Hãy tôn trọng những việc làm bình thường, cần thiết vì sự thượng tôn pháp luật

Sau khi thông tin về việc xử lý các đối tượng biểu tình, gây rối, phá hoại ở Bình Thuận, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh... vừa qua được công bố, đã xuất hiện những ý kiến lạc lõng, thiếu khách quan của một số đài, báo nước ngoài và các thế lực thù địch để biện minh cho hành vi vi phạm pháp luật. Lố bịch hơn, họ còn đổi trắng thay đen, kêu gọi phải “trừng phạt Việt Nam vì đã đàn áp dã man những người biểu tình ôn hòa…”.

Việc xử lý bình thường và những ý kiến… không bình thường?

Ngày 13-7 vừa qua, Công an tỉnh Bình Dương ra quyết định khởi tố hai đối tượng rải truyền đơn trái phép nhằm kích động biểu tình, gây rối trật tự công cộng, phản đối dự thảo Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc tại Khu công nghiệp Sóng Thần ở thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương).

Trước đó, ngày 12-7, Tòa án nhân dân Tp. Phan Thiết tuyên phạt từ 18 tháng tù treo đến 30 tháng tù giam đối với 7 đối tượng bị bắt giữ, tạm giam về tội gây rối trật tự công cộng vào ngày 11-6.

Báo chí ngày 13-7 cũng đưa tin theo kế hoạch, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã có quyết định đưa ra xét xử vụ án gây rối trật tự công cộng đối với Nguyen William Anh (còn có tên gọi khác là Will Nguyen, Nguyen Anh William, William Nguyen, thường trú tại bang Texas, Hoa Kỳ) vì phạm tội gây rối trật tự công cộng theo Khoản 2, Điều 318 Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Việc xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật nêu trên là điều bình thường và hết sức cần thiết để bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội theo quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế. Thế nhưng, cách nhìn thiếu thiện chí, áp đặt của một số kênh truyền thông, báo chí hải ngoại đã biến những việc bình thường thành những sự việc không bình thường, cần sự “can thiệp” của các tổ chức quốc tế. Họ cho rằng những đối tượng trên đều chỉ tuần hành, “biểu tình ôn hòa” để “bày tỏ chính kiến” và việc chính quyền xử lý như vậy là “đàn áp dã man”. Tổ chức Ân xá Quốc tế còn hô hào gây sức ép “phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện những người biểu tình bị giam và phải tiến hành cuộc điều tra ngay, toàn diện và hiệu quả đối với những cáo buộc có những người biểu tình bị tra tấn trong khi bắt giữ”.

Còn với đối tượng William Nguyen, cũng xuất hiện không ít ý kiến thiếu khách quan, vu cáo lực lượng chức năng đã đàn áp anh này khi chỉ “tuần hành ôn hòa”. Luật sư Lê Công Định còn khuyến nghị “William Nguyen có thể kiện Công an Việt Nam theo luật của Hoa Kỳ”. Ba dân biểu của bang California đã gửi một bức thư tới Tổng thống Donald Trump yêu cầu can thiệp, “điều tra về sự vi phạm nhân quyền”…

Từ vụ việc các đối tượng bị xử lý, họ đưa ra những “giải pháp cho Việt Nam”, kêu gọi người dân phải đấu tranh để sớm có Luật Biểu tình, Luật về Hội thì mới bảo đảm dân chủ, nhân quyền đúng nghĩa.

“Thương vay khóc mướn” hay thiếu tôn trọng pháp luật?

Ý kiến của những cá nhân và tổ chức thích “thương vay khóc mướn” cho những đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam có khách quan và đúng sự thật? Không khó để trả lời câu hỏi đó nếu tìm hiểu ngay từ mỗi vụ việc.

Với 7 đối tượng ở Bình Thuận, nghiên cứu bản cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tp. Phan Thiết có thể thấy rõ những hành vi vi phạm pháp luật của họ. Các đối tượng đã có hành vi tụ tập đông người trước UBND tỉnh Bình Thuận để tham gia cùng với các đối tượng khác hò hét, ném gạch đá và bom xăng tự chế vào lực lượng công an đang làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự công cộng (đó là chưa kể có đối tượng mang bình ga loại 12kg đến nơi công cộng chuẩn bị châm lửa đốt thì bị lực lượng công an phát hiện bắt giữ). Hành vi của các đối tượng trên gây ồn ào, hỗn loạn, mất an ninh trật tự tại khu vực.

Theo quy định của pháp luật, hành vi của các đối tượng đã phạm vào tội “Gây rối trật tự công cộng” thuộc trường hợp “dùng hung khí” và “hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng”, là tình tiết định khung tăng nặng hình phạt được quy định tại Điểm b và Điểm đ, Khoản 2, Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó, khung hình phạt sẽ là từ 2 đến 7 năm tù nhưng Tòa án nhân dân Tp. Phan Thiết chỉ tuyên phạt các bị cáo mức từ 18 tháng tù treo (với đối tượng vị thành niên) đến 30 tháng tù giam. Như vậy, mức xử phạt này là đã khoan hồng, nhẹ hơn so với khung hình phạt. Vậy thì căn cứ vào đâu để các tổ chức, cá nhân “lên tiếng” họ bị đàn áp dã man? 

Còn với đối tượng Nguyen William Anh, theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh, đối tượng là người gốc Việt có quốc tịch Hoa Kỳ, theo học thạc sĩ tại Singapore. Đối tượng này thường xuyên theo dõi tin tức đăng tải trên mạng xã hội liên quan đến Việt Nam nên biết thông tin có kêu gọi biểu tình phản đối dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc và Luật An ninh mạng vào ngày 10-6-2018 tại TP. Hồ Chí Minh. Vì thế, Nguyen William Anh quyết định về Việt Nam để tham gia. Khi về Việt Nam biểu tình, Nguyen William Anh đã kêu gọi mọi người xô đẩy và phá hàng rào cảnh sát trên đường Nguyễn Văn Trỗi. Khi gặp 4 xe ô tô của cảnh sát chặn ngang đường, Nguyen William Anh tiếp tục yêu cầu cảnh sát rời xe cho đoàn biểu tình đi qua nhưng không được chấp thuận nên đã trèo lên xe bán tải kêu gọi mọi người trèo qua các xe, đồng thời tham gia rung lắc để lật đổ xe bán tải của cảnh sát… Với những hành vi trên, cho thấy đối tượng đã nhiều lần dẫn đầu, kêu gọi mọi người có hành vi bạo động chống lại lực lượng điều hành giao thông và giữ gìn trật tự; đã gây cản trở, ách tắc giao thông nghiêm trọng trong nhiều giờ liền từ sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm thành phố, đồng thời ảnh hưởng đến hoạt động bình thường trên các tuyến đường giao thông ở Việt Nam. Theo Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh, hành vi của Nguyen William Anh đã xâm phạm nghiêm trọng đến trật tự công cộng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội nên phải xử lý nghiêm nhằm cải tạo, giáo dục và răn đe, phòng ngừa chung. Vì thế, Nguyen William Anh đã bị truy tố về tội gây rối trật tự công cộng theo Khoản 2, Điều 318 Bộ luật Hình sự, song đã được áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại Điểm s, Khoản 1, Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017): Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.

Việc Nhà nước Việt Nam xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật trong các vụ việc trên là hoàn toàn đúng pháp luật và cũng đã thể hiện sự khoan hồng, mang tính giáo dục cao, hoàn toàn không có căn cứ để kêu gọi can thiệp. Vừa qua, dư luận quốc tế cũng đã có nhiều thông tin về vụ việc của Nguyen William Anh. Dù gia đình đối tượng này đã gửi đơn đề nghị Bộ Ngoại giao Mỹ can thiệp, song vẫn phải thừa nhận thực tế “không có kết quả như mong đợi”. Về phía Bộ Ngoại giao Mỹ, Heather Nauert-người phát ngôn sau đó cũng phát biểu với tinh thần tôn trọng pháp luật Việt Nam: “Theo như chúng tôi hiểu về luật pháp (Việt Nam) thì họ sẽ tiến hành điều tra trước khi thực sự buộc tội một ai đó”. Đồng thời, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cảnh báo các công dân nước này: “Những thứ dường như là bình thường ở Mỹ thì có thể không bình thường ở một nước khác và bạn phải tuân theo những luật lệ của đất nước mà bạn đang tới thăm”.

Có một thực tế đáng suy nghĩ là ngay cả khi trang web của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đăng tải các bài viết thiếu thiện chí, thiếu khách quan về sự việc trên thì đã xuất hiện không ít bình luận phê phán hành vi sai trái của Nguyen William Anh. Một bạn đọc viết: “Nhập cuộc tham gia biểu tình ở Mỹ là chuyện bình thường, nhưng nhảy lên xe cảnh sát ở Mỹ là “ăn kẹo đồng”, nhẹ lắm là dùi cui ngay và bị bắt nhốt, ra tòa! Công dân Việt Nam sang Mỹ đi du lịch nhưng lại tham gia biểu tình, rồi phá hoại tài sản của người Mỹ xem cảnh sát Mỹ sẽ làm gì, người dân Mỹ sẽ làm gì? Bất cứ nước nào cũng vậy, công dân nước khác vào du lịch phải tuân thủ luật pháp nước đó, vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý…”. Một bạn đọc khác nhận xét: “Nếu im lặng tuần hành giơ biểu ngữ, hoặc hò hét cũng được, nhưng không mang tính kích động người khác chống cảnh sát mà bị bắt thì chính quyền Việt Nam sai. Đằng này, rõ ràng anh ta kích động, xui người khác lật xe cảnh sát, còn nhảy lên xe cảnh sát đứng là sai rõ ràng…”.

Một bạn đọc khác phân tích: “Anh này chắc bị kẻ xấu xúi giục, không hiểu luật pháp do còn trẻ, đang đi học; hành vi cũng chưa gây thiệt hại lớn về tài sản, chưa xâm hại đến thân thể người khác và đã công khai nhận lỗi, cam kết không tái phạm nên chắc nếu Việt Nam không kết tội thì cơ hội kiếm việc làm ở Mỹ còn đỡ, nếu bị Việt Nam kết tội thì khó kiếm được việc làm ở Mỹ đấy, người Mỹ không thích những người như thế. Âu cũng là bài học cho lớp trẻ, khi sang nước khác tuyệt đối tuân thủ luật pháp nước đó”.

Không được cổ xúy cho những hành vi vi phạm pháp luật

Quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là tôn trọng dân chủ, nhân quyền, tôn trọng những ý kiến, quan điểm khác biệt cũng như khuyến khích phản biện xã hội, đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực để xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, những điều đó phải được thực hiện đúng pháp luật và trong khuôn khổ pháp luật. Hiến pháp năm 2013 quy định “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân” (Điều 28). Song, Điều 14 của Hiến pháp năm 2013 cũng quy định rõ: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Như vậy, những công dân bị xử lý vì gây rối khi biểu tình là đúng với quy định của pháp luật Việt Nam. Nhà nước Việt Nam chỉ xử lý khi họ có hành vi gây rối, chống người thi hành công vụ, đập phá tài sản chứ không xử lý họ vì “biểu tình ôn hòa” như các quan điểm sai trái, bịa đặt. Không chỉ Việt Nam mà ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, công dân tham gia biểu tình nếu có hành vi quá khích, chống đối người thi hành công vụ, đập phá tài sản công thì sẽ đều bị ngăn chặn, trấn áp và bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Không thể mập mờ, đánh tráo khái niệm dân chủ, nhân quyền để biện minh và dung túng cho những hành vi coi thường kỷ cương phép nước cũng như can thiệp một cách thô thiển, không có căn cứ vào việc quản lý của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Với tinh thần thượng tôn pháp luật, không thể cổ xúy cho những hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng biểu tình để gây rối, phá hoại an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Với tinh thần thượng tôn pháp luật, không chỉ mỗi công dân mà các cá nhân, tổ chức quốc tế cũng cần tôn trọng việc Việt Nam xử lý các công dân vi phạm pháp luật trong các vụ biểu tình, gây rối vừa qua, đó là một việc làm bình thường của mỗi quốc gia vì nó được thực hiện khách quan, công bằng, đúng pháp luật!