Bác Ái: Tập trung vận động học sinh ra lớp

(NTO) Đến huyện miền núi Bác Ái sau hơn nửa tháng vào năm học mới 2018-2019, ghi nhận công tác vận động học sinh ra lớp ở các cấp có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giảm tỷ lệ học sinh (HS) bỏ học và nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương.

Bác Ái là địa phương còn nhiều khó khăn về kinh tế nên HS thường theo cha mẹ đi làm rẫy. Để công tác vận động HS ra lớp có kết quả, trước và sau ngày tựu trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền; phối hợp với các ban, ngành, hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục nhằm hỗ trợ HS có hoàn cảnh khó khăn. Từ những việc làm thiết thực, đến nay tỷ lệ HS ra lớp ở bậc Mầm non đạt 108%, TH đạt 97,1%, THCS đạt 92%. Cô giáo Nguyễn Thị Kim Uyên, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Phước Đại A, cho biết: Rút kinh nghiệm năm học trước, ngay từ giữa tháng 8, nhà trường đã phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ HS khó khăn để các em đến trường. Cùng với đó, nhà trường còn tổ chức các hoạt động ngoại khóa tạo môi trường giáo dục thân thiện, thu hút HS đến trường mỗi ngày. Nhờ vậy, năm học này, tỷ lệ HS ra lớp đạt 100%, đây là kết quả rất phấn khởi, tạo điều kiện để nhà trường thực hiện đạt mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục. Ở Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (xã Phước Trung) phân công giáo viên đến tận nhà vận động nên tỷ lệ HS đến trường đạt khá cao.

Giờ học tiếng Anh của học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Phước Đại A (xã Phước Đại).

Thầy giáo Phạm Xuân Lan, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, cho biết: Để hạn chế tình trạng HS bỏ học ở các cấp, Phòng chỉ đạo các trường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tiếp tục đến từng thôn vận động HS ra lớp. Rà soát, lập danh sách, phân loại, tìm hiểu nguyên nhân những HS bỏ học để có biện pháp vận động, thuyết phục phù hợp. Báo cáo với cấp ủy, chính quyền địa phương về thực trạng HS chưa ra lớp trên địa bàn; kịp thời tham mưu những giải pháp cụ thể để giúp các em HS đến trường học tập đầy đủ; đồng thời, chỉ đạo các trường đổi mới phương pháp dạy học; xây dựng bài giảng phù hợp với năng lực của các em HS vùng cao để tránh áp lực.