Nâng tầm thương hiệu nhóm sản phẩm đặc thù về vật nuôi

(NTO) Năm 2018, với sự nỗ lực của ngành chức năng, các địa phương trong việc khảo sát, đánh giá tình hình sản xuất nông nghiệp, qua đó tham mưu UBND tỉnh lựa chọn 3 sản phẩm đặc thù về vật nuôi của vùng đất nắng gió (tôm giống, dê và cừu) để ưu tiên đầu tư phát triển, nâng tầm thương hiệu, khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Cả 3 sản phẩm đều đạt các tiêu chí về lịch sử phát triển, danh tiếng chất lượng, quy mô thị trường, quy mô phát triển, an toàn và thân thiện với môi trường. Đối với sản xuất tôm giống, tỉnh ta được biết đến là vùng đất hội tụ các điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển thành trung tâm của cả nước với năng lực bình quân 30 tỷ con tôm giống/năm, cung cấp cho khoảng 30% nhu cầu nuôi của cả nước. Hướng tới phát triển bền vững, tỉnh quy hoạch Khu sản xuất giống thủy sản tập trung ở xã An Hải (Ninh Phước) và Nhơn Hải (Ninh Hải) với tổng diện tích 225 ha, thu hút hàng trăm doanh nghiệp đến tìm cơ hội làm ăn lâu dài. Trong số gần 500 trại sản xuất tôm giống, có nhiều cơ sở quy mô lớn, sử dụng thiết bị hiện đại, quy trình kỹ thuật nuôi tiên tiến, đáp ứng theo tiêu chí VietGAP. Sản phẩm tôm giống của các cơ sở làm ra chất lượng cao, bảo đảm nhu cầu nuôi thâm canh tăng năng suất. Ngành sản xuất tôm giống đang không ngừng phát triển khi hiện nay có nhiều doanh nghiệp lớn tầm cở quốc tế, như: Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty TNHH Uni-President Việt Nam, Công ty TNHH Grobest&Imei, Công ty TNHH Giống thủy sản Hisenor… chọn tỉnh ta để đầu tư, mở rộng quy mô, lắp đặt thiết bị hiện đại để năng cao năng lực, hiệu quả sản xuất.

Sản phẩm thịt cừu của Cơ sở Kinh doanh dê - cừu Triệu Tín áp dụng quy trình
giết mổ GMP đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Còn nghề nuôi cừu ở tỉnh ta có bề dày lịch sử từ hàng trăm năm, do người Ấn Độ mang tới. Trải qua nhiều thăng trầm, chịu đựng quen với sinh thái đặc thù của vùng nắng, gió, thịt cừu mang đậm dấu ấn riêng, thơm ngon và nhiều chất dinh dưỡng. Yếu tố làm nên thương hiệu thịt cừu Ninh Thuận được cả nước biết đến là nhờ chăn thả trong tự nhiên, trên các bãi đất trống, đồi núi, sườn núi, nơi có nhiều thảo mộc hoang dại. Hiện nay, sản phẩm thịt cừu được tiêu thụ hầu hết các tỉnh thành trong cả nước, mỗi ngày cung cấp cho thị trường hàng tấn thịt đã qua chế biến. Theo định hướng của ngành Nông nghiệp, giai đoạn từ nay đến năm 2020 tập trung phát triển đàn cừu với quy mô lớn, lên đến 190.000 con, sản lượng thịt đạt 9.000 tấn.

Cũng có nét tương đồng với cừu, trải qua thời gian dài thích nghi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, loài dê ngày nay được hình thành mang những đặc điểm rõ rệt cả về hình thái lẫn sinh học thích ứng với vùng đất khô nóng. Dê Ninh Thuận nổi tiếng có thể kiêm dụng cả thịt lẫn sữa, sinh trưởng và phát triển nhanh. Hiện tại, toàn tỉnh có tổng đàn dê lớn nhất trong cả nước, với số lượng khoảng 130.000 con. Nhờ được chăn thả trong môi trường tự nhiên, nguồn thức ăn đa dạng theo mùa; trong đó, có 50% là cây thuốc quý, nên thịt dê luôn có màu đỏ tươi, thơm và rất ngọt. Dê Ninh Thuận đã được xây dựng và cấp bằng bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận tại Quyết định số 73866/QĐ-SHTT ngày 24-10-2017 của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), các cở sở kinh doanh sản xuất, chế biến thịt dê đều triển khai áp dụng mã số, mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm, áp dụng các quy định quản lý về thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm, nên được khách hàng tin dùng.

Để nâng tầm thương hiệu nhóm sản phẩm đặc thù về vật nuôi, tạo ra giá trị gia tăng, góp phần vào phát triển kinh tế- xã hội, tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương xây dựng chiến lược phát triển ngành chăn nuôi theo hướng hình thành ngày càng nhiều các trang trại, mở rộng diện tích trồng cỏ, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Với hoạch định chiến lược rõ ràng, tin tưởng ngành chăn nuôi, nhất là nhóm sản phẩm đặc thù sẽ phát triển lên tầm cao mới.