươi sáng và tạo dấu ấn đậm nét. Từ sự đột phá của công tác thu hút đầu tư đã kéo theo sự thành công mang tính toàn diện trong năm 2018, đó là lần đầu tiên sau nhiều năm tỉnh ta hoàn thành vượt mức 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, thu ngân sách đạt gần 3.000 tỷ đồng đã giúp Ninh Thuận hoàn thành mục tiêu trước 2 năm so với kế hoạch của cả nhiệm kỳ 5 năm (2015-2020).

--------------

(MỜI XEM TIẾP KỲ SAU)

Bài 2: Từ sự quan tâm đầu tư thành dự án thực tế.