Chuyển biến từ thực hiện Nghị quyết Tam nông

Bài cuối: Giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Tam nông có hiệu quả

(NTO) Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Tam nông thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy vậy, để đạt được mục tiêu nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của dân cư nông thôn, quá trình thực hiện Nghị quyết trong thời gian tới phải đi vào chiều sâu, chú trọng đề ra các giải pháp cụ thể để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong nhân rộng các mô hình có hiệu quả, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Hội nghị tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và Tỉnh ủy tổ chức vừa qua, đã chỉ ra những tồn tại của ngành Nông nghiệp là chuyển dịch cơ cấu cây trồng còn chậm; việc nhân rộng các mô hình ứng dụng vào sản xuất có hiệu quả chưa nhiều. Mặc dù đã hình thành một số vùng chuyên canh cây trồng đặc thù, nhưng diện tích và sản lượng chưa đủ lớn cung cấp thường xuyên cho thị trường. Công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp nằm ở trình độ trung bình, chưa tạo ra được nhiều chuỗi mang lại giá trị gia tăng cũng là hạn chế khiến cho thu nhập của nông dân thiếu ổn định. Nguyên nhân của hạn chế được xác định là tỉnh ta thực hiện Nghị quyết Tam nông trong điều kiện khó khăn bởi hạn hán, hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp còn yếu và thiếu. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận một thực tế, đó là, có lúc, có nơi công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền và tổ chức đoàn thể cấp cơ sở còn thiếu đồng bộ, nhất là trong phối hợp thực hiện xây dựng nông thôn mới. Thực tế qua 10 năm thực hiện Nghị quyết, ở đâu có sự quan tâm chỉ đạo, điều hành gắn với trách nhiệm của người đứng đầu; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, thì ở đó tạo được chuyển biến tích cực.

Hệ thống kênh mương thủy lợi trên địa bàn tỉnh được đầu tư đồng bộ,
đảm bảo sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững. Ảnh: A.T

Tỉnh ta xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là những nội dung cốt lõi trong quá trình phát triển. Giải quyết tốt các vấn đề trên là góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội tỉnh bền vững, giữ ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh trong giai đoạn mới. Để đạt được mục tiêu đẩy nhanh tốc độ tăng giá trị gia tăng ngành nông, lâm, thủy sản, trên cơ sở phát triển nền nông nghiệp thông minh, giai đoạn từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, mở rộng liên kết, hợp tác, hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo chặt chẽ từ khâu đầu vào đến đầu ra; chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, xây dựng thương hiệu, từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là các sản phẩm nông nghiệp có giá trị, có lợi thế cạnh tranh, coi đó là nội dung quan trọng, có ảnh hưởng quyết định trong tiến trình cấu trúc lại nền kinh tế tỉnh. Tập trung thu hút, huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và nâng cao năng lực thích ứng để hạn chế tác động biến đổi khí hậu; cơ cấu lại hạ tầng thủy lợi theo hướng tưới tiết kiệm, liên thông các hồ thủy lợi nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nước. Tăng cường thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào các khu, vùng nông nghiệp tập trung, chuyên canh ứng dụng công nghệ cao đối với các sản phẩm đặc thù của tỉnh.

Ông Hùng Ky ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước) đầu tư máy gieo hạt măng tây
bán công nghiệp đã giảm chi phí sản xuất,mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Văn Miên

Hoạch định chiến lược phát triển của tỉnh rất rõ ràng, đúng hướng, vấn đề còn lại là các ngành, địa phương chủ động đề ra giải pháp, tổ chức thực hiện có hiệu quả. Phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, hiện nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các huyện tiến hành rà soát lại tình hình sản xuất ở các địa phương để xây dựng kế hoạch sản xuất, phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Ngành đưa ra giải pháp khai thác tốt các lợi thế của tỉnh, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tăng khả năng cạnh tranh thông qua sự khác biệt để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại. Đối với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại, lĩnh vực ưu tiên là tiếp tục đầu tư phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng cấp thiết khu vực nông thôn theo hướng đồng bộ. Triển khai thực hiện tốt Đề án xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017- 2020, trước mắt thực hiện thí điểm tại huyện Ninh Hải, từ đó nhân rộng ra các địa phương khác. Hàng loạt các giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, chuyển dịch kinh tế nông thôn; xây dựng các mô hình hợp tác xã kiểu mới; đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội nông thôn… cũng được ngành chức năng, các địa phương triển khai thực hiện với quyết tâm cao.

Nỗ lực vào cuộc của cả hệ thông chính trị và quần chúng nhân dân trên toàn tỉnh trong thực hiện Nghị quyết Tam nông, tin rằng thời gian tới khu vực nông thôn tỉnh ta sẽ có nhiều đổi mới.