Phát triển sản xuất nông nghiệp xây dựng nông thôn mới

(NTO) Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), các ngành, địa phương trong tỉnh đang tập trung duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Bên cạnh đó, một số nội dung cơ bản của chương trình như phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, vệ sinh môi trường…được các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Nông dân xã Lợi Hải (Thuận Bắc) chuyển đổi trồng măng tây xanh cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Duy Anh

Theo đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, thực hiện Đề án Chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Quyết định số 65/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh, từ đầu năm đến nay, các địa phương đã triển khai thực hiện các mô hình sản xuất cánh đồng lớn, nhân rộng các mô hình tưới tiết kiệm và chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn. Cụ thể các địa phương đã thực hiện 12/14 mô hình cánh đồng lớn, với tổng diện tích 1.271 ha/1.424,6 ha, đạt 89,22% kế hoạch (KH) năm. Các mô hình tưới tiết kiệm, chuyển đổi đất trồng lúa nước kém hiệu quả sang cây trồng khác cũng được khảo sát, xây dựng phương án để triển khai và thực tế đã có một số địa phương triển khai thực hiện. Tính chung đã có 739,6 ha thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các huyện, cụ thể: Ninh Sơn (200 ha), Ninh Phước (169,4 ha), Ninh Hải (33,5 ha), Bác Ái (225 ha), Thuận Bắc (49,4 ha), Thuận Nam (62,3 ha). Các mô hình sản xuất có hiệu quả gắn với chương trình NTM vẫn tiếp tục triển khai nhân rộng; đơn cử như mô hình sản xuất lúa “1 phải, 5 giảm” được huyện Ninh Phước nhân rộng 3.651 ha, huyện Thuận Bắc nhân rộng 948 ha, huyện Ninh Hải nhân rộng 225 ha.

Nông dân thôn Phước Khánh, xã Phước Thuận (Ninh Phước) chăm sóc vùng nho tập trung gắn với du lịch sinh thái, miệt vườn.

Tìm hiểu tại xã Phước Thuận (Ninh Phước), chúng tôi được đồng chí Bùi Đăng Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Phước Thuận hiện có 183 ha nho, 111 ha táo, để duy trì ổn định các tiêu chí về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, xã đề ra nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh phát triển trồng nho, táo và chăn nuôi dê, cừu, bò; liên kết các doanh nghiệp nâng cao các chuỗi giá trị sản phẩm địa phương và chú trọng tạo việc làm cho lao động nông thôn. Có thể thấy rõ các mô hình sản xuất rau an toàn; mô hình trồng táo, nho kết hợp với nuôi dê, cừu vỗ béo; mô hình sản xuất theo hướng VietGAP trên cây nho, táo tiếp tục được các địa phương thực hiện. Ngoài ra, các mô hình liên kết sản xuất giữa nông dân với hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp tiếp tục được duy trì. Theo mô hình này, xã Xuân Hải (Ninh Hải) có Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại Mộc Thành Quả liên kết với Tổ hợp tác (THT) Măng tây xanh Bà Láp, HTX Kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp An Xuân bao tiêu 50 tấn măng tây xanh của nông dân. Huyện Ninh Phước có mô hình nuôi heo tập trung quy mô từ 600 - 2.000 con/trại liên kết với Công ty CP tại hai xã Phước Vinh và An Hải; mô hình nuôi gà lấy trứng quy mô 120.000 con/trại tại thôn Liên Sơn, xã Phước Vinh liên kết với Công ty Emivest Nha Trang (Khánh Hòa).

Theo Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, để nâng chất lượng tiêu chí xây dựng NTM, cùng với phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả, còn phải đạt chuẩn về hình thành tổ chức sản xuất. Tính đến nay, toàn tỉnh có 70 HTX (có 10 HTX thành lập mới), trong đó có 13 HTX hoạt động kém hiệu quả đang chờ giải thể và 57 HTX đang hoạt động (gồm 47 HTX nông nghiệp, 2 HTX thủy sản, 3 HTX tiểu thủ công nghiệp và 5 HTX kinh doanh tổng hợp). Không chỉ mô hình HTX sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị, liên kết với doanh nghiệp còn ít, điều trăn trở là còn nhiều xã vẫn chưa có HTX. Trước tình hình đó, tỉnh hỗ trợ giống, phân thuốc, tập huấn kỹ thuật cho các HTX tham gia các mô hình cánh đồng lớn năm 2018 và tiếp tục hỗ trợ các HTX đầu tư chế biến góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. “Để đảm bảo theo quy định của tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất, các địa phương đang tiếp tục phối hợp với ngành nông nghiệp, Liên minh HTX tỉnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ thành lập HTX, nhất là ở các xã chưa có HTX”- đồng chí Nguyễn Đình Trưng, cán bộ chuyên trách Văn phòng Điều phối chương trình NTM tỉnh cho biết.

Cùng với đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, hiện nay Sở NN&PTNT đang phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai chương trình giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn tỉnh và phối hợp cùng đơn vị tư vấn xây dựng Đề án “Mỗi xã một sản phẩm”. Đối với đào tạo nghề lao động nông thôn, tính riêng trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo được 1.187 lao động nông thôn, trong đó đào tạo nghề nông nghiệp cho 992 lao động và nghề phi nông nghiệp cho 195 lao động, đạt 45,65% kế hoạch. Qua đào tạo, người lao động đã từng bước áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp góp phần tăng năng suất, tăng thu nhập cho gia đình, ổn định đời sống, tiến đến giảm nghèo bền vững.

Nhìn chung, với việc mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển sản xuất nông nghiệp, các xã trong tỉnh đang thể hiện quyết tâm nâng chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM. Dù còn khó khăn, song tin rằng nếu tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của tỉnh gắn với phát triển ngành nghề vào cuối năm nay, số xã đạt tiêu chí thu nhập và giảm hộ nghèo đa chiều sẽ tăng hơn.