Vùng nguyên liệu mía Ninh Sơn có thể bị thu hẹp!

(NTO) Điều này hoàn toàn có khả năng xảy ra đối với vùng nguyên liệu mía trọng điểm Ninh Sơn trong một vài năm tới, khi giá mía ngày càng thấp, các chi phí phụ lại tăng cao, thực trạng nông dân bỏ hàng trăm hecta mía sang trồng mì và các loại cây trồng khác đã xảy ra.

Mới đây, Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa – Phan Rang đã có thông báo về giá cả và lịch mở máy ép thu mua niên vụ mía 2018-2019 trên địa bàn tỉnh ta. Theo đó, giá mua mía tươi tại ruộng ở mức 700.000 đồng/tấn (mía 10 chữ đường), như vậy sẽ giảm hơn 100.000 đồng/tấn so với vụ trước. Theo ông Bùi Quang Hà, Phó Giám đốc phụ trách nguyên liệu Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa – Phan Rang, mức giá công ty đưa ra dựa theo biến động của giá đường trên thị trường, hiện giá đường tinh luyện đang xuống thấp và dự báo sẽ còn giảm nên mức giá năm nay đã được cân nhắc rất kỹ. “Hiện nay một số nhà máy các khu vực tỉnh lân cận cũng chỉ thu mua với mức giá này hoặc có nhà máy chỉ nhích hơn 200 đồng/tấn, bên cạnh mức giá 700.000 đồng/tấn mía, trong kế hoạch thu mua đầu vụ chúng tôi sẽ hỗ trợ thêm nông dân 15.000 đồng/tấn”-ông Hà cho biết thêm.

Nông dân huyện Ninh Sơn thu hoạch mía.

Giá mía thấp, các khoản chi phí phụ tăng cao và đặc biệt năng suất cây mía những năm gần đây không đạt đã khiến nhiều nông dân ngao ngán, phá bỏ trồng cây khác. Ông Nguyễn Thoại, nông dân thôn Triệu Phong 1, xã Quảng Sơn cho biết: Gia đình trồng 5ha mía trong vụ này, tuy nhiên đến khoảng tháng 9 vừa qua gần 3ha mía không phát triển nên đã phá bỏ trồng cây mỳ, còn lại khoảng 2ha mía gần 12 tháng nhưng thân mía lóng chưa đến 0,5m. Tôi đã bỏ 3 đợt phân hơn 40 triệu đồng, chưa kể tiền thuê công chăm sóc, năm nay mía xem như mất mùa, giá thu mua có cao hơn nữa cũng chắc chắn không thu lại vốn. Nông dân Trần Đức Trị, thôn Thạch Hà 2 giãi bày: Hiện tôi đang rao bán gần 5ha đất trồng mía của gia đình hơn chục năm nay để tính chuyển sang trồng cây khác. Lý giải việc này, ông cho biết những năm gần đây cây mía đầu tư hoàn toàn không có lãi, thậm chí lỗ nặng. Những lý do ông Trị đưa ra hoàn toàn có cơ sở, đó là: giá mía ngày càng xuống thấp; năng suất mía ngày càng giảm; chữ đường mía vùng Ninh Sơn đạt trung bình chỉ từ 8 – 9 chữ đường; có khu vực thậm chí chỉ đạt 6 – 7 chữ; công chặt ngày càng cao. “Với mức giá 700.000/tấn như hiện nay, mía nông dân đạt 8 chữ đường thì bán được với giá còn lại 560.000 đồng /tấn; trong khi đó công chặt mất thêm từ 180.000 đồng-220.000 đồng/tấn, chưa kể các khoản phụ khác. Như vậy, thực chất giá mía nguyên liệu nông dân thu được sau khi bán chỉ trên dưới 400.000 đồng/tấn” - ông Trị đặt phép tính so sánh.

Theo nhiều nông dân, thì việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất cây mía trên địa bàn huyện Ninh Sơn hiện nay là một trong những giải pháp để giảm các chi phí trong đầu tư. Tuy nhiên, với thổ nhưỡng và địa hình đất đai tại các khu vực canh tác mía của Ninh Sơn là rất khó để áp dụng.

Theo ông Lê Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng sơn, địa phương “thủ phủ” mía của cả tỉnh: Riêng niên vụ mía 2018 – 2019 toàn xã đã có hơn 700 ha mía bị nông dân phá bỏ chuyển sang canh tác cây mỳ, một số ít trồng khoai lang. Hiện chỉ còn khoảng 1.600 ha so với 2.300 ha như mọi năm. Với giá mía như hiện nay và việc hơn 70% diện tích mía của xã nằm trong vùng chờ nước trời thì trong một vài năm nữa chắc chắn diện tích mía của địa phương sẽ tiếp tục bị thu hẹp.

Cùng quan điểm trên, ông Văn Hữu Thận, Phó Giám đốc phụ trách công tác đối ngoại của Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa – Phan Rang cho rằng: Nguy cơ vùng nguyên liệu mía tại tỉnh Ninh Thuận bị thu hẹp thời gian tới hoàn toàn có thể xảy ra, bởi trước khó khăn chung của ngành Mía đường thì khó thể tránh việc nông dân bỏ mía trồng mỳ. Do đó chính sách đầu tư mới trong niên vụ 2019-2020 và những năm tiếp theo, công ty đã xây dựng kế hoạch, chính sách hỗ trợ cùng chính quyền và nông dân tháo gỡ khó khăn để phát triển bền vững vùng mía của tỉnh. Theo đó, mục tiêu chính vẫn là xây dựng các cánh đồng lớn để đưa cơ giới hóa vào canh tác, áp dụng các mô hình tưới tiết kiệm, năng lượng mặt trời để giảm thiểu các chi phí đầu tư cho nông dân.

Trong những năm gần đây vùng nguyên liệu mía của tỉnh đã bị thu hẹp khá nhiều. Ngoài các yếu tố khách quan, thì qua thực tiễn canh tác cho thấy, vùng nguyên liệu mía hiện vẫn đang sản suất theo hộ gia đình, nhỏ lẻ là nguyên nhân lớn dẫn đến việc hạn chế đầu tư xây dựng hạ tầng, áp dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa trong trồng trọt, chăm sóc và thu hoạch mía. Đó cũng là nguyên nhân khiến năng suất, chất lượng mía ngày càng giảm. Rõ ràng, để tiếp tục phát triển nguồn nguyên liệu mía bền vững của tỉnh ta trong năm tới, để nông dân tiếp tục bám trụ vào cây mía dài lâu thì cần sự chung tay, liên kết chặt chẽ hơn nữa để tháo gỡ khó khăn của nhiều phía, từ các cấp ngành đến phía nhà máy và nông dân.