Phát huy hiệu quả Nhãn hiệu chứng nhận nước mắm Cà Ná

(NTO) Nghề làm nước nắm truyền thống ở xã Cà Ná và Phước Diêm (Thuận Nam) được hình thành cách đây hàng trăm năm, tạo ra sản phẩm đặc thù của tỉnh với các nhà mắm nổi tiếng như Hai Non, Hồng Hương, Hương Miền Trung… được người tiêu dùng trong cả nước biết đến.

Nước mắm làm bằng nguyên liệu cá cơm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm xuất xứ từ các địa phương trên có hương vị thơm đậm đà không thể lẫn vào đâu được. Hiện tại, trên địa bàn có 265 hộ chuyên làm nghề nước mắm, mỗi năm sản xuất hàng triệu lít, với tổng giá trị ước đạt 38 tỷ đồng.

Sản xuất nước mắm ở xã Cà Ná và Phước Diêm được xác định là nghề lợi thế, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, đảm bảo cuộc sống ổn định cho cư dân vùng biển. Để tạo dựng uy tín thương hiệu nước mắm Cà Ná, ngày 15 - 9 -2016, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), huyện Thuận Nam đã đăng ký xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận nước mắm Cà Ná nhằm chứng minh các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa. Ngày 26 -7- 2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu cho sản phẩm nước mắm Cà Ná, đây là tín hiệu mừng, góp phần thúc đẩy nghề làm nước mắm truyền thống ở địa phương phát triển bền vững.

Sản phẩm của Cơ sở nước mắm Hương Miền Trung được dán nhãn hiệu điện tử.

Ngay sau khi sản phẩm nước mắm Cà Ná được bảo hộ, ngành chức năng đã xây dựng kế hoạch quản lý, phát huy hiệu quả giá trị Nhãn hiệu bằng các hoạt động kiểm tra, kiểm soát chất lượng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo thương hiệu mạnh trên thị trường. Các hộ sản xuất nước mắm cũng được cơ quan chức năng tạo mọi điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, thiết lập các kênh tiếp thị phân phối rộng khắp trên toàn quốc. Công tác phát huy hiệu quả Nhãn hiệu chứng nhận nước mắm Cà Ná đang được tăng cường, khi hiện nay Sở KH&CN xúc tiến triển khai thí điểm dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm nước mắm Cà Ná. Đồng chí Phạm Văn Hưng, Trưởng phòng Quản lý công nghệ và chuyên ngành (Sở KH&CN), cho biết: Việc dán tem nhằm mục đích giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận diện sản phẩm chất lượng, ngăn ngừa tình trạng gian lận về thương mại. So với các loại tem thông thường, tem điện tử có ưu điểm vượt trội là không thể tẩy, xóa, bóc tách, thay đổi thông tin. Để kiểm tra chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng tải ứng dụng, check mã lên điện thoại di động là biết được nguồn gốc xuất xứ, các chỉ số tiêu chuẩn của sản phẩm. Tác dụng của dán tem điện tử tạo sự minh bạch về chất lượng, nên sản lượng tiêu thụ tăng lên 10% so với trước khi chưa dán nhãn

Tiếp tục khai thác và phát huy hiệu quả Nhãn hiệu chứng nhận một cách toàn diện, UBND huyện Thuận Nam đang đẩy mạnh vận động các hộ sản xuất nước mắm trên địa bàn đăng ký dán nhãn hiệu điện tử lên sản phẩm; đồng thời, tăng cường hỗ trợ quảng bá để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước. Huyện cũng đã đề nghị ngành chức năng hỗ trợ quản lý nguồn nguyên liệu đầu vào, kiểm soát chất lượng sản phẩm, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, thông tin, tuyên truyền, quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Từ những hoạt động thiết thực của ngành chức năng và chính quyền địa phương, đã nâng cao ý thức của các hộ sản xuất nước mắm xác định được việc khai thác sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận là chiến lược để duy trì, phát triển làng nghề. Các cơ sở chế biến nước mắm tuân thủ nghiêm ngặt và đầy đủ các quy định về sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận, mạnh dạn đầu tư thiết bị công nghệ, mở rộng sản xuất, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo được độ tin cậy đối với người tiêu dùng. Tin tưởng, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương và các hộ sản xuất, kinh doanh trong việc phát huy có hiệu quả Nhãn hiệu chứng nhận sẽ đưa nghề sản xuất nước mắm truyền thống phát triển lên tầm cao mới, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.