Nâng cao kỹ thuật can thiệp tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

(NTO) Giữa tháng 11 vừa qua, trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác quốc tế, Tiến sĩ-Bác sĩ Kan Zen, chuyên gia của Bộ phận Y khoa Tim mạch Bệnh viện Đại học Y dược Kyoto (Nhật Bản) cùng đoàn phụ tá đã đến Bệnh viện đa khoa tỉnh để triển khai các kỹ thuật tiên tiến trong can thiệp tim mạch.

Tại đây, trong 2 ngày, ông đã hỗ trợ can thiệp cho 15 bệnh nhân bị bệnh tim mạch phức tạp. Cũng trong dịp này, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận một số dụng cụ kỹ thuật dùng trong can thiệp tim mạch bằng máy chụp mạch máu kỹ thuật số xóa nền như ống thông, vi ống thông, dây dẫn, bóng nong mạch máu, stent… do Nhật Bản sản xuất.

Theo Hội Tim mạch học Việt Nam, bệnh động mạch vành là loại bệnh tim phổ biến nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong số các bệnh lý về tim mạch. Nhận thức rõ điều đó, tháng 6- 2016, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thành lập Đơn vị Tim mạch can thiệp và đến tháng 12-2017 được Bệnh viện Đại Học Y dược TP. Hồ Chí Minh bàn giao hoàn thành kỹ thuật can thiệp mạch vành. Từ đó đến nay, sau gần một năm chuyển giao, theo báo cáo kết quả chụp và can thiệp mạch vành, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện thành công gần 500 ca đặt stent mạch vành, trong đó can thiệp cấp cứu khoảng 150 ca nhồi máu cơ tim cấp. Bác sỹ chuyên khoa cấp 1 Nguyễn Lạc Việt, phụ trách Đơn vị Tim mạch can thiệp cho biết: Bệnh viện đã và đang áp dụng các kỹ thuật cao cho phép sử dụng các thiết bị y khoa đưa vào động mạch của bệnh nhân, sau đó tiến hành can thiệp mà không cần phải phẫu thuật. Kỹ thuật can thiệp đã triển khai thành công đối với những ca mắc tim mạch khó, thời gian để thực hiện một ca khoảng 45 phút đến 6 giờ, tùy vào mức độ khó hay dễ của từng ca bệnh. Ưu điểm của phương pháp này là không cần phẫu thuật, do đó thời gian phục hồi của bệnh nhân rất nhanh.

Tiến sĩ, Bác sĩ Kan Zen (bên trái) Bệnh viện Đại học Y dược Kyoto thực hiện kỹ thuật
can thiệp mạch vành cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Tiến sĩ, Bác sĩ Kan Zen là một trong những chuyên gia đầu ngành về tim mạch tại Bệnh viện Đại học Y dược Kyoto, ông đã thực hiện thành công nhiều ca về tổn thương tắc mạch vành hoàn toàn hay đặt stent ngoại biên, đều là những kỹ thuật rất khó trong can thiệp tim mạch hiện nay. Trong lần đầu tiên đến Việt Nam, ông đã cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Hòa, Phó trưởng Khoa Tim mạch can thiệp, Trưởng đơn vị Can thiệp nội mạch Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh đến ngay Bệnh viện đa khoa tỉnh làm việc. Đây là cơ hội để ê-kíp can thiệp tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh hợp tác với Tiến sĩ, Bác sĩ Kan Zen cùng thực hiện can thiệp cho các bệnh nhân có phát hiện tổn thương mạch vành phức tạp bằng máy chụp mạch máu kỹ thuật số xóa nền. Qua đợt hợp tác lần này, được tiếp nhận những kỹ thuật chuyên môn của Nhật Bản giúp cho các bác sĩ nâng cao tay nghề, can thiệp kịp thời những trường hợp bệnh nhân tổn thương mạch vành phức tạp trước đây phải chuyển lên tuyến trên điều trị.

Trong khoảng thời gian Tiến sĩ, Bác sĩ Kan Zen làm việc ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chúng tôi đã được chứng kiến thao tác của ông cùng ê-kíp từ phòng quan sát qua kính chắn phòng chụp và can thiệp mạch vành. Theo thông tin về chuyên môn của Đơn vị Tim mạch can thiệp, trong số các ca phức tạp được Bác sĩ Kan Zen thực hiện, có 2 ca tiến hành thủ thuật từ 3-5 tiếng. Cụ thể, ca làm lâu nhất kéo dài 5 giờ là ca bệnh nhân Đinh Xuân Liễu, 78 tuổi, ngụ thôn Tân Sơn, xã Thành Hải (Tp Phan Rang-Tháp Chàm). Bệnh nhân Liễu sau khi được can thiệp đặt 2 stent tắc hoàn toàn mạn tính nhánh liên thất trước (nhánh quan trọng nhất của mạch máu tim) đã hết đau ngực, sức khỏe ổn định. Một ca khác tiến hành trong 3 giờ là bệnh nhân Hồ Thị Lượng, 66 tuổi, cùng địa chỉ cư ngụ với bệnh nhân Liễu. Được can thiệp đặt 3 stent thân chung và phân nhánh (dạng bệnh đòi hỏi kỹ thuật can thiệp phức tạp và nguy cơ tử vong cao nhất), bệnh nhân Lượng đã hết đau ngực, không còn khó thở và đã khỏe lại.

Có thể thấy từ khi Đơn vị Tim mạch can thiệp-Bệnh viện Đa khoa tỉnh thành lập và đi vào hoạt động, kỹ thuật cao tim mạch can thiệp đã giúp cho bệnh nhân địa phương không phải chuyển lên tuyến trên, giảm chi phí điều trị bệnh, góp phần cải thiện điều trị bệnh lý nhồi máu cơ tim tại bệnh viện. Tuy nhiên, theo Bác sỹ Nguyễn Lạc Việt, những tổn thương phức tạp, tổn thương tắc mạn tính trong động mạch vành luôn là thử thách cho thủ thuật viên, trong khi hiện nay các bác sĩ Nhật Bản đang dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực can thiệp tổn thương mạch vành mạn tính. Do đó, việc tiếp nhận kỹ thuật cao từ chuyên gia y tế Nhật Bản trong đợt hợp tác lần này giúp cho các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh được học tập, nâng cao kỹ năng, tay nghề để triển khai thành công các kỹ thuật khó về can thiệp tim mạch, áp dụng cho những trường hợp mắc bệnh nặng ngay tại bệnh viện mà không cần phải chuyển tuyến trên điều trị như trước đây.