Chuyển biến từ thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại

Bài 1: Nghị quyết 09 - NQ/TU tạo đột phá trong cơ cấu lại nông nghiệp

(NTO) Thời gian qua, Tỉnh ủy đã ban hành các nghị quyết về phát triển nông nghiệp, nông thôn, đang được UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương xây dựng kế hoạch tập trung thực hiện một cách sâu rộng, tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp.

Tỉnh ta chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán, để chủ động trước diễn biến phức tạp của thiên tai, ngày 11-11-2016, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn 2017 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, ngành chức năng, các địa phương đưa Nghị quyết vào cuộc sống, đến nay qua hơn 1 năm thực hiện đã đạt được kết quả bước đầu, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững.

Nhìn lại quá trình thực hiện Nghị quyết 09 có thể thấy, kết quả nổi trội là các huyện chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ cách làm linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế ở từng nơi, nhiều địa phương đã biến cái “bất lợi, thành có lợi” để phát triển chuỗi sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường. Các mặt hàng nông sản đặc thù được ưu tiên sản xuất như măng tây xanh, nho, táo, hành, tỏi… đã biến hàng ngàn ha đất khô hạn trở thành những vùng chuyên canh cây trồng tập trung cho thu nhập cao. Ít ai nghĩ rằng, ngay nơi vùng đất cát xã An Hải (Ninh Phước), nông dân lại giàu lên nhanh chóng nhờ trồng măng tây xanh, rau sạch, hay như thông qua mô hình kinh tế nông - lâm kết hợp, các huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Thuận Bắc… đã trồng 530 ha cây ăn trái (bưởi, táo, mãng cầu) có tác dụng vừa phủ xanh đồi trọc vừa tạo sinh kế cho hộ nghèo. Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh chuyển được 1.500 ha đất lúa kém hiệu quả sang canh tác các loại cây trồng cạn kết hợp với ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước.

Không dừng lại đó, bằng nhiều giải pháp, các địa phương triển khai những mô hình thích ứng dựa vào cộng đồng mang lại lợi ích thiết thực, được người dân đồng thuận và đánh giá cao như: mô hình trồng, phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn, ven biển kết hợp tạo sinh kế bền vững cho nông dân; mô hình nuôi tôm quảng canh, mô hình canh tác tiết kiệm nước... Kết quả từ việc đẩy mạnh nhân rộng mô hình giúp nông dân duy trì sản xuất các loại cây trồng đặc thù quanh năm, kể cả trong mùa khô hạn, cuộc sống của bà con nhờ đó không bị xáo trộn. Để đảm bảo nguồn nước phục vụ tưới ổn định ở những vùng chuyển đổi, tỉnh lên kế hoạch liên thông các hồ chứa đưa vào quy hoạch xây dựng trong giai đoạn đến năm 2020 và năm 2030. Cụ thể, kết nối đường ống đưa nước từ hồ Sông Cái, đập Tân Mỹ về các khu vực phía Bắc của tỉnh như hồ Thành Sơn, Bà Râu, Sông Trâu, Ông Kinh; hồ Tân Giang về hồ Sông Biêu và hồ Suối Lớn; hồ Sông Than về hồ Lanh Ra, Tà Ranh, Bàu Zôn, CK7; đồng thời, kiến nghị Trung ương đầu tư triển khai các dự án, công trình trọng điểm về biến đổi khí hậu có tính cấp bách, cấp thiết; xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư tài chính, chuyển giao công nghệ ứng phó BĐKH. Đến nay một số công trình thủy lợi được triển khai xây dựng như Dự án đập hạ lưu sông Dinh, Dự án đập ngăn Tân Mỹ mở ra triển vọng mới cho phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái.

Ninh Phước xây dựng vùng trồng nho tập trung theo quy trình VietGAP
kết hợp du lịch ở xã Phước Thuận. Ảnh: A.T

Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cũng chuyển biến tích cực, theo hướng đầu tư thâm canh, tăng năng suất, tăng hiệu quả, đảm bảo vệ sinh an toàn và cân bằng sinh thái môi trường. Hoạt động sản xuất được tổ chức lại theo hướng nâng cao trình độ công nghệ nuôi, cấu trúc lại hệ thống ao, đìa thành những khu vực chuyên ứng dụng công nghệ cao và khu vực nuôi sinh thái bền vững. Các cơ sở sản xuất nhỏ liên kết hình thành tập đoàn đầu tư công nghệ hiện đại, giữ vững vị thế là trung tâm sản xuất giống thủy sản chất lượng cao của cả nước. Riêng khai thác thủy sản, ấn tượng nhất là các địa phương đẩy mạnh chương trình khai thác xa bờ, chuyển đổi cơ cấu sang các nghề lưới vây, nghề câu, nghề chụp, lưới rê… Để giúp ngư dân vươn ra khai thác các sản phẩm vùng khơi có giá trị kinh tế cao, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, công tác thực hiện chính sách phát triển thủy sản được các cấp, ngành quan tâm, qua đó nhiều chủ tàu đã tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi nâng cấp, đóng mới tàu cá công suất lớn. Chỉ tính riêng năm 2017, từ triển khai thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, tỉnh đã phê duyệt và đầu tư 14 dự án đóng tàu mới với tổng mức đầu tư 197 tỷ đồng, góp phần vào đẩy mạnh năng lực khai thác hải sản xa bờ.

Đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhìn nhận: Qua một một thời gian ngắn thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy, các địa phương đã khai thác được lợi thế của vùng tiểu khí hậu khô hạn để phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng của cây ăn quả, cây công nghiệp và cây rau, đậu; giảm tỷ trọng cây lương thực. Chú trọng phát triển các ngành hàng lợi thế cạnh tranh cao, như: nho, táo, tỏi, nha đam, măng tây xanh…, xây dựng thương hiệu, gắn kết với tiêu thụ và từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu.