Kết quả qua 2 năm thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển thương mại

Sau khi có Nghị quyết 14 –NQ/TU, UBND tỉnh đã chủ động xây dựng chương trình hành động, cụ thể hóa các nội dung của nghị quyết, chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương đề ra giải pháp triển khai thực hiện nên tình hình đã được cải thiện đáng kể. Từ chú trọng đầu tư phát triển thương mại điện tử đã giúp doanh nghiệp đẩy mạnh thị trường trong nước và xuất khẩu, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu đã nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Sau 2 năm với sự nỗ lực của các ngành, các cấp trong thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 26-10-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII về đẩy mạnh phát triển thương mại đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 đã đạt được kết quả nhất định. Tổng mức hàng hóa bán lẻ, doanh thu dịch vụ và tiêu dùng năm 2018 ước đạt 21.000 tỷ đồng, tăng 51,2% so với năm 2015; tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2018 đạt 14,8%/năm; kim ngạch xuất khẩu năm 2018 tăng 41,7% so với năm 2015, đạt 85 triệu USD; tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2018 đạt 1,3%/năm.

Theo đánh giá của ngành chức năng, trước đây hoạt động nội thương tăng trưởng ổn định qua các năm, tuy nhiên chưa có sự bứt phá do quy mô thị trường trong tỉnh nhỏ hẹp; xuất khẩu diễn biến tăng trưởng thiếu bền vững, các thị trường mới tiềm năng như: Úc, Nga, Thái Lan, Trung Đông, châu Phi chưa được xâm nhập, mở rộng, phần lớn hàng hóa chỉ tiêu thụ ở thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc. Các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng nông sản đặc thù quy mô nhỏ, năng lực thấp, việc thực hiện và tham gia công tác xúc tiến thương mại và phát triển thị trường theo chuỗi giá trị sản phẩm ít được quan tâm cũng là hạn chế cần sớm khắc phục. Khó khăn trong thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại chưa được tháo gỡ, ít có doanh nghiệp đầu tư vào loại hình thương mại hiện đại như siêu thị, trung tâm mua sắm, khiến cho ngành thương mại tỉnh luôn đứng thứ hạng thấp so với trong khu vực.

Người dân mua sắm điện gia dụng tại chợ Phan Rang (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: V.M

Sau khi có Nghị quyết 14 –NQ/TU, UBND tỉnh đã chủ động xây dựng chương trình hành động, cụ thể hóa các nội dung của nghị quyết, chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương đề ra giải pháp triển khai thực hiện nên tình hình đã được cải thiện đáng kể. Từ chú trọng đầu tư phát triển thương mại điện tử đã giúp doanh nghiệp đẩy mạnh thị trường trong nước và xuất khẩu, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu đã nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Cùng với đó, hệ thống hạ tầng thương mại cũng được đầu tư đồng bộ nên các mặt hàng được lưu thông rộng khắp. Giai đoạn 2016-2018, trên địa bàn tỉnh đầu tư xây mới 2 chợ hạng II, đây là những dự án xã hội hóa do Công ty TNHH Bất động sản Phú Thịnh làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí 14 tỷ đồng/chợ. Hiện tại, chợ Cá Ná (Thuận Nam) đầu mối thu mua hải sản và các mặt hàng hóa khác (chủ yếu là hàng dân dụng phục vụ ngư dân vùng biển) đã đưa vào sử dụng, chợ trung tâm huyện Thuận Bắc ở xã Lợi Hải đang triển khai xây dựng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay. Ngoài ra, để đạt tiêu chí hạ tầng thương mại nông thôn mới, một số địa phương đã chủ động cân đối, bố trí vốn nâng cấp chợ Phương Hải và Hộ Diêm. Về đầu tư trung tâm thương mại, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh hình thành 3 siêu thị; trong đó, 1 siêu thị tổng hợp và 2 siêu thị chuyên doanh các mặt hàng điện máy.

Nhìn lại nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết 14-NQ/TU, có thể thấy hoạt động thương mại phát triển toàn diện trên mọi mặt. Công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm chuyển biến tích cực. Đến nay, các sản phẩm của tỉnh được mở rộng thị trường tiêu thụ rộng khắp trên cả nước, vào hệ thống siêu thị. Thông qua tham dự các Hội nghị xúc tiến thương mại ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh do Sở Công Thương phối hợp tổ chức hằng năm, các doanh nghiệp đã đánh giá đúng xu hướng thị trường, nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, từ đó xây dựng chiến lược đúng đắn cho phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã chủng loại, giá cả cạnh tranh. Xác định xuất khẩu là động lực để phát triển nền kinh tế gắn với hội nhập, thời gian qua, công tác này được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Bám sát kế hoạch xuất khẩu giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030 của tỉnh, ngành chức năng và các địa phương đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn; đồng thời, triển khai Đề án “Xây dựng hệ thống quản lý thông tin xuất nhập khẩu tỉnh Ninh Thuân”, qua đó có 3 doanh nghiệp được hỗ trợ quảng bá sản phẩm trên Cổng Thông tin xuất khẩu Việt Nam.

Đồng chí Phạm Đăng Thành, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Để đạt chỉ tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 18-20%; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 150 triệu USD/năm, tăng bình quân 14-15%/năm theo Nghị quyết 14-NQ/TU đề ra, giai đoạn 2018-2020, UBND tỉnh chỉ đạo tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển thương mại; trong đó, chú trọng triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách về hỗ trợ phát triển hạ tầng thương mại, sản phẩm hàng hóa. Tăng cường liên kết, hợp tác vùng, hợp tác khu vực và hợp tác nghiên cứu khoa học trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm và tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là các sản phẩm đặc thù có lợi thế của tỉnh.