Hội nghị chuyên đề về công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động và Bảo hiểm Y tế

(NTO) Ngày 11-7, đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị chuyên đề trực tuyến với các địa phương về công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động (XKLĐ) và các giải pháp tăng tỷ lệ tham gia Bảo hiểm Y tế (BHYT) đối với học sinh, hộ gia đình và người lao động (LĐ) trong doanh nghiệp năm 2018.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đã tạo việc làm cho 9.310/15.500 LĐ, đạt 60,06% kế hoạch giao, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó LĐ trong tỉnh 2.052 LĐ, chiếm 22,05% trên tổng số LĐ được giải quyết việc làm LĐ đi làm việc ngoài tỉnh là 7.131 LĐ, chiếm 76,59%. Về công tác xuất khẩu lao động, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 127 LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đạt 105,83% kế hoạch năm và tăng 42,69% so với cùng kỳ năm 2017. Tập trung ở thị trường: Nhật Bản, Ả rập Xê út, Đài Loan… Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, trong 6 tháng đầu năm, các địa phương đã tập trung triển khai công tác giảm nghèo có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng; vận động xã hội giúp các đối tượng tạo việc làm, thoát nghèo bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, việc huy động công tác xã hội hóa hỗ trợ các chương trình về nhà ở, hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh tế gia đình…đã giúp các hộ nghèo, cận nghèo tăng thêm thu nhập, có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Riêng về lĩnh vực BHYT, tính đến cuối năm 2017, số người tham gia đạt 526.816 người/603.359 người, đạt tỷ lệ 86,60% so với chỉ tiêu giao; cơ bản gần hoàn thành chỉ tiêu giao đến năm 2020.

Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Sau khi nghe các ngành, địa phương đóng góp ý kiến về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giải quyết việc làm, XKLĐ và các giải pháp tăng tỷ lệ tham gia BHYT đối với học sinh, sinh viên, hộ gia đình và người LĐ trong doanh nghiệp ngoài nhà nước trong năm 2018; đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực, trách nhiệm của các ngành, địa phương trên lĩnh vực giải quyết việc làm, XKLĐ Bảo hiểm y tế toàn dân, đạt nhiều kết quả tích cực, đột phá. Tuy nhiên, đồng chí cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, nhất là công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức trong người dân trong việc triển khai, thực hiện các chương trình còn nhiều bất cập, một số nơi chưa thực sự quan tâm đúng mức. Trên lĩnh vực BHYT, chất lượng, thái độ phục vụ, cơ sở vật chất phục vụ người khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT ở một số sơ sở còn chưa đảm bảo… Thời gian tới, đồng chí đề nghị các ngành, địa phương nỗ lực, quyết tâm phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu đã đề ra; chú trọng chuyển từ “lượng” sang “chất” đối với từng chương trình, đảm bảo tính bền vững, đi vào thực chất. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chương trình, chính sách của Trung ương và địa phương, không để xảy ra sai sót, chậm trễ; đồng thời có giải pháp nâng cao chỉ tiêu tham gia BHYT, đặc biệt là nâng cao tỷ lệ tham gia BHYT trong các doanh nghiệp và hộ gia đình; tăng cường nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ y tế trên toàn tỉnh, từ đó tạo niềm tin đối với người khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT. Đối với công tác giải quyết việc làm, phải nắm chắc thông tin thị trường LĐ; đẩy mạnh công tác tư vấn giới thiệu việc làm, XKLĐ; chú trọng nâng cao chất lượng, đồng thời mở rộng sàn giao dịch việc làm xuống các địa phương để người LĐ tiếp cận được thuận tiện hơn. Đồng chí cũng yêu cầu các ngành, địa phương cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác giảm nghèo bền vững; rà soát lại việc phân bổ nguồn lực về chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới; chỉ đạo các xã, phường xây dựng chương trình, kế hoạch sử dụng nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia đạt hiệu quả; ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp với ngành Lao động-Thương binh và Xã hội kiểm tra, xây dựng các mô hình giảm nghèo bền vững; đồng thời nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả để người dân tiếp cận và học tập, từ đó giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.