Công đoàn Ninh Thuận 26 năm trưởng thành, phát triển

(NTO) Phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, ý chí phấn đấu tự lực, tự cường, đội ngũ công nhân viên chức-lao động (CNVC-LĐ) và tổ chức Công đoàn tỉnh nhà không ngừng lớn mạnh, thi đua lao động sản xuất, đóng góp to lớn vào phát triển trên các lĩnh vực, xứng đáng là đội ngũ tiên phong đi đầu trong công cuộc CNH, HĐH, làm giàu quê hương, đất nước.

Những ngày đầu tái lập tỉnh, cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân trong tỉnh còn khá nghèo nàn, thiếu thốn. Hoạt động công đoàn cũng gặp nhiều khó khăn; đội ngũ cán bộ công đoàn vừa thiếu, vừa yếu; phong trào CNVC-LĐ và hoạt động công đoàn chưa theo kịp yêu cầu sự nghiệp đổi mới của đất nước. LĐLĐ tỉnh Ninh Thuận được tách ra từ LĐLĐ tỉnh Thuận Hải và đi vào hoạt động với số lượng Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh gồm 7 đồng chí. Đứng trước khó khăn, thử thách, Công đoàn tỉnh xác định thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm: Tổ chức kiện toàn bộ máy; tập trung chỉ đạo đại hội công đoàn các cấp và phát động, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua. Theo đó, LĐLĐ tỉnh đã khẩn trương sắp xếp lại hệ thống tổ chức công đoàn các cấp theo phương châm tinh gọn và phù hợp với yêu cầu thực tế. Toàn tỉnh có 2 công đoàn ngành: Y tế và Giáo dục, 4 LĐLĐ huyện: Ninh Hải, Ninh Phước, Ninh Sơn và thị xã Phan Rang-Tháp Chàm. Thực hiện Quyết định 62 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về sắp xếp lại công đoàn cấp huyện, đã xóa bỏ Ban Chấp hành, mỗi huyện chỉ để lại 1 đồng chí phái viên. Đối với cơ quan LĐLĐ tỉnh xóa các ban nghiệp vụ; bố trí cán bộ theo hệ thống chuyên viên. Cả tỉnh có 288 CĐCS, với hơn 7.000 đoàn viên công đoàn. Trong đó có hơn 5.000 CNVC-LĐ làm việc ở 35 doanh nghiệp nhà nước. Bằng tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn, thử thách, tổ chức công đoàn từng bước củng cố, xây dựng ngày càng phát triển. Hiện toàn tỉnh có trên 65.200 CNVC-LĐ, trong đó, khu vực hành chính, sự nghiệp có 21.386 người, khu vực doanh nghiệp có 43.814 người. Có 730 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, trên 28.500 đoàn viên trực thuộc 7 LĐLĐ huyện, thành phố và tổ chức công đoàn các ngành: Y tế, Giáo dục, Công đoàn viên chức, Công đoàn các Khu công nghiệp.

Công nhân Công ty TNHH May Tiến Thuận vào ca sản xuất.

Bên cạnh xây dựng, củng cố bộ máy, LĐLĐ tỉnh không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, chăm lo đời sống cho người lao động, cầu nối giữa người lao động và chủ doanh nghiệp, hằng năm, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các CĐCS phối hợp với chính quyền tổ chức Hội nghị CBCCVC, Hội nghị NLĐ, đại diện NLĐ ký kết thỏa ước lao động tập thể; chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức đối thoại trực tiếp, tuyên truyền, phổ biến và thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; qua đó không chỉ chấn chỉnh những trường hợp vi phạm, đồng thời giúp cho lãnh đạo các doanh nghiệp và NLĐ nắm vững các quy định mà còn kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, diễn biến phát sinh ở cơ sở, tích cực phối hợp với người sử dụng lao động, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ổn định tư tưởng, giải quyết những vấn đề còn bức xúc trong CNLĐ, nhất là những doanh nghiệp có khó khăn, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.

Các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần như: vận động quyên góp hỗ trợ, thăm hỏi đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, nhà ở "Mái ấm công đoàn”, Tết sum vầy, hội thi văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao... được tổ chức thường xuyên, với số tiền hàng năm lên đến hàng tỷ đồng, không chỉ phát huy, nêu cao tỉnh thần đoàn kết "tương thân tương ái”, "uống nước nhớ nguồn”, mà còn tạo niềm tin vững chắc của CNVC-LĐ đối với tổ chức công đoàn.

Công đoàn cơ sở Cụm 1 trực thuộc Công đoàn Viên chức tỉnh
giao lưu văn nghệ góp phần nâng cao đời sống tinh thần. Ảnh Văn Nỷ.

Nhận thức tầm quan trọng trong phong trào thi đua chính là động lực giúp mỗi cá nhân, tập thể phát huy sức mạnh, khối đoàn kết, tư duy sáng tạo trong lao động, sản xuất, những năm qua, LĐLĐ tỉnh không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức chính trị và triển khai sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các CĐCS đã nhận thức vai trò, trách nhiệm, chủ động phối hợp với chính quyền lồng ghép phong trào thi đua với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; xây dựng chương trình kế hoạch thi đua cụ thể, phù hợp, theo từng đợt, gắn với từng chủ đề, chủ điểm, có sơ, tổng kết, biểu dương, khen thưởng kịp thời nên đã nâng cao hiệu quả, thu hút đông đảo CNVC-LĐ tham gia. Điển hình như phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” trong khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có tác động tích cực đến việc phát huy tính năng động, sáng tạo, giúp NLĐ tích cực tham gia nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động. Nhiều công trình, đề tài, sáng kiến được nghiên cứu, ứng dụng vào sản xuất đạt kết quả tốt, làm lợi hàng chục tỷ đồng; nhiều sản phẩm mới ra đời có chất lượng cao, giá thành thấp, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Phong trào thi đua trong khu vực hành chính, sự nghiệp có Cuộc vận động “Xây dựng người cán bộ công chức, viên chức trung thành - sáng tạo - tận tuỵ - gương mẫu” ( nay là trung thành - trách nhiệm - liêm chính - sáng tạo), góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Trong 5 năm qua có 283 đề tài, sáng kiến cấp tỉnh được công nhận, trong đó, có 67 đề tài thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước, 20 đề tài về xây dựng Đảng; 16 đề tài về y - dược, 173 đề tài về lĩnh vực giáo dục và 7 đề tài lĩnh vực khác…

Chất lượng hoạt động các CĐCS không ngừng được nâng lên. Bình quân hằng năm, có 90% CĐCS cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; 60% CĐCS khu vực ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được xếp loại CĐCS vững mạnh.

Năm 2018 đánh dấu mốc quan trọng, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh Ninh Thuận lần thứ IX, nhiệm kỳ 2013 – 2018 và quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu trong 5 năm 2018 – 2023. Thời gian tới, LĐLĐ tỉnh tập trung đổi mới, hoàn thiện phương thức hoạt động theo hướng chất lượng, hiệu quả; lấy công tác chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và NLĐ làm phương châm tổ chức hoạt động công đoàn; phát huy có hiệu quả quyền dân chủ của NLĐ đi đôi với thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương và nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm đối với xã hội của NLĐ; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, bảo đảm tổ chức Công đoàn là nơi tập hợp, thu hút đông đảo đoàn viên và NLĐ. Chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, xây dựng tổ chức công đoàn thật sự vững mạnh; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tăng cường xây dựng giai cấp công nhân không ngừng lớn mạnh, thật sự là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.