Hiệu quả mô hình Tự quản an ninh trật tự ở Phước Hữu

(NTO) Phước Hữu (Ninh Phước) có diện tích tự nhiên 6.043 ha, là xã đông dân, với khoảng 19.232 người (4.391 hộ), gồm 8 dân tộc anh em (chiếm đa số là dân tộc Kinh và Chăm) cư trú, đời sống hầu hết phụ thuộc vào nông nghiệp. Trở lại đây vào giữa tháng 5, chúng tôi được biết dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, chính quyền xã, người dân đang phát huy vai trò chủ thể, dồn sức xây dựng nông thôn mới (NTM), trong đó có sự tập trung thực hiện tiêu chí số 19 “Giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội nông thôn”.

Theo đồng chí Phạm Văn Thể, Bí thư Đảng ủy xã Phước Hữu, trong những năm qua bà con đã tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và dịch vụ, mở rộng giao lưu trao đổi hàng hóa làm cho kinh tế-xã hội của Phước Hữu đạt được một số kết quả đáng khích lệ, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể. Nhưng bên cạnh đó cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến tình hình an ninh trật tự (ANTT), an toàn xã hội (ATXH). Nhận thức đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, hằng năm, Đảng ủy xã Phước Hữu đều xây dựng 2 nghị quyết chuyên đề về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực ANTT và trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ); UBND xã xây dựng kế hoạch và cụ thể hóa 2 nghị quyết trên, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể xã và các Ban quản lý (BQL) thôn xây dựng chương trình hành động phù hợp. Nhờ gắn phong trào TDBVANTQ với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, nhiều mô hình tự quản được hình thành và phát triển, được các tầng lớp nhân dân đồng thuận nhiệt tình tham gia, trong đó nổi bật nhất là mô hình Tổ nhân dân tự quản và Dòng tộc tự quản về ANTT.

Xã Phước Hữu ngày càng đổi mới. Ảnh: Văn Miên

Đồng chí Trần Như Huy, Trưởng Công an xã Phước Hữu cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, toàn xã xây dựng được 37 Tổ nhân dân tự quản trên địa bàn 7 thôn để tham gia các mặt công tác trên lĩnh vực an ninh chính trị, trật tự ATXH”. Các Tổ nhân dân tự quản thường xuyên bám sát các vụ việc xảy ra, quản lý chặt tình hình trong tổ, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân, tham gia hòa giải các vụ mâu thuẫn nhỏ, khi có biến động gì kịp thời báo cáo và giúp chính quyền, công an xã giải quyết. Điển hình có Tổ Nhân dân tự quản do ông Ngô Hậu làm tổ trưởng ở thôn La Chữ; Tổ nhân dân tự quản do bà Sử Thị Đin làm tổ trưởng thuộc thôn Thành Đức. Đối với Tộc họ tự quản về ANTT, bắt đầu hoạt động từ năm 2005, đến nay trong tổng số 26 tộc họ ở xã Phước Hữu đã có 13 tộc họ tự quản về ANTT, gồm 926 thành viên; mỗi tộc họ có 1 tộc trưởng và 1 tộc phó đứng đầu điều hành hoạt động. Từ khi thành lập, các tộc họ đã phối hợp với chính quyền địa phương vận động, giáo dục con em chấp hành tốt pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự ATXH trên địa bàn. Nổi bật có tộc họ Ha-mu Ó (trên 100 hộ gia đình) và tộc họ Minh Pui ở thôn Hữu Đức.

Để duy trì hoạt động, định kỳ hàng tháng, quý, cấp ủy chính quyền chỉ đạo lực lượng công an xã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc xã tổ chức họp giao ban với các Tổ nhân dân tự quản và Trưởng tộc họ nhằm trao đổi, thông tin lại tình hình ANTT, các loại tội phạm đang nổi lên tại địa phương… Sau đó, các Tổ nhân dân tự quản và các tộc họ báo cáo lại hoạt động trong thời gian qua, riêng các tộc họ nếu có con em vi phạm sẽ được nêu ra để cùng bàn giải pháp giáo dục, quản lý. Trong năm 2017 và 4 tháng đầu năm nay, các ban, ngành, đoàn thể xã đã phối hợp với các Tổ nhân dân tự quản và các tộc họ tổ chức 5 buổi phát động phong trào TDBVANTQ và đưa 7 đối tượng ra kiểm điểm trước dân, thu hút hàng ngàn lượt người tham gia. Với những việc làm trên, hầu hết đối tượng quản lý và các con em trong tộc họ đều nhận ra những việc làm sai của mình và có hướng khắc phục, sửa chữa không tiếp tục tái phạm. Ngoài ra, thông qua các cuộc họp, các Tổ nhân dân và các tộc họ tự quản còn phối hợp địa phương tổ chức 50 buổi tuyên truyền về công tác an toàn giao thông, nhắc nhở 26 đối tượng vi phạm pháp luật về lĩnh vực giao thông đường bộ, 53 đối tượng vi phạm về lĩnh vực ANTT, trong đó có 2 đối tượng được công an xã giao cho tổ và tộc họ quản lý, giáo dục, cảm hóa.

Như vậy, có thể thấy các Tổ nhân dân tự quản về ANTT và các tộc họ quản lý con em không vi phạm pháp luật đã góp phần quan trọng giữ gìn ANTT ở Phước Hữu. Đặc biệt, các tộc họ trở thành lực lượng hỗ trợ chính quyền địa phương trong việc quản lý, giáo dục các đối tượng thanh-thiếu niên nói chung, đồng thời hướng con mình thành người có ích cho xã hội. Để phát huy vai trò của các mô hình tự quản giữ gìn ANTT, trong năm 2018, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể xã, nhất là lực lượng công an, tăng cường công tác hướng dẫn, phối hợp với các Tổ nhân dân tự quản, các tộc họ trong đảm bảo ANTT, quản lý giáo dục con em; kịp thời phát hiện biểu dương và đề nghị các cấp khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào TDBVANTQ.