Tiến tới Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2018-2023

Kết quả thực hiện nghị quyết đại hội VII Hội nông dân tỉnh

1- Kết quả công tác Hội và Phong trào nông dân nhiệm kỳ 2013-2018

Trong nhiệm kỳ qua, Ban Thường vụ tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và các sở, ban, ngành phối hợp với Hội nông dân triển khai thực hiện nhiệm vụ đạt mục tiêu đã đề ra, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh và xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh ngày càng trong sạch, vững mạnh. Một số kết quả nổi bật như sau:

Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng

Các cấp Hội từ tỉnh tới cơ sở thường xuyên tổ chức hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện và chấp hành nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của Hội. Trong đó, chú trọng việc tuyên truyền nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 – 2020; cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; Chỉ thị số 05-CT/BCT của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về công tác xây dựng Đảng; các chỉ thị, nghị quyết của Hội và Đại hội Hội Nông dân các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2018 – 2023. Tuyên truyền cho cán bộ, hội viên nông dân về chủ quyền biên giới, hải đảo; các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; các mô hình, điển hình mới trong phong trào nông dân thi đua sản xuất- kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới,… Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với trình độ của nông dân và điều kiện của địa phương, như thông qua các Hội thi, sinh hoạt truyền thống, sinh hoạt câu lạc bộ nông dân, tuyên truyền miệng, sân khấu hoá, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, trao đổi kinh nghiệm, hội thi tìm hiểu, liên hoan, bản tin, Website của Hội… Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm, cổ vũ, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, ý chí vươn lên của nông dân; củng cố niềm tin của nông dân với Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, gắn kết giữa nông dân với tổ chức Hội ngày càng chặt chẽ hơn, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm của Hội vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội

Công tác phát triển hội viên luôn được các cấp Hội chú trọng, trong nhiệm kỳ, đã phát triển mới 19.612 hội viên, đạt 116% chỉ tiêu, nâng tổng số hội viên đến nay hơn 48.884 hội viên; hội viên tham gia sinh hoạt ngày càng đi vào nề nếp; chất lượng hội viên được nâng lên; nhận thức, ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của Hội.

Ban Chấp hành Hội Nông dân các cấp luôn chú trọng đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành bằng xây dựng các nghị quyết sâu sát với tình hình thực tế của Hội và nông dân, cụ thể hóa các chương trình công tác trọng tâm để tập trung chỉ đạo thực hiện. Thực hiện Đề án 24-ĐA/HNDTW về “Xây dựng mô hình và thành lập chi, tổ hội nghề nghiệp” của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 38 tổ Hội nghề nghiệp, đây là mô hình đa dạng hóa tổ chức Hội ở cơ sở, góp phần đổi mới nội dung và hình thức hoạt động Hội tại cơ sở, nâng cao chất lượng sinh hoạt hội viên ở thôn, tổ dân phố.

Thực hiện Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011-2020”, trong nhiệm kỳ qua, có trên 217 lượt cán bộ hội các cấp được cử đi đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội, phong trào nông dân cho cán bộ Hội cơ sở. Qua đó đã từng bước quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách các cấp đạt chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, chính trị, có kiến thức về pháp luật và kỹ năng vận động, tập hợp nông dân, kỹ năng, nghiệp vụ công tác Hội và công tác vận động nông dân trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết, Điều lệ Hội, công tác Hội và phong trào nông dân; các chương trình, dự án Quỹ hỗ trợ nông dân; quản lý tài chính, sử dụng Quỹ Hội... Qua công tác kiểm tra, giám sát đã kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn, phát hiện và chấn chỉnh những sai phạm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội. Đã tổ chức được 3.431 cuộc (cấp tỉnh 149 cuộc, huyện 1.760, cơ sở 1.522 cuộc), trong đó: kiểm tra việc thực hiện nghị quyết, điều lệ Hội: 2.868 cuộc; kiểm tra vốn Quỹ HTND và vốn các Ngân hàng: 1.438 cuộc; kiểm tra chuyên đề: 125 cuộc.

Công tác sơ kết, tổng kết thực tiễn và nghiên cứu khoa học.

Công tác sơ kết, tổng kết thực tiễn, hoạt động nghiên cứu thực tế của cán bộ, hội viên, nông dân tiếp tục có những đổi mới về hình thức và nội dung. Hàng năm Hội Nông dân tỉnh xây dựng kế hoạch, đề xuất thực hiện các đề tài, dự án, mô hình sản xuất ứng dụng tại các địa phương đem lại hiệu quả và tăng thu nhập cho nông dân. Thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cấp Hội thực hiện công tác tuyên truyền, vận động các hội viên, nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường sinh thái nông nghiệp, nông thôn và phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất khen thưởng nhằm động viên, khuyến khích nông dân tham gia các hoạt động trong lĩnh vực khoa học- công nghệ.

Nông dân xã An Hải (Ninh Phước) áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm. Ảnh: Văn Miên.

Đã tổ chức 07 lớp tập huấn ứng dụng kết quả đề tài khoa học – công nghệ cấp huyện, tỉnh; đã nghiệm thu 01 đề tài với gần 150 hội viên tham gia, như đề tài Quản lý Nhãn hiệu tập thể táo Ninh Thuận, đề tài ứng dụng kỹ thuật canh tác cây Măng Tây xanh...; xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản; điểm truy cập Internet; tập huấn cho nông dân kiến thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới để áp dụng vào sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng năng suất, sản lượng và nâng cao chất lượng, đem lại thu nhập, nâng cao mức sống cho cộng đồng nông dân ở nông thôn, tiêu biểu như mô hình trồng Măng Tây xanh ở An Hải, Phước Hải (Ninh Phước), Mô hình Nuôi bò vỗ béo ở Hòa Sơn, Lương Sơn (Ninh Sơn); mô hình trồng Nho, táo kết hợp với nuôi dê, cừu vỗ béo ở Nhơn Hải, Xuân Hải (Ninh Hải)…

Công tác nghiên cứu khoa học các cấp Hội đã trực tiếp tham gia 05 đề án khoa học công nghệ và phối hợp tham gia 03 dự án khoa học và 01 đề án ứng dụng khoa học công nghệ, thông qua các đề tài dự án đã giúp cho đội ngũ cán bộ Hội viên nông dân, tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật được người dân đồng tình ủng hộ, nhất là đề án tưới nước tiết kiệm và đề án bảo tồn cây chuối cô đơn Phước Bình do TW Hội chuyển giao…

Kết quả triển khai Chương trình phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng tưới nước tiết kiệm thông qua cảm biến và sử dụng điện thoại để điều khiển; các cấp Hội đã triển khai nhân rộng mô hình tưới nước tiết kiệm cho trên 6.500 hội viên nông dân tham gia với tổng số vốn trên 23 tỷ đồng chủ yếu là do nông dân đóng góp với trên 2.500 hộ tham gia với tổng diện tích trên 500 ha.

Thực hiện Chỉ thị số 39 ngày 21-5-2004 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 23 ngày 31-8-2011 của Tỉnh uỷ về việc “tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến”. Các cấp Hội trong tỉnh luôn chú trọng phát hiện, biểu dương, tuyên truyền, nhân rộng, tạo sức lan tỏa của các phong trào thi đua và các điển hình tiên tiến. Tích cực triển khai phát động các đợt thi đua chào mừng các sự kiện chính trị trọng đại của quê hương, đất nước, của Hội; tôn vinh nông dân điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua giai đoạn 2013- 2016 gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới”. Các phong trào thi đua gắn với từng chuyên đề hoạt động cụ thể, được tổ chức đan xen nhau, các chỉ tiêu thi đua được cụ thể theo từng năm và được triển khai đến cán bộ, hội viên, nông dân. Từ các phong trào thi đua, đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, tiêu biểu được các cấp biểu dương, khen thưởng.

Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế

Các cấp Hội thường xuyên đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Hoạt động công tác Hội luôn chú trọng mở rộng quan hệ và hợp tác quốc tế thông qua các chương trình, dự án với các tổ chức phi chính phủ như Hà Lan, Nga; tổ chức iDE giai đoạn 2 nhân rộng mô hình tưới nước tiết kiệm, công tác vận động, quản lý nguồn viện trợ nước ngoài đảm bảo theo quy định.

2- Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước của Nông dân, thực hiện phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh và giảm nghèo bề vững

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững

Các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở đã phối hợp với các sở ngành tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cho 193.186 lượt nông dân; giúp hội viên ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất tăng thu nhập như: mô hình “1 phải, năm giảm”, mô hình tưới nước tiết kiệm, mô hình trồng Măng tây xanh; mô hình cánh đồng mẫu lớn… nhiều hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại trong việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản của địa phương. Tiêu biểu như hộ ông Lê Văn Thái ở Cà Ná; hộ ông Tu Thanh Hường ở Phước Dinh (Thuận Nam); hộ ông Châu Văn Năng ở An Hải; hộ ông Nguyễn Mọi ở Phước Thuận (Ninh Phước); hộ ông Đạo Thanh Thích, Xuân Hải, hộ bà Trần Thị Tân, xã Tri Hải (Ninh Hải); Hộ ông Nguyễn Thường Lang, xã Mỹ Hải, Tp.PR-TC… doanh thu của các hộ SXKD giỏi với hàng trăm triệu đồng, nhiều hộ có doanh thu trên vài tỷ đồng/năm, đã giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Nhiều hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi có vốn, có kiến thức KH-KT đã trực tiếp hướng dẫn giúp đỡ 5.677 hộ hội viên nông dân thoát nghèo bền vững.

Vườn nho của Hộ ông Nguyễn Mọi ở Phước Thuận (Ninh Phước) ứng dụng công nghệ 
hiện đại trong việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh
an toàn thực phẩm, thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Ảnh: Văn Nỷ.

Phong trào Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” và phong trào xây dựng gia đình nông dân văn hoá. Qua 5 năm, đã vận động 262.995 lượt hộ đăng ký thi đua và bình chọn được 197.467 lượt hộ đạt danh hiệu gia đình văn hoá, tăng 57,27% so với nhiệm kỳ trước.

Các cấp Hội phối hợp vận động nông dân hiến đất, đóng góp hàng ngàn ngày công lao động để sửa chữa, kiên cố hoá kênh mương, làm mới và sửa chữa đường giao thông nông thôn… góp phần phát triển kinh tế, giao lưu hàng hoá từng bước xây dựng nông thôn mới. Phối hợp xoá nhà tạm được 4.236 căn và vận động xây dựng 3.911 căn nhà tình thương trị giá hàng trăm tỷ đồng.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được các cấp Hội tập trung tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, hội viên, các tổ hợp tác, hợp tác xã thực hiện sản xuất nông sản sạch, an toàn đảm bảo chất lượng cung cấp cho thị trường; có 100% tổ hợp tác, hợp tác xã do Hội vận động thành lập cam kết thực hiện.

Phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh (QPAN)

Trong nhiệm kỳ qua các cấp Hội đã tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền; chủ động phối hợp các sở ngành, đoàn thể trong tỉnh và thông qua bản tin, Website của Hội, trong sinh hoạt, hội nghị... đã tổ chức quán triệt và triển khai đến cán bộ, hội viên về tầm quan trọng của phong trào nông dân tham gia bảo đảm QPAN qua đó giúp cho hội viên nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng trước các hoạt động, âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch giữ vững QPAN nông thôn.

Vận động hội viên, nông dân tham gia câu lạc bộ “An toàn giao thông”, ký cam kết chấp hành Luật Giao thông đường bộ, các qui định về hành lang an toàn giao thông, góp phần đảm bảo an toàn giao thông và ý thức của hội viên, nông dân khi tham gia giao thông ngày càng được nâng lên. Xây dựng mô hình tổ tự quản, tổ nòng cốt là những cán bộ, hội viên, nông dân có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, hoạt động có hiệu quả… qua đó đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn dân cư.

3- Mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất; tham gia vận động, hướng dẫn nông dân phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp nông thôn

Được sự quan tâm của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và UBND tỉnh, năm 2014 Hội Nông dân tỉnh tổ chức khánh thành và đi vào hoạt động Trung tâm dạy nghề và Hỗ trợ Nông dân với tổng trị giá trên 40,5 tỷ đồng. 5 năm qua, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân đã mở 195 lớp tập huấn ngắn hạn cho 7.090 lao động nông thôn, trong đó trên 50% lao động là hộ nghèo, đồng bào dân tộc với các nghề đào tạo như kỹ thuật trồng trọt (lúa, bắp, mía, táo, bưởi da xanh, rong sụn, nấm rơm…), chăn nuôi thú y (dê, cừu, bò, cá nước ngọt, tôm thịt…) các ngành nghề khác và phối hợp tổ chức 240 lớp đào tạo nghề cho 7.822 lao động; một số nghề đã phát huy được hiệu quả góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Tổ chức hoạt động hỗ trợ, tư vấn giúp nông dân phát triển sản xuất, các cấp Hội đã chủ động tham mưu xây dựng và thành lập Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) cấp tỉnh và huyện. Quỹ HTND Trung ương uỷ thác cho vay 44 dự án với tổng số tiền 18,201 tỷ đồng, riêng năm 2017 là 5,923 tỷ đồng/10 dự án, tất cả nguồn vốn trên đã được giải ngân giúp nông dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế theo tổ, nhóm tiến tới xây dựng mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã….; Quỹ đã vận động trong nông dân được 803 triệu đồng, tăng 14,84% so với nhiệm kỳ trước, nâng tổng số tiền quỹ HTND trên 1.168 triệu đồng và giúp cho 2.920 lượt hộ nông dân vay phát triển sản xuất.

Vận động, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể. Trên cơ sở các chủ trương, chính sách của tỉnh, các cấp Hội đã phối hợp vận động thành lập 150 tổ hợp tác và hợp tác xã; từ chương trình dự án tam nông (IFAD) Hội đã tiếp quản và củng cố 108 nhóm sản xuất và tổ hợp tác hoạt động theo 8 chuỗi giá tri như chuỗi Bò, dê, cừu, heo đen và chuỗi trồng Nho, táo, tỏi và chuối. Phối hợp vận động xây dựng 438 tổ hợp tác và hợp tác xã với 2.500 hội viên nông dân của 27 xã tham gia. Thông qua hoạt động truyền thông của dự án, các thành viên đã nhận biết và thực hiện chuỗi giá trị, gắn với việc tìm đầu ra cho sản phẩm, đưa các kiến thức khoa học kỹ thuạt giúp cho hội viên, nông dân phát triển kinh tế, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Triển khai 03 dự án chăn nuôi dê cừu vỗ béo cho bà con nông dân xã Nhơn Hải, Vĩnh Hải huyện Ninh Hải và dự án nuôi heo rừng cho đồng bào dân tộc xã Phước Kháng, Thuận Bắc với với tổng số vốn 985,819 triệu đồng.

4- Tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh và phát huy súc mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Các cấp Hội đã tích cực vận động cán bộ, hội viên, nông dân nêu cao trách nhiệm tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; góp ý đối với cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 ( khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường, xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Trong nhiệm kỳ, các cấp Hội đã giới thiệu 330 cán bộ, hội viên nông dân ưu tú được các cấp ủy kết nạp vào Đảng và đảm nhận các công việc chủ chốt tại địa phương.

Chủ động nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của hội viên, nông dân để tham mưu đề xuất, kiến nghị với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương có biện pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc, góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Đồng thời, tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân nêu cao ý thức, trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền; thực hiện quy chế dân chủ cơ sở theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

5- Tham gia xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện theo Quyết định số 217- QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XI; việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân; đề xuất xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, chương trình dự án phát triển nông nghiệp, nông dân, xây dựng nông thôn mới.

6- Mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác quốc tế

Các cấp Hội tổ chức tuyên truyền chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta với các nước bạn trong tiến trình hội nhập – phát triển; Tuyên truyền về mối quan hệ hữu nghị láng giềng và khu vực giữa Việt Nam – ASEAN; Việt Nam - Lào – Campuchia, Việt Nam – Trung Quốc. Phối hợp với Bộ đội Biên phòng tuyên truyền vận động ngư dân đánh bắt trên biển thực hiện đúng pháp luật Quốc tế và Luật Biển Đảo Việt Nam. Phối hợp với Ban Quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức tiếp và làm việc với đoàn chuyên gia Nga, Anh, Hà Lan và Mỹ... nhằm nâng cao sự hợp tác phát triển.

PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CÔNG TÁC HỘI VÀ PHONG TRÀO NÔNG DÂN NHIỆM KỲ VIII (2018-2023)

1- Phương hướng, mục tiêu tổng quát

- Phương hướng: Với tinh thần “Dân chủ- Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển” hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân trong 5 năm tới là: Tiếp tục quán triệt quan điểm của Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; Nghị quyết 26 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bộ tỉnh. Trong giai đoạn cách mạng mới, Đảng ta đã khẳng định nhất quán quan điểm, mục tiêu, chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; xác định rõ vị trí, vai trò, nhiệm vụ của giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam.

Vận động Nông dân phát huy tinh thần đoàn kết, thi đua thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa, mở rộng quy mô sản xuất, nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới; đưa nông nghiệp 4.0 vào sản xuất, tập trung vào khâu giống cây trồng, vật nuôi, phương pháp canh tác hiện đại với tỷ lệ cơ giới hóa cao, để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường. Phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Vận động nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với chế biến; đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, tham gia thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới gắn với chương trình giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.

Với vai trò trung tâm và nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước và công cuộc xây dựng nông thôn mới; đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động theo hướng tập hợp, vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia lao động sản xuất phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh; tăng cường các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ và dạy nghề đáp ứng nhu cầu và lợi ích thiết thực của hội viên nông dân. Thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn. Nâng cao vai trò trách nhiệm của Hội Nông dân các cấp trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp Nông dân Việt Nam vững mạnh, có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực, có đủ bản lĩnh chính trị, giữ vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

2- Mục tiêu tổng quát

2.1/ Xây dựng tổ chức Hội Nông dân tỉnh vững mạnh, với tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác nông vận, vận động hội viên nông dân phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Hội phải làm tốt công tác tập hợp đoàn kết, phát huy dân chủ, sức sáng tạo, khả năng liên kết, hợp tác của hội viên. Tham mưu cho Đảng và phối hợp với các cơ quan Nhà nước xây dựng chủ trương, cơ chế chính sách bảo đảm lợi ích cho nông dân trong mối quan hệ hài hòa với các giai tầng khác bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng hợp pháp của hội viên nông dân.

2.2/ Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả phong trào “nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; huy động nguồn lực hỗ trợ hội viên nông dân và nông dân khởi nghiệp thành công, hợp tác phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả, cải thiện chất lượng cuộc sống.

2.3/ Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ, năng lực vận động nông dân nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ, luôn dựa vào nông dân và vì nông dân.

2.4/ Xây dựng, nâng cao chất lượng hội viên và xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh; tăng cường tập huấn đào tạo, cung cấp thông tin nhằm nâng cao kỹ năng canh tác của nông dân theo chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập; xây dựng thế hệ nông dân mới có năng lực quản lý và kỹ năng sản xuất chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, thực hiện tốt vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, góp phần giữ vững ổn định chính trị-xã hội, quốc phòng- an ninh của địa phương.

2.5/ Tăng cường phối hợp hoạt động ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHKT và nông nghiệp 4.0 cho nông dân, hỗ trợ, giúp đỡ nông dân đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Tăng cường việc tạo vốn, việc làm và đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần tích cực cho công tác xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho nông dân.

3- Nhiệm vụ và giải pháp

3.1/ Xây dựng tổ chức Hội và giai cấp Nông dân Việt Nam vững mạnh

Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng: Tuyên truyền, phổ biến kịp thời các chủ trương, nghị quyết của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước; giáo dục truyền thống, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước; tình làng nghĩa xóm, nếp sống văn minh, ý chí tự lực tự cường vươn lên của hội viên nông dân, tuyên truyền phổ biến những mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, các gương điển hình tiên tiến, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung phương thức hoạt động của Hội theo hướng thiết thực gắn với quyền lợi, nhu cầu, nguyện vọng của hội viên nông dân; xây dựng củng cố tổ chức Hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động.

3.2/ Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nông dân, tham gia giám sát việc thực hiện các chủ trương của Đảng chính sách pháp luật của nhà nước có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân. Tạo điều kiện cho cán bộ hội viên nông dân tiếp tục tham gia giám sát các chương trình dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội ở địa phương nhằm nâng cao hiệu quả quản lý kinh tế và các chỉ thị Nghị quyết của Hội.

3.3/ Tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 39 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo về công tác thi đua khen thưởng theo hướng thiết thực, hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc, tạo động lực thúc đẩy, cổ vũ, động viên cán bộ hội viên nông dân hăng hái thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tổ chức Hội và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

3.4/ Xây dựng người nông dân thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế:

Tổ chức phối hợp xây dựng và triển khai thực hiện các đề án: “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Hội Nông dân giai đoạn 2010 -2020”; “Nâng cao năng lực truyền thông của Hội Nông dân tỉnh trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”; “Nghiên cứu đề xuất và tổ chức thực hiện chiến lược hành động của Hội tham gia xây dựng mẫu hình: Người nông dân thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Hướng hoạt động Hội vào xây dựng người nông dân có văn hóa, lối sống cá nhân lành mạnh, lối sống gia đình, cộng đồng nông thôn “chân- thiện- mỹ”; tập trung tuyên truyền, vận động, giáo dục hội viên nông dân, xây dựng lối sống lành mạnh, có lòng yêu nước, có tinh thần tự lực, tự cường, có ý thức trách nhiệm tập thể; có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng; cần kiệm, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương pháp luật, quy ước của cộng đồng, lao động chăm chỉ, sáng tạo, trung thực trong giao thương và hợp tác sản xuất; có tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp nhau vì mục tiêu ấm no, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc.

3.5/ Tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng, quy chế giám sát của Mặt trận TQVN và các đoàn thể chính trị xã hội. Quy định Mặt trận TQVN và các đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Quy định về giám sát của Mặt trận TQVN và các đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức lối sống, của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ đảng viên. Tiếp tục chỉ đạo cán bộ, hội viên, nông dân nêu cao trách nhiệm xây dựng Đảng, Nhà nước. Vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân thực hiện các quy định về góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh.

Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát và phản biện xã hội, kịp thời phát hiện những vướng mắc bất cập trong thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình dự án liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn.

Thường xuyên nắm chắc tình hình nông nghiệp, nông thôn; tâm tư nguyện vọng và kiến nghị chính đáng của Nông dân trong quá trình tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách; chủ động và có chính kiến trong việc tham mưu đề xuất các chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các chương trình đề án phát triển kinh tế-xã hội ở nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

Phối hợp với chính quyền các cấp, các ngành chức năng thực hiện tiếp nông dân, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, hạn chế khiếu nại vượt cấp, giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nông dân. Thực hiện luật phòng chống tham nhũng, pháp lệnh dân chủ ở cơ sở. Củng cố các tổ hoà giải cơ sở và hoàn thiện trung tâm trợ giúp pháp lý Nông dân trực thuộc Hội Nông dân để có cơ sở pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân.

3.6/ Thực hiện nhiệm vụ quốc phòng- an ninh

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ hội viên nông dân về nhiệm vụ quốc phòng-an ninh trong tình hình mới. Tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với công tác quốc phòng-an ninh, giáo dục tinh thần cảnh giác cách mạng về hoạt động, âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội phạm và tệ nạn xã hội.

Tham gia các phong trào bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ chủ quyền, biên giới, biển, đảo của Tổ quốc và xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh.

Phối hợp thực hiện tốt chương trình toàn dân tham gia phòng chống tội phạm. Xây dựng lực lượng cốt cán, tổ nông dân tự quản giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm. Vận động nông dân tố giác tội phạm, kịp thời ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ nông dân không để xảy ra vụ việc đột xuất bất ngờ, góp phần giữ gìn ANTT, ATXH.

Đẩy mạnh các hoạt động chăm lo đời sống các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với Cách mạng; giáo dục truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ, vận động nông dân xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam Anh Hùng, giúp đỡ người tàn tật, người già neo đơn.

3.7/ Tăng cường công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế

Tăng cường các hoạt động đối ngoại, tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức kinh tế ngoài nước, nhằm tạo nguồn vốn và khoa học kỹ thuật giúp nông dân phát triển sản xuất, xây dựng mối quan hệ ngoại giao nhân dân từng bước nâng cao vị thế của tổ chức Hội và phong trào nông dân.

Phát huy những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, cán bộ và hội viên nông dân trong tỉnh tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân thời gian tới sẽ đạt được nhiều thành quả quan trọng hơn, góp phần cùng với toàn Đảng bộ thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII; xây dựng Hội Nông dân và giai cấp Nông dân Việt Nam vững mạnh, thực hiện có hiệu quả vai trò chủ thể của giai cấp Nông dân trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương Ninh Thuận ngày càng giàu đẹp, văn minh.