Ninh Sơn: Nông dân trồng mía gặp khó khăn vì hạn

(NTO) “Năng suất mía năm nay của địa phương được dự đoán sẽ giảm gần một nửa so với các niên vụ trước, tức trung bình chỉ còn khoảng 35-40 tấn/ha so với 60-65 tấn/ha”. Đây là nhận định của ông Lê Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn (Ninh Sơn), địa phương dẫn đầu về diện tích cây mía của cả tỉnh.

Nhận định của ông Lê Văn Lâm hoàn toàn có cơ sở. Bởi theo tìm hiểu của chúng tôi, trước tình hình nắng hạn kéo dài nhiều tháng qua, nguồn nước cung cấp cho các cánh đồng mía trên địa bàn xã Quảng Sơn đã bị hạn chế ít nhiều. Đặc biệt, tại những vùng dựa vào nước trời thì cây mía hầu như không thể phát triển. Nhiều nông dân phải chấp nhận thả liều, không đầu tư phân hay cày ải. Thậm chí có hộ còn chấp nhận bỏ gần 3ha mía vụ hai đã được vài tháng tuổi cho bò ăn.

Nhiều diện tích mía của nông dân xã Quảng Sơn (Ninh Sơn)
đã chết khô dù hơn 6 tháng tuổi.

Trong ngày 5 và 6-9-2018, có mặt tại cánh đồng mía Suối Mây 1, thôn Triệu Phong (xã Quảng Sơn), chúng tôi ghi nhận hàng chục ha mía của nhiều hộ nông dân nơi đây đã bị vàng héo, khô róc. Mặc dù phần lớn các diện tích này đã từ 5 đến 7 tháng tuổi, nhưng chỉ cao chưa đến một mét, thậm chí nhiều diện tích thân mía hầu như không có lóng. Chỉ tay vào 3 ha mía khô, cháy vàng của gia đình, anh Nguyễn Tuân, thôn Triệu Phong 1, than thở: Mía này chặt từ cuối tháng 12- 2017, tính đến tháng 6 vừa qua tôi đã bỏ hai đợt phân gần 30 triệu đồng, nhưng thiếu nước, mía không thể phát triển. Từ đó đến nay tôi không đầu tư nữa, chấp nhận bỏ mía vụ này. Cách rẫy mía của ông Tuân khoảng 500 m, hơn 2 ha mía của hộ ông Nguyễn Đức Thoại, thôn Triệu Phong 1 cũng không thể phát triển được. Nhưng cách giải quyết của hộ nông dân này có vẻ nhanh hơn là để cho bò của gia đình ăn và tranh thủ cày lại diện tích đất trồng cây khác. “Tôi trồng 5 ha mía, hơn 2 ha khô chết nên làm thức ăn cho bò, chứ bỏ không như thế cũng tiếc. Hiện còn 3 ha tôi đã nhận phân bón đầu tư của nhà máy nhưng chưa thể bỏ vì thời tiết như thế này bỏ chỉ thêm phí phân”, ông Thoại cho biết.

Theo ghi nhận của chúng tôi, toàn bộ cánh đồng mía khu vực Suối Mây 1 ước cũng vài trăm ha. Đây được xem là một trong những vùng mía chủ động của Nhà máy đường Biên Hòa-Phan Rang trong việc đầu tư. Tuy nhiên, dù đã bước vào tháng 9, tức mía đã đạt trên 5, 6 tháng tuổi nhưng phần lớn diện tích không thể phát triển vì thiếu nước. Theo tính toán của các nông hộ, nếu như mọi năm thời tiết có mưa thuận lợi thì các diện tích này phần thân lóng đều đã đạt khoảng từ 1 đến 1,5 m.

Theo ông Lê Văn Lâm, sở dĩ việc ông nhận định năng suất, sản lượng mía của địa phương sẽ giảm nhiều so với các năm trước là do năm nay diện tích mía của xã đã giảm gần 700 ha, chỉ còn khoảng trên 1.600 ha so với 2.300 ha vụ trước. Việc giảm này là do nông dân bỏ mía để trồng mỳ sau nhiều vụ mía không thuận lợi. Bên cạnh đó, qua khảo sát thực tế của xã thì đúng là có rất nhiều hộ đã chấp nhận bỏ diện tích mía, không đầu tư nữa khi mía được vài tháng tuổi. “Chúng tôi đã có kiến nghị lên huyện xem xét, để có những đề xuất với Nhà máy đường Biên Hòa-Phan Rang về hỗ trợ đầu tư giá cho nông dân trong vụ này” ông Lâm cho biết thêm.

Ngày 7-9, làm việc với Công ty Cổ phần đường Biên Hòa-Phan Rang, ông Phan Thành Hiền, Phó Giám đốc phụ trách nguyên liệu Công ty xác nhận: Nhiều khả năng năm nay sản lượng và năng suất mía mà phía công ty ước đầu tư thu mua trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là khu vực huyện Ninh Sơn sẽ xuống thấp rất nhiều. Cụ thể, đầu niên vụ, công ty dự kiến đầu tư thu mua 3.300 ha, tuy nhiên qua rà soát đến cuối tháng 8 thì đã có hơn 500 ha mía tại các khu vực thuộc xã Quảng Sơn, Hòa Sơn bị chết. Riêng 30 ha mía của công ty đứng ra đầu tư độc lập tại khu vực cánh đồng Hòa Sơn- Suối Mây cũng đã chết hoàn toàn do nước không đủ bơm. Bên cạnh đó, từ đây đến khi vào thu hoạch nếu có mưa thuận lợi thì năng suất mía bình quân cũng chỉ đạt vào khoảng gần 50 tấn/ha.

Với các thông tin nhận định của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và qua thâm nhập thực tế của phóng viên, niên vụ mía năm nay của nông dân Ninh Sơn sẽ gặp nhiều khó khăn vì khô hạn.