Đối thoại toàn quốc - nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng “Áo vàng” của Chính phủ Pháp

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (Em-ma-nuy-en Ma-crông) vừa khởi động cuộc đối thoại quốc gia đầu tiên trong lịch sử nền Cộng hòa Pháp trong bối cảnh nước Pháp đang rơi vào khủng hoảng với những cuộc biểu tình lớn đi liền với bạo lực do phong trào "Áo vàng" tổ chức vào mỗi cuối tuần từ 2 tháng nay. Đây được coi là nỗ lực của chính phủ Pháp nhằm chấm dứt khủng hoảng do những rạn nứt lớn đang gây chia rẽ đất nước.

Chính thức phát động cuộc đối thoại toàn quốc

Phát biểu trước hơn 600 thị trưởng vùng Normandie tại thành phố Grand Bourgtheroulde (tỉnh Eure miền Bắc nước Pháp) chiều 15-1-2019, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã khẳng định sự cần thiết phải phản đối bạo lực cũng như phải phản đối sự mị dân. Ông Macron đã chỉ rõ 4 "rạn nứt" lớn ông phải đối mặt trong nhiệm kỳ 5 năm của mình đó là sự rạn nứt liên quan đến các vấn đề xã hội, lãnh thổ, kinh tế và dân chủ.

Trước những chỉ trích vì đã loại bỏ mọi ý định muốn khôi phục thuế đánh vào tài sản người giàu, Tổng thống Macron cho biết không có vùng cấm cho các câu hỏi. Trong khuôn khổ cuộc đối thoại toàn quốc, Tổng thống Macron đã đưa ra 35 câu hỏi mà ông cho rằng có câu trả lời chắc chắn. Ông không loại trừ khả năng sẽ có nhiều chủ đề khác được đề cập đến và hứa sẽ "xử lý" kịp thời.

Tổng thống Macron đặt rất nhiều hy vọng vào cuộc đối thoại toàn quốc này, cùng những bài học kinh nghiệm mà ông sẽ rút ra từ đó. Ông Macron không cho rằng "Áo vàng" là một phong trào xã hội kiểu mới, mà người ta sẽ đợi cho đến khi nó suy thoái và cuộc sống sẽ tiếp tục nhịp điệu bình thường. Ông nhấn mạnh đây là cơ hội “để chúng ta có thể phản ứng một cách mạnh mẽ và sâu sắc hơn”.

Tối 13-1 vừa qua, Tổng thống Macron đã gửi cho toàn thể nhân dân Pháp một bức thư dài để khởi động một cuộc đối thoại toàn quốc, bắt đầu từ ngày 15-1. Trong bức thư, Tổng thống Macron khẳng định cuộc đối thoại toàn quốc sẽ kéo dài đến ngày 15-3 và sẽ "không phải là một cuộc bầu cử hay một cuộc trưng cầu ý dân”. Theo ông, các đề xuất của người dân “sẽ giúp xây dựng một giao ước mới cho đất nước, cấu trúc lại hoạt động của chính phủ và quốc hội, cũng như định hình lại vai trò của nước Pháp tại châu Âu và trên trường quốc tế”. Tổng thống hứa sẽ thông báo kết quả trực tiếp tới người dân ngay sau khi kết thúc cuộc thảo luận.

Lối thoát cho cuộc khủng hoảng

Chính quyền của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất lịch sử trong suốt 20 tháng cầm quyền vừa qua. Các cuộc biểu tình "Áo vàng" bắt đầu từ ngày 17-11-2018 nhằm phản đối kế hoạch tăng thuế nhiên liệu, sau đó đã bùng lên thành một làn sóng phản đối lịch trình kinh tế của Tổng thống Macron. Dù ban đầu giữ quan điểm cứng rắn trước những yêu sách của phe "Áo vàng", nhưng tới giữa tháng 12, Chính phủ Pháp đã tuyên bố hủy kế hoạch tăng thuế nhiên liệu và cam kết nâng lương tối thiểu cũng như giảm thuế với những người về hưu, song nhiều người biểu tình cho rằng chính phủ cần có những thay đổi sâu rộng hơn trong chính trị và kinh tế, vốn được nhìn nhận là mang lại lợi ích cho người giàu. Tính từ tháng 11 đến nay, cảnh sát đã bắt giữ 5.339 người biểu tình quá khích.

Sau đợt biểu tình cuối tuần lần thứ 9 vào ngày 12-1 vừa qua của phong trào “Áo vàng” tuy ít bạo lực hơn nhưng lại huy động nhiều người tham gia hơn dự kiến, Tổng thống Macron đang “đặt cược” vào cuộc đối thoại và tham vấn ý kiến người dân để giải quyết cuộc khủng hoảng và "biến những cơn giận dữ thành các giải pháp".

Có thể nói, sau những nhượng bộ nhằm xoa dịu làn sóng biểu tình của phong trào “Áo vàng” khi tuyên bố hủy kế hoạch tăng thuế nhiên liệu và cam kết nâng lương tối thiểu cũng như giảm thuế với những người về hưu, với việc đề xuất và tổ chức cuộc đối thoại toàn quốc này Tổng thống Macron đã mở ra cơ hội để trực tiếp lắng nghe và cùng người dân tìm cách tháo gỡ vướng mắc. Với hình thức tổ chức được đánh giá là bao quát và công khai, cuộc đối thoại được coi là lối thoát cho cuộc khủng hoảng “Áo vàng”, đồng thời có thể giúp khôi phục lòng tin của người dân vào chính quyền.

Từ lúc xảy ra cuộc khủng hoảng “Áo vàng” cho đến khi cuộc khủng hoảng này diễn biến phức tạp, Tổng thống Pháp Macron đã thừa nhận sự thất vọng của người dân mà những người biểu tình “Áo vàng” là đại diện, cố gắng thay đổi phong cách lãnh đạo, mà cuộc đối thoại toàn quốc chính là việc làm cụ thể. Cuộc đối thoại toàn quốc mới chỉ bắt đầu và sau đó là chính quyền của Tổng thống Pháp sẽ phải xem xét các đề xuất từ cuộc đối thoại và thực hiện những đề xuất này. Và điều đương nhiên là Tổng thống sẽ phải điều chỉnh định hướng chính sách trong ba năm còn lại của nhiệm kỳ. Tuy nhiên nếu đặt giả thiết chính quyền Pháp không chấp nhận các đề xuất của người dân sau cuộc đối thoại toàn quốc kéo dài 2 tháng hay đơn giản chỉ coi cuộc đối thoại này là giải pháp tạm thời để đối phó với tình thế hiện tại, Tổng thống Pháp sẽ nhận “hậu quả” rất lớn khi trong cuộc bầu cử nghị viện châu Âu vào tháng 5 tới, khả năng lực lượng dân túy, cực hữu của bà Marine Le Pen (Ma-rin Lơ Pen), đối thủ đã thất bại trước Tổng thống Macron trong cuộc đua tới Điện Elysee năm 2017 sẽ giành phần thắng.

Có thể khẳng định rằng cuộc đối thoại toàn quốc dù là nỗ lực của chính quyền Pháp nhằm tìm một lối thoát tạm thời cho khủng hoảng “Áo vàng” hay quyết tâm điều chỉnh định hướng chính trị, thì kết quả của cuộc đối thoại này không chỉ quyết định đến sự thành bại đối với nhiệm kỳ của Tổng thống Macron, mà còn ảnh hưởng lớn tới tương lai nước Pháp.