Bài học kinh nghiệm rút ra trong công tác phòng, chống mưa lũ

Theo đánh giá ban đầu của Thường trực Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 9 kết hợp với không khí lạnh đã gây mưa to, rất to, làm ngập lụt diện rộng trên địa bàn tỉnh.

Do chủ động ứng phó, toàn tỉnh không để xảy ra thiệt hại về người, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân. Công tác chỉ đạo ứng phó với bão, mưa lũ hiệu quả, đây được xem là bài học kinh nghiệm cần được duy trì, phát huy để chủ động ứng phó với thiên tai trong thời gian tới.

Ngay khi có thông tin về tình hình bão số 9 và mưa lũ sau bão dự báo có thể đổ bộ trực tiếp vào tỉnh ta, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương triển khai kịp thời, quyết liệt công tác ứng phó với bão số 9, mưa lũ. Tỉnh ủy, HĐND, UBND đã quyết định điều chỉnh lịch công tác để tập trung toàn bộ hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tham gia công tác chỉ đạo, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ. Trong đó, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành đã phân công và trực tiếp bám nắm địa bàn, trực tiếp đến những địa bàn trọng điểm nhất, khó khăn nhất để kiểm tra, chỉ đạo tất cả các lực lượng tham gia phòng chống thiên tai. Tỉnh cũng đã huy động tổng lực lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn tỉnh tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn và giúp các địa phương khắc phục hậu quả mưa  lũ.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh tham gia khắc phục hậu quả mưa lũ.

Chủ tịch UBND tỉnh đã liên tiếp có các công điện, phương án yêu cầu các ngành, địa phương chủ động các biện pháp ứng phó với bão số 9, mưa lũ. Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức thông tin, tuyên truyền, khuyến cáo ngay cho người dân về cơn bão, mưa lũ khả năng ảnh hưởng nguy hiểm do mưa to và rất to để chủ động phòng tránh và đề phòng lũ quét, sạt lở đất...; tổ chức kiểm tra thực tế tại các vùng xung yếu, trọng điểm nơi dự báo bão đổ vào, nguy cơ lũ quét, lụt lội xảy ra. Quản lý chặt chẽ tàu thuyền, các lồng bè nuôi trồng thuỷ sản. Sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, ngập lụt ở các khu vực trũng, thấp, tuyệt đối không được để xảy ra thiệt hại về người…Đặc biệt, ngay trong đêm 25-11, dự kiến lũ thượng nguồn đổ về kết hợp với triều cường dâng cao gây ngập nặng cho vùng hạ du Ninh Phước, Thuận Nam, Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Hải, tỉnh ta cũng đã di dời 3.835 hộ/ 13.725 khẩu ở vùng mất an toàn đến nơi trú ẩn an toàn; thực hiện hỗ trợ cho các hộ có nhà bị sập, nhà hư hỏng nặng. Tỉnh đã huy động lực lượng để khắc phục hệ thống hạ tầng cơ sở, đến nay đã giải quyết cơ bản đảm bảo tiếp cận giao thông, điện, thông tin liên lạc đến trung tâm các xã vùng lũ.

Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Qua mỗi lần mưa lũ xảy ra trên địa bàn tỉnh đã rút ra cho chúng ta nhiều bài học quý báu, đó là: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp từ tỉnh đến cơ sở phải luôn chủ động đi trước một bước; làm tốt công tác phòng tránh ứng phó để giảm thiểu những thiệt hại; thực hiện thật tốt công tác dự báo sớm đến cấp cơ sở, đến từng người dân; chỉ đạo sát sao từ tỉnh đến cơ sở nên đã giảm thiểu đến mức thấp nhất các thiệt hại do bão lũ gây ra. Đối với địa bàn bị ngập lụt, chia cắt do bão lũ, sạt lở đất, chúng ta đã phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ” và kinh nghiệm cho thấy là trong thời gian qua, một số địa bàn bị chia cắt, cô lập trong thời gian dài nếu chúng ta không thực hiện thật tốt phương châm “4 tại chỗ” thì sẽ gây tác động lớn và công tác khắc phục sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Vấn đề nữa đó là, địa bàn tỉnh dễ bị chia cắt khi có mưa lũ xảy ra nên chúng ta phải quan tâm làm tốt hơn nữa công tác củng cố hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông nông thôn, tăng cường kết nối các tuyến đường giao thông liên thôn; các tuyến đường chiến lược, tuyến đường cơ động để tránh tình trạng bị cô lập như hiện nay để khi có mưa bão xảy ra có thể tiếp cận thực hiện tốt công tác cứu hộ, cứu nạn, an sinh xã hội để sớm ổn định đời sống cho nhân dân. 

Tuy nhiên, qua đi kiểm tra, nắm tình hình thì một số địa phương chưa thực sự làm tốt công tác hậu cần tại chỗ, vẫn còn biểu hiện chủ quan khi mà lương thực, máy móc được trang bị và lực lượng không thiếu nhưng lại để bị động. Do vậy, trong thời gian tới, các cấp chính quyền, nhất là chính quyền cấp cơ sở phải quan tâm hơn nữa đến phát huy phương châm “4 tại chỗ”,  đặc biệt là vấn đề lực lượng tại chỗ, trang thiết bị tại chỗ và hậu cần tại chỗ. 

Từ những kinh nghiệm trên, công tác PCTT&TKCN luôn được tỉnh xem là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách. Vẫn tiếp tục thực hiện phương châm: “Chủ động phòng, tránh-ứng phó kịp thời-khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng chống bão lụt cho nhân dân; phương án phòng chống bão lụt phải được cụ thể hóa phù hợp với từng địa phương, đặc biệt chuẩn bị tốt phương án “4 tại chỗ” và công tác TKCN…Quá trình chỉ đạo, tổ chức ứng phó PCTT&TKCN và khắc phục hậu quả phải quyết liệt, đồng bộ, thống nhất. Công tác tổ chức chỉ huy, chỉ đạo ứng phó PCTT&TKCN phải nhanh nhạy, kiên quyết, phù hợp với diễn biến thực tiễn; kịp thời huy động các nguồn lực, các lực lượng, phương tiện của các đơn vị. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân trong chủ động ứng phó với thiên tai.