Ninh Phước: Phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững

(NTO) Những năm gần đây, nông dân huyện Ninh Phước chú trọng đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Ninh Phước có tổng đàn gia súc trên 130.400 con; trong đó, bò 23.200 con, đàn trâu trên 1.100 con; dê, cừu 98.112 con, heo 17.400 con. Chăn nuôi ở địa phương đang đối diện với những khó khăn do nắng hạn dẫn đến thức ăn cho gia súc ngày càng khan hiếm, đồng cỏ bị thu hẹp dần. Để đưa ngành chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững, thích ứng với hạn hán, thời gian qua, huyện tập trung cơ cấu lại ngành chăn nuôi, tạo chuyển biến tích cực. Theo đó, đã quy hoạch vùng trồng cỏ và vận động các hộ chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ, hoa màu để chủ động nguồn thức ăn; vận động nông dân tận dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp chế biến làm thức ăn cho gia súc để nâng cao chất lượng đàn. Bên cạnh đó, huyện còn lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ nông dân triển khai mô hình chăn nuôi bò, dê, cừu vỗ béo, đầu tư phát triển các trang trại chăn nuôi theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nhân rộng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Nông dân Ninh Phước đầu tư phát triển các mô hình chăn nuôi cừu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ định hướng đúng, chăn nuôi trên địa bàn ngày càng phát triển, đến nay toàn huyện có 14 trang trại quy mô lớn và có hàng trăm gia trại. Mô hình chăn nuôi theo hướng “liên kết” giữa nông dân với doanh nghiệp cũng đang được phát triển mạnh. Trên địa bàn hiện có 5 trang trại nuôi heo gia công với Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam chi nhánh Ninh Thuận, tổng đàn lên tới hàng ngàn con. Với hình thức liên kết này, sau khi người dân đã có chuồng trại, Công ty sẽ cung cấp con giống, thức ăn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh.

Đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước, cho biết: Hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững, huyện tập trung chỉ đạo các xã mở rộng vùng trồng cỏ, cải tạo đàn gia súc nâng cao tầm vóc bằng cách lai tạo giống mới. Tăng cường công tác tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng cỏ, cách chế biến thức ăn gia súc cho nông dân; đồng thời, nhân rộng các mô hình hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi giúp hộ chăn nuôi tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng sản xuất.