Sắc xuân ở các xã nông thôn mới

(NTO) Mùa xuân năm nay, cùng gia đình tham quan các làng quê từ miền núi, vùng cao đến vùng đồng bằng, ven biển, chúng tôi cảm thấy rất vui mừng khi tận mắt chứng kiến những con đường nông thôn, đường nội đồng trải bê tông hoặc láng nhựa phẳng phiu.

Thử vào các khu vực canh tác nông nghiệp, chúng tôi còn ghi nhận được hình ảnh những dòng kênh mương trong xanh chảy lững lờ giữa đôi bờ được xây kiên cố. Với những công trình hạ tầng thiết yếu được đầu tư, bộ mặt nông thôn tỉnh nhà đang đổi mới từng ngày.

Theo Văn phòng Điều phối Ban Chỉ đạo Xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh, tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, các ngành, các cấp ở tỉnh ta đang quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia. Để thực hiện chương trình, năm 2018 tỉnh bố trí tổng nguồn vốn là 109,8 tỷ đồng, trong đó một nửa là ngân sách Trung ương và một nửa là ngân sách địa phương. Trên cơ sở nguồn vốn được phân bổ, các địa phương đã cơ bản hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định và triển khai thực hiện bố trí vốn xây dựng 70 công trình hạ tầng kinh tế-xã hội, gồm: 44 công trình giao thông nông thôn; 3 công trình thủy lợi; 5 công trình đài phát thanh xã; 2 công trình điện; nâng cấp, sửa chữa 9 trung tâm văn hóa - thể thao thôn, xã; 3 trường học; 2 trạm y tế và 2 chợ nông thôn. Ngoài nguồn vốn trực tiếp từ chương trình NTM, các địa phương còn lồng ghép nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và các chương trình, dự án khác trên địa bàn để hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho các xã, làm cho bộ mặt nông thôn tỉnh nhà ngày một khang trang, hiện đại, sạch đẹp hơn.

Xã Phước Hữu (Ninh Phước) ngày càng đổi mới. Ảnh: Văn Miên

Theo đồng chí Phan Hữu Đức, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, qua 3 năm (2016 - 2018) thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã triển khai thực hiện đạt được những kết quả bước đầu có ý nghĩa quan trọng. Cụ thể, hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Mặt trận các cấp đã vận động nhân dân ở các khu dân cư tự nguyện đóng góp trên 49 tỷ đồng, hiến tặng hàng trăm ngàn mét vuông đất, đá, vật tư các loại để bê tông 1.098 km kênh mương nội đồng, 52 km đường giao thông nông thôn, làm 5 chiếc cầu qua suối, lắp đặt 1.573 đèn chương trình “Thắp sáng đường quê”.Ông Đặng Quý, Trưởng thôn kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Thái Hòa, xã Phước Thái (Ninh Phước), chia sẻ: Nhờ người dân đồng thuận, hưởng ứng tích cực nên việc bê tông hóa đường giao thông và kênh mương nội đồng, lắp đèn chiếu sáng ở Thái Hòa rất thuận lợi. Qua tuyên truyền, vận động của Ban công tác Mặt trận thôn, nơi đây đang trở thành một làng quê điển hình có những đổi thay nhanh chóng.

Xã Lợi Hải (Thuận Bắc) quy hoạch cánh đồng Rẫy Sở thuộc thôn Kiền Kiền 1
làm cánh đồng lớn 10 ha trồng măng tây xanh.

Có thể nói, thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với phong trào “Toàn dân chung sức xây dựngnông thôn mới”, “Dân vận khéo” và các phong trào của các đoàn thể, đã tạo sức lan tỏa, sự đồng thuận và không khí thi đua sôi nổi rộng khắp trên địa bàn dân cư. Đặc biệt qua 7 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 24-5-2011 của Tỉnh ủy về “tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới đến năm 2020”, đã đạt được nhiều kết quả tích cực quan trọng. Trong giai đoạn 2011-2017, từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp 125,85 tỷ đồng của chương trình, tỉnh ta ưu tiên xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất và các công trình phúc lợi công cộng. Ngoài ra, bằng việc lồng ghép các nguồn vốn khác và vốn vay tín dụng ưu đãi, các địa phương đã cứng hóa gần 458,5 km đường giao thông nông thôn và kiên cố hóa gần 53,5 km kênh nội đồng.

Tại huyện Thuận Bắc, chúng tôi ghi nhận được những chuyển biến tiến bộ về xây dựng NTM. Theo đồng chí Trần Quốc Sanh, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Thuận Bắc, trong 7 năm qua bằng việc lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn với tổng vốn trên 1.039,55 tỷ đồng, Thuận Bắc đã đầu tư khởi công xây mới hàng chục công trình hạ tầng kinh tế-xã hội thuộc các lĩnh vực: Giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, môi trường và hạ tầng khác. Riêng về giao thông, đã tăng thêm khoảng 36 km đường giao thông liên thôn, đường ngõ xóm được bê tông; về thủy lợi đã kiên cố hóa 21 km kênh mương cấp 2,3. Đến Hộ Hải (Ninh Hải), xã được công nhận đạt chuẩn NTM hồi tháng 12-2016 (theo bộ tiêu chí cũ), chúng tôi cũng nhận thấy bộ mặt nông thôn tiếp tục chuyển biến mới, đời sống người dân từng bước cải thiện.

Nhìn chung, nhờ phát huy vai trò chủ thể của người dân, bộ mặt nông thôn trong tỉnh đã ngày một khang trang, hiện đại, sạch đẹp hơn. Nếu so sánh hình ảnh đổi mới nông thôn hiện nay với tiêu chí xây dựng NTM theo chuẩn mới, có thể thấy nông thôn tỉnh ta đã có nền tảng vững chắc. Dù còn nhiều khó khăn phải vượt qua, song từ kinh nghiệm có được, tin rằng các xã sẽ tích cực huy động, khai thác hiệu quả các nguồn lực xã hội đóng góp để xây dựng nông thôn hiện đại, góp phần phát triển quê hương Ninh Thuận giàu đẹp, hướng tới mục tiêu phấn đấu năm 2020 có 50% số xã NTM, xây dựng 1-2 huyện NTM và 1-2 thôn NTM kiểu mẫu.