Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch

(NTO) Trong những năm gần đây, bên cạnh việc kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch (DL), tỉnh ta cũng đang tập trung phát triển nguồn nhân lực DL chất lượng cao, hướng tới sự phát triển DL bền vững.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 100 cơ sở lưu trú DL với trên 1.400 người làm việc trực tiếp trong ngành DL và ước tính có khoảng 3000 lao động gián tiếp. Số lượng nhân lực ngành DL trong những năm gần đây tăng trưởng mạnh, trong đó nhân lực gián tiếp có xu hướng tăng với quy mô lớn hơn, phản ánh rõ vai trò quan trọng của nhân lực đối với việc phát triển DL. Để hướng tới đưa Ninh Thuận trở thành điểm đến DL của cả nước, tỉnh ta đã liên kết với các trường uy tín để mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về du lịch, trong đó chú trọng đến việc đào tạo kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hoá trong DL. Ông Hồ Sỹ Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Thực hiện Quyết định số 332/QĐ-UBND ngày 3-2-2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành DL tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2016-2020, ngành luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao việc tổ chức các khoá đào tạo nghiệp vụ DL cho những đối tượng làm công tác phục vụ khách DL tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh để nâng cao chất lượng phục vụ, kỹ năng nghề, cải thiện tối đa chất lượng dịch vụ tại các cơ sở kinh doanh DL. Tuy nhiên, thực tế cho thấy lực lượng lao động DL trong những năm qua tăng theo sự phát triển của ngành nhưng vẫn chưa đảm bảo cho phát triển DL một cách bền vững, nhiều bộ phận vẫn còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, đặc biệt là trình độ lao động sử dụng được ngoại ngữ khá thấp, ngoài ra tư duy và kỹ năng làm DL của người lao động còn hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp…

Nhân viên Khu di tích Tháp Po Klong Garai thuyết minh cho du khách đến tham quan. Ảnh: Văn Miên

Như vậy, để phát triển DL một cách bền vững thì yếu tố nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng, có tác động quyết định trực tiếp tới hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp và sự phát triển ngành DL địa phương. Các doanh nghiệp DL có phát triển kinh doanh được hay không phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ nhân viên của mình. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số cơ sở kinh doanh DL thì chất lượng nhân lực phục vụ cho DL tỉnh ta hiện nay còn rất nhiều vấn đề, đặc biệt là kỹ năng nghiệp vụ chưa đạt yêu cầu, tác phong, ứng xử chưa thân thiện, chuyên nghiệp, trình độ ngoại ngữ còn nhiều hạn chế… Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp, dịch vụ DL chưa thật sự chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhân viên mình. Ông Lê Thành Hiển, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến DL tỉnh cho biết: Có nhiều doanh nghiệp vì không muốn ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của đơn vị mình nên không muốn cho nhân viên đi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, hoặc nếu có đi, thì cũng không được bao nhiêu. Tình trạng trên, nếu không khắc phục sẽ gây lãng phí cho ngân sách nhà nước. Do đó, Trung tâm đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Đội Kiểm tra liên ngành có kế hoạch kiểm tra từng doanh nghiệp, dịch vụ DL về đào tạo nguồn nhân lực, nhằm nắm lại thực chất nguồn nhân lực đã qua đào tạo và chưa được đào tạo, đồng thời nâng cao ý thức và trách nhiệm của chủ doanh nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực DL.

Du khách mua nho tươi tại Trang trại Nho Ba Mọi (xã Phước Thuận, Ninh Phước). Ảnh: V.M

Ông Hồ Sỹ Sơn cho biết thêm: Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách về chất lượng phục vụ, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục mở thêm nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ DL cho người lao động tại các cơ sở kinh doanh DL, với mục tiêu là nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phục vụ phục vụ khách. Ngoài ra, các cơ sở hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực DL cũng cần chủ động trong công tác tuyển dụng ngay từ đầu vào, đồng thời tích cực phối hợp với Sở cho người lao động đi đào tạo, bồi dưỡng, có như vậy chất lượng nguồn nhân lực mới từng bước được nâng cao.

Để phát triển DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh cần rất nhiều yếu tố tổng hợp, trong đó nguồn nhân lực DL là yếu tố quyết định trên 50% thành công. Do vậy, để đạt mục tiêu đến năm 2020 tỉnh ta đón 2,4 triệu lượt khách, yêu cầu đặt ra là cần đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển và yêu cầu ngày càng cao của du khách.