Ninh Sơn nhiều chuyển biến tích cực từ xây dựng nông thôn mới

(NTO) Thời gian qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) với việc chú trọng đề cao vai trò chủ thể của nhân dân trong khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế, huy động mọi nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, bộ mặt nông thôn ở huyện vùng cao Ninh Sơn đã có nhiều khởi sắc, đời sống của nhân dân được nâng lên đáng kể.

Sau khi có Nghị quyết số 02 - NQ/TU, ngày 24-5-2011 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng thực hiện chủ trương xây dựng NTM đến năm 2020, Huyện ủy Ninh Sơn lãnh đạo cả hệ thống chính trị tập trung thực hiện; trong đó, xác định công tác quy hoạch đóng vai trò quan trọng phải quan tâm thực hiện trước. Chỉ trong thời gian ngắn, huyện đã phối hợp với ngành chức năng hoàn thành Đồ án quy hoạch chi tiết điểm dân cư mới; Đồ án quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp phù hợp ở từng xã, trong đó coi việc xây dựng vùng sản xuất cây nguyên liệu tập trung quy mô khoảng 300 ha ở các xã Quảng Sơn, Hòa Sơn; vùng trồng nho nguyên liệu rượu vang ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch ở xã Mỹ Sơn quy mô 100 ha; vùng cây ăn trái Lâm Sơn là lợi thế chú trọng đầu tư phát triển.

Mô hình trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao ở xã Lâm Sơn (Ninh Sơn). Ảnh: A.T

Nhìn nhận mục tiêu cốt lõi của Chương trình xây dựng NTM là nâng cao đời sống cho người dân, nên huyện đề ra những chủ trương, chính sách khuyến khích nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả. Các mô hình: “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa; sản xuất nho, táo theo hướng VietGAP triển khai ở xã Nhơn Sơn, Lương Sơn với sự hưởng ứng tích cực của nông dân được duy trì và mở rộng đã nâng cao giá trị trên đơn vị sản xuất. Xu thế mới trong chuyển dịch cơ cấu ngành chăn nuôi cũng góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Mô hình nuôi bò sinh sản ở xã Hòa Sơn, Ma Nới và các thôn đặc biệt khó khăn; mô hình trang trại nuôi heo thương phẩm, nuôi bò vỗ béo tạo sinh kế cho nhiều hộ, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 25,4% (năm 2011) xuống còn 14,20% hiện nay.

Từ việc linh hoạt lồng ghép các nguồn vốn chương trình, dự án, giai đoạn 2011- 2017, Ninh Sơn đã huy động được gần 411, 5 tỷ đồng để phát triển hạ tầng thủy lợi, giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa một cách đồng bộ, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Đến nay, có 5/7 xã đạt chuẩn tiêu chí giao thông; 95% kênh mương nội đồng được cứng hóa, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Kết quả thực hiện bộ tiêu chí nông thôn mới bình quân đạt 12,7/19 tiêu chí/xã; trong đó, xã Nhơn Sơn đi đầu, đạt 17/19 tiêu chí. Phát huy thành tích đạt được, Ninh Sơn đề ra mục tiêu phấn đấu xây dựng xã Lương Sơn đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2018; xã Mỹ Sơn, Quảng Sơn đạt chuẩn NTM vào năm 2019; xã Hòa Sơn, Lâm Sơn đạt chuẩn NTM vào năm 2020; xã Nhơn Sơn đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2020.

Đồng chí Võ Đình Vinh, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Qua triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, huyện nhìn nhận tiêu chí thu nhập và hộ nghèo là khó, từ đó đề ra giải pháp sâu sát với thực tế, có lộ trình thực hiện nhất định. Theo đó, huyện tiếp tục chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Tập trung xây dựng những vùng sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn gắn với bao tiêu sản phẩm, áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp. Lồng ghép các chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn để giúp các hộ nghèo tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững. Phát triển vùng cây ăn quả đặc sản Lâm Sơn gắn với du lịch sinh thái thông qua chính sách hỗ trợ cây giống; đồng thời, xây dựng thương hiệu hàng nông sản đặc thù nhằm nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Khuyến khích phát triển các loại hình kinh tế hợp tác sản xuất quy mô tập trung và ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động cũng được huyện chú trọng, coi đó là giải pháp để nâng cao thu nhập bình quân từ 22,17 triệu đồng/người/năm hiện nay lên 31 triệu đồng vào năm 2020.