Chị thị của Tỉnh ủy: Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống hạn trên địa bàn tỉnh

(NTO) LTS: Ngày 18-6-2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 51-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống hạn trên địa bàn tỉnh. Báo Ninh Thuận trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị.

Thời gian qua, công tác phòng, chống hạn được các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh chủ động, tích cực, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp phòng, chống hạn nên bước đầu đã hạn chế được thiệt hại do hạn hán gây ra: Đã giải quyết kịp thời tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ tại một số địa phương; tổ chức kiểm tra, điều tiết hợp lý nguồn nước theo hướng ưu tiên nước cho sinh hoạt, chăn nuôi, nước phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghiệp, du lịch, dịch vụ...; thực hiện việc chuyển đổi một phần diện tích sản xuất lúa sang các loại cây trồng cạn ít sử dụng nước; có phương án chăm sóc và bảo vệ đàn gia súc, gia cầm trong điều kiện thiếu thức ăn, nước uống…

Tuy nhiên, công tác phòng, chống hạn vẫn còn hạn chế như: Một số cấp uỷ, chính quyền địa phương chưa sâu sát, chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; nhận thức của một bộ phận người dân chưa đầy đủ, chưa có ý thức sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước; việc chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở một số nơi còn thiếu kiên quyết, thiếu bền vững, hiệu quả; có địa phương chưa xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể để di dời, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm tại những vùng thiếu thức ăn, thiếu nước uống.

Dự báo thời gian tới, khả năng nắng hạn trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục xảy ra ở diện rộng hơn; do đó, Ban Thường vụ tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh cần xác định nhiệm vụ phòng, chống hạn là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu với tinh thần chủ động, khẩn trương, huy động cả hệ thống chính trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

1. Tập trung thông tin, tuyên truyền sâu rộng các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống hạn và cháy rừng trên địa bàn tỉnh; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, thanh thiếu niên và các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống hạn; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động dự trữ, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, giữ gìn vệ sinh nguồn nước.

2. Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành chức năng và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động triển khai kế hoạch phòng, chống hạn với mục tiêu cao nhất là: “không để người dân thiếu đói, thiếu nước sinh hoạt; không để đàn gia súc, gia cầm thiếu nước uống và phát sinh dịch bệnh; quyết liệt chuyển đổi cây trồng tiết kiệm nước theo hướng ổn định, bền vững”.

- Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết và nguồn nước để kịp thời có giải pháp bảo đảm nước sinh hoạt, chăn nuôi, hạn chế thiệt hại trong sản xuất và ổn định đời sống nhân dân; tăng cường nghiên cứu và triển khai các giải pháp tận thu phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, trồng cỏ và một số cây trồng khác để làm thức ăn cho gia súc; có phương án vận động, hướng dẫn người dân di chuyển đàn gia súc đến nơi có nguồn thức ăn, nước uống khi cần thiết; chú trọng công tác phòng, chống và xử lý triệt để các ổ dịch trên gia súc, gia cầm, không để lây lan trên diện rộng.

- Chủ động rà soát, có phương án hỗ trợ kịp thời cho người dân vùng hạn gắn với đẩy mạnh huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là phát huy hết các nguồn lực tại chỗ gắn với tranh thủ, sử dụng, lồng ghép có hiệu quả nguồn hỗ trợ của Trung ương.

- Tiến hành rà soát điều chỉnh kế hoạch, cắt giảm diện tích gieo trồng, đảm bảo phù hợp với tình hình hạn; chỉ đạo thực hiện quyết liệt, nghiêm túc việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng kể cả khu vực thiếu nước, khu vực đủ nước tưới và vùng sản xuất lúa tưới bằng hệ thống bơm động lực...trên địa bàn tỉnh theo hướng tăng cường áp dụng các mô hình tưới tiết kiệm, bền vững, lâu dài, ổn định, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng chí Bí thư, chủ tịch UBND các huyện, thành phố có liên quan trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

- Chỉ đạo tổ chức nạo vét, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, phát dọn, vệ sinh, khơi thông dòng chảy các kênh mương, công trình thủy lợi, ao, giếng...hiện có nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp; đẩy nhanh tiến độ triển khai, hoàn thành các công trình, dự án đầu tư về thủy lợi, cấp nước sinh hoạt...đã có chủ trương đầu tư; nghiên cứu, có kế hoạch đầu tư mới một số ao, giếng ở một số địa phương thường xuyên hạn, thiếu nước.

- Chỉ đạo các địa phương, các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và phòng, chống cháy rừng; nghiêm cấm những người không có nhiệm vụ vào rừng, hoặc có hành vi mang vật liệu dễ cháy nổ vào rừng nhằm hạn chế khả năng xảy ra tình trạng cháy rừng; chỉ đạo xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng.

- Chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu, có phương án tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ, khuyến khích người dân trồng một số loại cây trồng cạn, cây ăn quả lâu năm, cây đặc sản sử dụng tiết kiệm nước, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; tổ chức các hoạt động, phong trào nhằm tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa phòng chống hạn, phòng chống cháy rừng và việc chuyển đổi cây trồng, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước.

3. Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ đạo Hội đồng nhân dân tỉnh xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát về công tác triển khai phòng, chống hạn, cháy rừng trên địa bàn tỉnh; định kỳ báo cáo Ban Thường vụ tỉnh ủy để kịp thời chỉ đạo.

4. Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể, hội quần chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên, các tầng lớp nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; tích cực tham gia phòng, chống hạn và cháy rừng; giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác phối hợp giám sát việc tổ chức thực hiện.

5. Các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc căn cứ Chỉ thị của Ban Thường vụ tỉnh ủy và tình hình thực tế của địa phương, đơn vị khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống hạn trên địa bàn. Đồng thời, duy trì chế độ giao ban định kỳ, thường xuyên kiểm tra, đánh giá và kịp thời chỉ đạo, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn, đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại.

6. Ban Tuyên giáo tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng các cơ quan truyền thông tập trung tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị của Ban Thường vụ tỉnh ủy và tình hình tổ chức triển khai thực hiện tại các địa phương, đơn vị; tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin về tình hình, diễn biến khô hạn và các giải pháp phòng, chống; kịp thời phát hiện, tuyên truyền và phổ biến những kinh nghiệm hay, cách làm tốt trong công tác phòng, chống hạn trên địa bàn.

7. Các lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng tỉnh xây dựng kế hoạch, chủ động tham gia hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng, chống hạn, phòng chống cháy rừng và tăng cường công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội ở những địa bàn xảy ra hạn hán.

8. Văn phòng tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Chỉ thị và định kỳ báo cáo Ban Thường vụ tỉnh ủy.

Chỉ thị này được quán triệt đến các chi bộ và phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân.