Ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa X: Thảo luận, cân nhắc nhiều vấn đề

Ngày 5-12, Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2016 - 2021 bước vào ngày làm việc thứ 2.

Mở đầu phiên họp, các đại biểu đã nghe công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu. Tiếp đó, nghe lãnh đạo các sở, ngành và Thường trực HĐND tỉnh báo cáo 8 tờ trình dự thảo đề nghị ban hành các Nghị quyết, gồm: Tờ trình đề nghị Quy định chính sách đặc thù hỗ trợ học phí, chi phí học tập cho trẻ em học mẫu giáo và học sinh giáo dục phổ thông thuộc diện hộ cận nghèo ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh; Tờ trình đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2017 – 2020 trên địa bàn tỉnh; Tờ trình đề nghị bổ sung một số điều của Nghị quyết số 43/2017/NQ-NĐND ngày 11-12-2017 của HĐND tỉnh về quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016-2025; Tờ trình đề nghị quy định giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 – 2020; Tờ trình đề nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Tờ trình đề nghị thống nhất các nội dung do Thường trực HĐND tỉnh cho ý kiến giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp thường lệ năm 2018 (kỳ họp thứ 6, thứ 8) HĐND tỉnh khóa X; Tờ trình đề nghị thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về lập, phê duyệt, thực hiện và quản lý quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2018 trên địa bàn tỉnh” và Tờ trình đề nghị ban hành Kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ năm 2019 của HĐND tỉnh khóa X nhiệm kỳ 2016 – 2021. Đồng thời, nghe lãnh đạo Ban Kinh tế - Ngân sách và Ban Dân tộc HĐND tỉnh báo cáo kết quả thẩm tra tờ trình dự thảo đề nghị ban hành các nghị quyết nêu trên.

Đại biểu Phan Hữu Đức, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh điều hành
tổ thảo luận số 1 góp ý kiến cho các dự thảo nghị quyết.

Kết thúc phần trình bày tờ trình dự thảo nghị quyết, các đại biểu chia thành 4 tổ để thảo luận về các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư phát triển, ngân sách; tình hình triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh; kết quả giám sát các chuyên đề và cho ý kiến đối với 27 dự thảo nghị quyết sẽ được thông qua trong kỳ họp lần này. Nhìn chung, tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu cơ bản nhất trí với báo cáo của UBND tỉnh. Tuy nhiên, có một số đại biểu cho rằng, trong tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2018 thì tăng trưởng của ngành Nông nghiệp chỉ mới đạt 13% (kế hoạch 16-17%). Do đó, để thực hiện đạt chỉ tiêu tăng trưởng trong năm 2019, ngoài các nhiệm vụ, nhóm giải pháp đã nêu trong báo cáo, UBND tỉnh cần chỉ đạo quyết liệt tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho nông dân. Đối với phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, các đại biểu đề nghị UBND tỉnh cần chú trọng lựa chọn các nhà thầu có đủ năng lực trong đầu tư; tính toán giải pháp ổn định đời sống, sản xuất đối với người dân ở các vùng thu hồi đất để thực hiện dự án; đồng thời có nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường của các dự án điện gió, điện mặt trời. Việc thực hiện thu hồi đất, quản lý đất đai cần thực hiện công khai, minh bạch, tránh xảy ra tình trạng giá đất ảo quá cao so với thực tế; tránh tình trạng người dân ở các vùng nông thôn thiếu đất ở. Trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cần đánh giá nguyên nhân của việc chửng lại; xác định rõ huyện nào sẽ đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong năm 2019 để tập trung đầu tư nguồn lực và vận động nhân dân cùng thực hiện. Sớm thực hiện quy hoạch nuôi chim yến và tăng cường các biện pháp quản lý ngư trường, nhất là khai thác bằng chất nổ...

Về góp ý cho các tờ trình, đề án của Thường trực HĐND, UBND và các Ban HĐND tỉnh trình tại kỳ họp, vấn đề được các đại biểu đề cập nhiều tại phiên thảo luận tổ, đó là việc quy định một số chế độ đặc thù đối với cán bộ, giáo viên và học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn; Quy định chính sách hỗ trợ thực hiện thí điểm Chương trình “Sữa học đường” trên địa bàn huyện Bác Ái, giai đoạn 2019-2020 và việc giao biên chế, phân bổ chỉ tiêu hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP tại các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2019… Đa số đại biểu cho rằng, việc ban hành các nghị quyết trên là phù hợp tình hình thực tế, nhưng để đảm bảo tính khả thi, tỉnh cần đề ra các giải pháp căn cơ, lâu dài, xây dựng lộ trình huy động nguồn lực, có sự quản lý giám sát, kiểm tra việc thực hiện. Trong đó, việc quy định chính sách hỗ trợ thực hiện thí điểm Chương trình “Sữa học đường” trên địa bàn huyện Bác Ái cần làm rõ các đối tượng được áp dụng, cũng như sửa đổi lộ trình thực hiện theo hướng thực hiện đồng loạt 1 lần và áp dụng cho toàn bộ 9 xã trên địa bàn huyện thay vì thực hiện thí điểm tại 4 xã như trong dự thảo nghị quyết. Về Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, các đại biểu thống nhất quy hoạch 5 vùng, tuy nhiên cần nêu rõ giải pháp thực hiện để đạt được mục tiêu 1.000 ha sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2020 và cần có giải pháp thực hiện việc chuyển đổi cây trồng theo hướng bền vững, thiết thực, hiệu quả. Đối với dự thảo Nghị quyết danh mục các công trình, dự án thu hồi đất năm 2019, một số đại biểu cho rằng việc điều chỉnh một số dự án có chủ trương đầu tư từ năm 2015 còn đưa vào danh mục năm 2019 là không khả thi; nên có giải pháp xử lý đối với một số dự án đưa vào thu hồi đất qua nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa triển khai… Kết thúc phiên thảo luận tại tổ đã gần 40 lượt ý kiến của các đại biểu tham gia góp ý cho kỳ họp.

Phát biểu tại phiên họp thảo luận tổ, đồng chí Trần Minh Lực, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc của các đại biểu; đồng thời cho rằng đây cũng là nội dung quan trọng để đánh giá chất lượng kỳ họp và trách nhiệm của đại biểu đối với cử tri. Trên cơ sở các ý kiến được phán ánh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cần nắm bắt chuẩn bị nội dung để giải trình với đại biểu tại phiên chất vấn.