Thuận Nam khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển ngành kinh tế mũi nhọn

(NTO) Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ II, nhiệm kỳ 2015- 2020, Huyện ủy, UBND huyện Thuận Nam tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, tạo bước đột phá mới trong phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Bằng những cách làm sáng tạo, Thuận Nam đã khai thác được tiềm năng, lợi thế phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn. Quy mô kinh tế biển tăng; trong đó, giá trị sản xuất ngành thủy sản tăng bình quân 6%/năm. Chỉ tính riêng khai thác hải sản trong 6 tháng đầu năm 2018, sản lượng đạt 32.301 tấn, tăng 10,8% so với cùng kỳ. Theo đồng chí Diệp Minh Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện, đạt được thành tích đó là nhờ huyện tập trung lãnh đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển thủy sản, tổ chức lại hoạt động khai thác theo hướng vươn khơi xa đánh bắt dài ngày.

Ngư dân Thuận Nam phấn khởi khai thác cá cơm đạt sản lượng cao. Ảnh: Văn Nỷ

Hiện toàn huyện có 950 tàu cá, với tổng công suất gần 140.000 CV, các tàu được lắp đặt thiết bị hàng hải hiện đại, đủ điều kiện đánh bắt ở vùng biển xa. Huyện cũng đã thành lập được 106 Tổ đoàn kết đánh bắt thủy sản đang hoạt động có hiệu quả, mô hình tiếp tục được nhân rộng với nét mới là coi trọng biên chế chiến sỹ dân quân ở các đội tàu để làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trên biển. Cùng với đó, nghề chế biến hải sản, chủ yếu là sản phẩm cá hấp và nước mắm cũng phát triển mạnh, tạo ra giá trị gia tăng, đưa lại nguồn thu lớn cho các hộ làm nghề. So với năm 2015, hoạt động chế biến hải sản hiện nay có bước phát triển mới nhờ sự hỗ trợ của nhà nước trong đầu tư công nghệ mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thương hiệu. Ngày 26-7-2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu cho sản phẩm nước mắn Cà Ná, đây là tín hiệu mừng, góp phần thúc đẩy nghề làm nước mắm truyền thống ở địa phương phát triển bền vững.

Nhìn lại thực hiện nhiệm vụ chính trị từ đầu nhiệm kỳ đến nay để thấy, Thuận Nam đã khai thác được lợi thế so sánh để phát triển du lịch biển. Ngay sau khi tuyến đường ven biển từ Bình Tiên đến Cà Ná đưa vào hoạt động, đón đầu cơ hội, huyện đẩy mạnh công tác quảng bá thu hút khách du lịch đến với địa phương ngày càng đông. Nếu như trước đây, ngọn Hải Đăng ở Mũi Dinh chủ yếu là khách trong nước đến tham quan, thì hiện nay có thêm cả khách quốc tế. Các dự án du lịch độc đáo, có tính khác biệt cũng đã được triển khai xây dựng. Đơn cử, “Làng Mông Cổ” với những ngôi nhà bạt nằm trong Khu du lịch thể thao mạo hiểm Tanyoni ở thôn Sơn Hải (xã Phước Dinh) thực sự quyến rũ các phượt thủ bởi vẻ đẹp nguyên sơ của vùng đất đầy nắng và gió.

Bãi biển Cà Ná (Thuận Nam) là một trong những thắng cảnh
thiên nhiên đẹp thu hút nhiều du khách.Ảnh: Duy Anh

Gần đây, thực hiện chỉ đạo của tỉnh trong việc triển khai các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư ở những lĩnh vực lợi thế, Thuận Nam chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục cấp đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho một số doanh nghiệp đến đầu tư năng lượng tái tạo, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, tạo năng lực tăng thêm, góp phần vào thu ngân sách. Cuối tháng 3 vừa qua, nhân dân huyện Thuận Nam huân hoan trước sự kiện Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển Trường Thành khởi công Dự án Điện mặt trời Bàu Ngứ với công suất 50MW, tổng vốn đầu tư 1.150 tỷ đồng. Ông Trần Huy Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty, cho biết: Nhờ có sự hỗ trợ của ngành chức năng, địa phương, công tác giải phóng mặt bằng với tổng diện tích 75 ha diễn ra thuận lợi đã góp phần vào đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, dự tính hoàn thành hòa vào lưới điện quốc gia trước tháng 6-2019. Không dừng lại đó, đầu tháng 6-2018, 2 dự án điện năng lượng mặt trời tại xã Phước Minh, với diện tích 554 ha, công suất lắp đặt phát điện dự kiến 350 MW, tổng mức đầu tư khoảng 9.576 tỷ đồng cũng đã khởi công, dự kiến hoàn thành trong quý I-2021. Đây là dự án điện mặt trời kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao có quy mô lớn đứng thứ 2 trên toàn tỉnh.

Có thể nói, Thuận Nam đang đứng trước những cơ hội đầu tư lớn, hứa hẹn sẽ tạo đột phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội. Trung tuần tháng 7 vừa qua, Tập đoàn Total, Tập đoàn Siemens, Tập đoàn Vovatek và Công ty TNHH Đầu tư công nghệ Việt Nam đã đề xuất với tỉnh phương án đầu tư dự án Tổ hợp điện khí tại Cà Ná với tổng công suất 4.500MW, nguồn kinh phí lên tới 1,2 tỷ USD, đã mở ra triển vọng lớn cho Thuận Nam bức phá vươn lên trong tương lai không xa.