Thực phẩm “nhà làm” hút khách dịp tết

(NTO) Trước nỗi lo thực phẩm, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, nhiều người chọn mua sản phẩm “nhà làm” (hay còn gọi là handmade) của những người quen biết, phục vụ nhu cầu trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến.

Đa dạng, phong phú các mặt hàng

Ngoài hình thức bán hàng thông dụng như chợ, cửa hàng, thì kênh mua bán sản phẩm “handmade” trên các trang mạng luôn được nhiều người quan tâm. Dạo quanh một vòng trên các “chợ online” dễ dàng bắt gặp nhiều mặt hàng từ thịt, cá, gà... “nhà nuôi” đến các sản phẩm chế biến như giò, chả, bánh mứt… “nhà làm” được rao bán. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, các sản phẩm handmade được biến tấu với nguyên liệu và cách chế biến mới lạ hơn. Hiểu “trúng” tâm lý muốn có món ăn “độc đáo” để đãi khách ngày tết của nhiều khách hàng, năm nay chị Cao Ngọc Huyên, xã Thành Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) mạnh dạn tung ra các món mới do chính tay chị làm như bánh chưng hạt điều, bánh tét ba màu hay gà rút xương nhồi jambong...Chị cho biết: Mặc dù sản phẩm mới “ra mắt” nhưng nhờ uy tín bấy lâu nên đến nay đã có khá nhiều đơn đặt hàng từ bạn bè, người quen.

Mứt dừa ngũ sắc của chị Bùi Thị Thủy làm được rao bán trên mạng xã hội.

Nhìn chung, các mặt hàng handmade đều được quảng cáo bằng những hình ảnh bắt mắt, gắn với các từ khóa như “thực phẩm quê an toàn”, “không chất phụ gia, chất bảo quản” , “nhà làm, uy tín”...So với các sản phẩm cùng loại ở cửa hàng, siêu thị thì giá thực phẩm “nhà làm” thường đắt hơn, nhưng vẫn được người tiêu dùng chấp nhận vì được tin tưởng về nguồn gốc thực phẩm cũng như cách thức chế biến.

Hầu hết khách hàng chọn thực phẩm handmade là muốn thưởng thức món ngon, hợp vệ sinh, không chất bảo quản, do vậy người bán cần tạo đủ niềm tin, uy tín với khách. Với kinh nghiệm hơn 3 năm bán mứt dừa ngũ sắc “nhà làm” trên mạng, chị Bùi Thị Thủy, phường Phước Mỹ (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) chia sẻ: Để khách hàng tin tưởng vào quy trình chế biến sạch, tôi thường quay các clips về quy trình chế biến từng sản phẩm rồi công khai lên mạng để người mua an tâm về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặc dù mới đầu tháng Chạp nhưng đến nay tôi đã xuất bán gần 100 kg mứt dừa ngũ sắc, phục vụ trong dịp Tết sắp đến”.

Ngoài những thực phẩm truyền thống cho ngày tết, một số mặt hàng tươi sống như thịt heo đen, cá đánh lưới, mực câu...cũng được nhiều người săn lùng với tiêu chí sạch, ngon, tươi. Không mua thịt heo ở chợ như mọi năm, năm nay chị Nguyễn Thị Hoa Huệ, phường Tấn Tài (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) rủ thêm một số anh em cùng chung nhau mua heo đen của người quen nuôi, chia nhau trong dịp Tết. Mặc dù giá cả cao hơn, lại tốn công làm thịt nhưng để được ăn đồ sạch, đảm bảo, nên nhiều người cũng chấp nhận.

Khó kiểm soát chất lượng

Với ưu điểm nguồn gốc, quy trình sản xuất rõ ràng, chất lượng sản phẩm hợp khẩu vị nên thực phẩm “nhà làm” ngày càng được nhiều người ưa chuộng, đặt hàng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số người kinh doanh đồ ăn homemade ở quy mô nhỏ, vì thường bán thông qua kênh bạn bè, gia đình, người quen… và được “chứng nhận” bằng mắt thấy, tai nghe. Do vậy, mức độ an toàn thực phẩm trong các sản phẩm làm theo kiểu truyền thống cũng còn tùy thuộc vào sự cẩn thận và có tâm của người làm. Sản phẩm “nhà làm” không sử dụng các chất phụ gia, chất bảo quản mà sử dụng các hương liệu thiên nhiên. Do vậy, trong quá trình chế biến, những yếu tố như dụng cụ chứa đựng nguyên liệu không đảm bảo, bảo quản sản phẩm không tốt, môi trường chế biến không sạch sẽ...thì nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm có thể xảy ra. Đặc biệt là các thực phẩm như bò khô, gà khô, chà bông, nem, chả... Thực tế, cái khó hiện nay là các thực phẩm “nhà làm” chỉ làm trong dịp Tết theo đơn đặt hàng, nhỏ lẻ nên không thể đăng ký kinh doanh. Vì vậy, cơ quan chức năng cũng không có căn cứ để kiểm tra về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Những món ăn ngon, an toàn, chất lượng... luôn là tiêu chí hàng đầu cho mùa sum họp gia đình vào dịp Tết đến, xuân về. Để đảm bảo an toàn, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ quy trình sản xuất, lựa chọn những địa chỉ uy tín, tránh mua nhầm hàng kém chất lượng mà “tiền mất tật mang”.