Những ánh “Sao vuông bám biển”

(NTO) Qua hơn 6 năm triển khai xây dựng mô hình lực lượng dân quân biển thường trực (DQBTT) tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo “Sao vuông bám biển” của lực lượng vũ trang huyện Thuân Nam đã mang lại những kết quả thiết thực, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế biển, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân vững chắc ở địa phương.

Thành lập từ tháng 5- 2012, mô hình lực lượng DQBTT tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo “Sao vuông bám biển” ở huyện Thuận Nam gồm một trung đội biên chế thành 3 tiểu đội, tổ chức trên 5 tàu đánh cá công suất lớn và các tàu cá nhỏ tại xã Phước Diêm; 2 tiểu đội, tổ chức trên 6 tàu đánh cá công suất lớn tại các xã Phước Dinh và Cà Ná, trong đó nòng cốt là đảng viên, đoàn viên, quân nhân xuất ngũ. Chiến sĩ DQBTT là những người có bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng, sức khỏe tốt, dày dặn kinh nghiệm đi biển và được huấn luyện các bài chiến thuật dân quân biển, phương pháp nắm tình hình, nhận dạng tàu lạ, phương pháp đấu tranh khi phát hiện tàu lạ xâm phạm vùng biển Việt Nam… Do vậy, nhiều năm qua, những chiến sĩ “sao vuông” đóng vai trò quan trọng trong việc nắm bắt tình hình an ninh chính trị, trật tự trên biển; cung cấp hàng trăm nguồn tin có giá trị liên quan đến hoạt động của tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển của nước ta giúp lực lượng chức năng kịp thời xử lý không để phát sinh tình huống phức tạp. Đồng thời, phối hợp với lực lượng Công an, Biên phòng đấu tranh bắt giữ hàng trăm vụ trộm cắp và gây mất trật tự an ninh trên địa bàn huyện.

Lực lượng dân quân biển thường trực xã Phước Diêm tuần tra trên biển.

Sự ra đời của lực lượng DQBTT không chỉ phát huy tốt vai trò trực chiến, sẵn sàng chiến đấu trên biển mà còn củng cố “thế trận lòng dân” tạo khối đoàn kết thống nhất giữa các ngư dân góp phần tăng sức mạnh cho lực lượng vũ trang huyện Thuận Nam. Các chiến sĩ DQBTT trước đây họ là thành viên các tổ, đội tàu thuyền có mối quan hệ thân thiết trong cùng họ hàng, cùng ngành nghề, cùng ngư trường, cùng địa bàn cư trú, có người vừa là thuyền trưởng, đồng thời là chủ phương tiện, thì giờ đây khi mang trên mình chiếc “sao vuông” họ trở thành những người đồng chí, đồng đội của nhau cùng chung mục tiêu, ý chí và nguyện vọng. Vì thế, trong quá trình hành nghề trên biển, họ liên tục trao đổi thông tin, kịp thời có mặt, ứng cứu và xử lý khi có tình huống xấu, bất trắc xảy ra. Nhờ vậy, các sự việc như: tàu cá va vào bãi đá ngầm, đi vào vùng biển có thời tiết xấu đã được hạn chế rất nhiều, rủi ro, thiệt hại vì thế cũng được giảm bớt. Nhờ được trang bị tốt kiến thức, kỹ năng về cứu hộ, cứu nạn nên trong một số trường hợp những chiến sĩ DQBTT là lực lượng ứng cứu tại chỗ vô cùng quan trọng. Họ là điểm tựa để ngư dân tiếp tục yên tâm vươn khơi bám biển phát triển kinh tế, góp phần làm giàu cho quê hương.

Anh Trần Văn Vương, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Trung đội DQBTT xã Phước Diêm chia sẻ: Thường xuyên hoạt động dài ngày trên biển nhưng mỗi năm tôi đều cố gắng sắp xếp lịch trình tham gia đầy đủ các đợt huấn luyện để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ. Tôi vui mừng vì được đóng góp phần công sức nhỏ bé của mình vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trung tá Ngô Đức Bổng, Chính trị viên, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thuận Nam cho biết: Mô hình lực DQBTT tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo “Sao vuông bám biển” ở huyện Thuận Nam là sự vận dụng sáng tạo, hiệu quả chủ trương gắn phát triển kinh tế biển với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới. Quá trình thực thi nhiệm vụ, mỗi chiến sĩ “sao vuông” đã thể hiện tốt vai trò nòng cốt của mình trong việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự trên biển; đồng thời tích cực tuyên truyền vận động ngư dân trong và ngoài tỉnh chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước không dùng xung điện, vật liệu nổ, giã cào đánh bắt hải sản, hủy hoại môi trường. Đây cũng chính là mô hình khẳng định sức mạnh thế trận quốc phòng toàn dân, huy động mọi tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc để mỗi ngư dân thực sự là “cột mốc sống” trên vùng biển, đảo của quê hương.