Những hệ lụy khi Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran

Quan hệ Mỹ - Iran tiếp tục căng thẳng khi Tổng thống Donald Trump vừa ký sắc lệnh hành pháp tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran trong khi Tổng thống Hassan Rouhani tuyên bố, Iran sẽ khiến cho Mỹ phải "hối tiếc" vì đã tái áp đặt trừng phạt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này. Các chuyên gia phân tích nhận định, việc Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran sẽ gây ra nhiều hệ lụy.

Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt với Iran

Tổng thống Mỹ Trump ngày 6-8-2018 đã ký sắc lệnh hành pháp tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran, đồng thời khẳng định chính sách của Washington là "gây sức ép tối đa về kinh tế" đối với nước Cộng hòa Hồi giáo. Tuy nhiên, ông vẫn để ngỏ khả năng đưa ra một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran.

Trong một tuyên bố, Tổng thống Trump nhắc lại quan điểm cho rằng thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Iran đã ký với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp và Đức) hồi năm 2015, có tên gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), là thỏa thuận "tồi và một phía". Tuy nhiên, ông cũng cho biết "vẫn để ngỏ việc đạt được một thỏa thuận toàn diện hơn", theo đó đề cập đến toàn bộ hoạt động của Tehran, trong đó có chương trình tên lửa đạn đạo. Theo giới chức Mỹ, Tổng thống Trump sẵn sàng gặp các nhà lãnh đạo Iran "bất kỳ lúc nào".

Tổng thống Trump đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh nhóm các biện pháp trừng phạt đầu tiên từng được nới lỏng dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama được áp đặt trở lại vào 4h01' ngày 7-8 (giờ GMT tức 11h01' theo giờ Việt Nam). Theo đó, chính phủ Iran sẽ bị cấm mua USD, bị chặn giao dịch về vàng, các kim loại khác, than và phần mềm liên quan đến công nghiệp. Ngoài ra, Mỹ cũng ngừng nhập khẩu các mặt hàng thảm và thực phẩm của Iran, chặn một số giao dịch tài chính của nước này. Hoạt động xuất khẩu dầu của Iran, nguồn thu ngoại tệ chủ lực của nước này, được dự báo cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sau đó, đầu tháng 11 tới, Mỹ cũng dự kiến áp đặt gói biện pháp trừng phạt thứ hai nhằm vào ngành dầu mỏ và ngân hàng trung ương Iran.

Phản ứng trước việc Tổng thống Mỹ Trump ký sắc lệnh hành pháp tái áp đặt các biện pháp trừng phạt tuy vẫn để ngỏ thỏa thuận hạt nhân mới với Iran, Tổng thống Iran Rouhani tuyên bố Tehran có thể tiến hành đàm phán với Mỹ chỉ khi Washington chứng minh được sự đáng tin cậy của họ sau khi nước này đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Trong bài phát biểu được phát sóng trực tiếp trên truyền hình nhà nước Iran, Tổng thống Iran nêu rõ chính quyền Mỹ cần phải chứng minh rằng họ sẵn sàng giải quyết các vấn đề thông qua đàm phán sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và nhiều hiệp ước quốc tế khác. Tổng thống Rouhani khẳng định: “Chúng tôi luôn ủng hộ biện pháp ngoại giao và đàm phán… Nhưng các cuộc đàm phán cần phải chân thật… Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran và rút khỏi thỏa thuận hạt nhân (năm 2015) và sau đó lại muốn đàm phán với chúng tôi”.

Ông Rouhani cho rằng sau một loạt động thái của Mỹ, Washington không thể chứng minh về sự đáng tin cậy của họ trong bất kỳ cuộc đàm phán nào. Tổng thống Iran cho biết: “Các cuộc đàm phán đi kèm các lệnh trừng phạt thì không có ý nghĩa gì. Họ đang áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào các trẻ em, người bệnh, và cả đất nước Iran”. Theo ông Rouhani, lời kêu gọi mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc đàm phán trực tiếp với Iran chỉ nhằm mục đích tạo ra sự chia rẽ ở nước này.

Ngoài ra, Tổng thống Rouhani tuyên bố, Iran sẽ khiến cho Mỹ phải "hối tiếc" vì đã tái áp đặt trừng phạt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này, đồng thời kêu gọi đoàn kết nhằm đối phó với các thách thức về kinh tế. Cũng theo ông Rouhani, Iran mong muốn cải thiện quan hệ với thế giới và các quốc gia láng giềng trong khu vực nhằm bảo vệ hòa bình tại Trung Đông.

Trước đó, ngày 24-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố để ngỏ khả năng đàm phán về một thỏa thuận phi hạt nhân hóa nước Cộng hòa Hồi giáo này. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qassemi tuyên bố Tehran sẽ không bao giờ tham gia các cuộc đàm phán không công bằng với Mỹ.

Những hệ lụy

Năm 2015, Iran và nhóm P5+1 đã ký JCPOA. Theo thỏa thuận hạt nhân này, các biện pháp trừng phạt Iran liên quan chương trình hạt nhân của nước này dần được dỡ bỏ để đổi lấy việc Tehran bảo đảm tính chất hòa bình của các hoạt động hạt nhân. Tuy nhiên, hồi đầu tháng 5 vừa qua, Tổng thống Donald Trump chính thức rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đã được phê chuẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, với lập luận rằng thỏa thuận này không ngăn được Iran phát triển tên lửa và làm mất ổn định tại khu vực Trung Đông và vùng Vịnh, đồng thời tuyên bố sẽ tái áp đặt các lệnh trừng phạt đơn phương chống Tehran.

Hiện các nước châu Âu tham gia ký kết JCPOA vẫn đang nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran sau khi nước Mỹ rút khỏi. Liên minh châu Âu (EU) khẳng định JCPOA có vai trò quan trọng đối với an ninh toàn cầu và đang cố tìm cách duy trì các đường tiếp cận về tài chính cũng như kinh tế cho Teheran.

Ngày 6-8, EU tuyên bố khối này đã sẵn sàng đưa ra các biện pháp mới để bảo vệ doanh nghiệp châu Âu trước những ảnh hưởng do lệnh cấm vận được Mỹ tái áp đặt chống Iran. Ủy ban điều hành của EU cho biết "quy chế phong tỏa" sẽ có hiệu lực vào từ 4h giờ GMT ngày 7-8. Cơ chế này sẽ ngăn các công ty châu Âu tuân thủ theo các biện pháp trừng phạt của Mỹ, trừ khi được sự cho phép của Ủy ban châu Âu. Chính phủ các nước thành viên EU cũng được quyền sử dụng các biện pháp đáp trả "hiệu quả, cân xứng và mang tính răn đe" trong trường hợp doanh nghiệp của họ bị thiệt hại. Quy chế cũng ngăn chặn ảnh hưởng của các hành động pháp lý từ phía Mỹ và giúp các công ty châu Âu có thể khắc phục những thiệt hại do lệnh trừng phạt gây ra.

Trước đó, vào tháng 6, Ngoại trưởng Iran Mohammad Zarif đã thực hiện chuyến công du tới các nước châu Âu và Trung Quốc với nhiệm vụ tìm cách "cứu vãn" thỏa thuận hạt nhân lịch sử.

Thực tế cho thấy trong ba năm qua, việc đạt được thỏa thuận hạt nhân đã tạo điều kiện để nước Cộng hòa Hồi giáo Iran giành được lợi thế không chỉ về chính trị, được cộng đồng quốc tế thừa nhận vị thế, mà cả những lợi ích to lớn về kinh tế. Sau khi JCPOA có hiệu lực và Washington dỡ bỏ cấm vận, các công ty của châu Âu, Trung Quốc và Nga đã đổ nhiều tỷ USD vào thị trường chưa được khai phá này. Riêng năm 2016, đầu tư nước ngoài vào Iran lên tới 3,4 tỷ USD, đưa nền kinh tế nước này tăng trưởng nhảy vọt tới 12,5%. Tuy nhiên, từ khi có những lời đe dọa của Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, đồng rial của Iran đã mất giá mạnh do đầu tư nước ngoài giảm tới 50% kể từ cuối năm 2017. Luồng tài chính chảy ra nước ngoài ồ ạt, ước tính có thể lên đến 10 -30 tỷ USD.

Việc Tổng thống Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và ký sắc lệnh hành pháp tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran sẽ gây ra những hậu quả lớn từ địa chính trị cho tới kinh tế đối với Tehran và cả các nước EU, vốn là khu vực đi đầu trong hoạt động giao thương với Iran kể từ khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ. Đối với Iran, các chuyên gia nhận định việc Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt sẽ vắt kiệt nền kinh tế của Iran, quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu dầu mỏ này trong thời gian tới. Còn đối với EU, việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đồng thời tái áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với nước này không chỉ làm tăng nguy cơ phổ biến vũ khí ở khu vực ngay sát châu Âu, mà còn phá vỡ uy tín của EU, khiến dư luận liên tưởng tới một EU có ảnh hưởng mờ nhạt. Đó là chưa kể tới những thiệt hại to lớn về lợi ích thương mại và kinh tế mà các công ty châu Âu đang đầu tư ở Iran phải hứng chịu. Theo thống kê, năm 2017, giá trị hàng hóa xuất khẩu của EU vào Iran đạt gần 11 tỷ euro (khoảng 13 tỷ USD). Tập đoàn chế tạo máy bay Airbus của châu Âu đã đạt được hợp đồng trị giá 10 tỷ euro tại Iran, hãng dầu khí Total đầu tư hơn 3 tỷ euro vào thị trường này.

Tuy nhiên, không chỉ Iran và EU chịu tác động do Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran, hãng máy bay Boeing của Mỹ cũng sẽ chịu nhiều thiệt hại khi thỏa thuận cung cấp máy bay dân dụng cho Iran trị giá hàng chục tỷ USD phải tạm ngừng do lệnh trừng phạt của Mỹ. Đồng thời, việc Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran sẽ tác động lớn tới thị trường dầu mỏ bởi Iran là một trong những quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới.

Theo TTXVN